Những gam màu kết nối yêu thương

Ngắm nhìn 40 bức tranh sinh động của các họa sĩ và học viên Megan Art trong triển lãm "Gặp gỡ tháng 3" đang diễn ra tại Hà Nội, không ít người xem bất ngờ, khâm phục khi biết đó là tác phẩm của các thanh niên, thiếu niên bị rối loạn phổ tự kỷ. Triển lãm là một hoạt động ý nghĩa nhân dịp hướng tới Ngày Thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4) được Liên hợp quốc đưa ra nhằm kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường quan tâm và hiểu biết về hội chứng này.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm của học viên Nguyễn Trung Hiếu. (Ảnh: Báo Hà Nội Mới)
Tác phẩm của học viên Nguyễn Trung Hiếu. (Ảnh: Báo Hà Nội Mới)

"Gặp gỡ tháng 3" trưng bày tổng cộng gần 200 bức tranh của cả thầy và trò Trung tâm Nghệ thuật Megan Art, một địa chỉ hỗ trợ trẻ em tự kỷ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học vẽ. Với đa dạng chất liệu như sơn dầu, mầu nước, lụa..., triển lãm mang đến những hình ảnh tươi đẹp về cuộc sống, được thể hiện với nhiều phong cách, khi thì là một nét tường rêu phủ trong con ngõ vắng, một chiếc xe đạp cũ chở những đóa hoa xuân vào phố, lúc lại là hình ảnh phố xá tấp nập ngược xuôi, là những cánh đồng đầy hoa tím nở trên triền núi ven thung lũng, những nhánh hoa đào, hoa ban đua nhau khoe sắc dưới mầu xanh thắm của núi, của rừng và những con đường tháng 3 miền trung du nơi hoa gạo "thắp lửa"...

Bên cạnh tác phẩm của 11 họa sĩ chuyên nghiệp kiêm giảng viên mỹ thuật, triển lãm thu hút chú ý bởi loạt tranh của các tác giả là học viên của trung tâm tuổi từ 12 đến 24 không may mắc chứng tự kỷ. Ðó là: Nguyễn Trung Hiếu (sinh năm 1999), Vũ Ðỗ Tuấn Duy (2007), Nguyễn Văn Duy (2008), Trịnh Khánh Hiền (2000), Nguyễn Hoàng Ðan (2005), Phạm Khôi Nguyên (2004) và Thái Bình Phú Gia (sinh năm 2011).

Qua cách chọn chủ đề, qua từng nét vẽ và mảng mầu, các em cho thấy trí tưởng tượng phong phú cũng như những cảm xúc sâu sắc. Hầu hết trẻ tự kỷ gặp khó khăn khi giao tiếp và vẽ tranh là cách thức hiệu quả để các em thể hiện cá tính, suy nghĩ về thế giới chung quanh, từ đó kết nối với gia đình, bạn bè và những người khác.

Họa sĩ Lương Giang, giảng viên Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương đã sáng lập Megan Art với ý tưởng ban đầu là dạy vẽ cho các bạn nhỏ hoàn cảnh khó khăn. Thế rồi những học viên đầu tiên của chị là trẻ tự kỷ. Tất cả các thầy, cô giáo của trung tâm phải đọc sách, tìm hiểu về chứng rối loạn phổ tự kỷ để có thể tìm ra cách tiếp cận, soạn giáo trình riêng cho các em. Họ thường xuyên trao đổi, phối hợp với cha mẹ để hỗ trợ các em, thuyết phục các em hợp tác.

"Dạy trẻ tự kỷ học vẽ những ngày đầu vô cùng khó khăn, có học sinh đưa bút thì bẻ bút gãy, lại có những em nằm dài ra sàn không chịu học, một số bạn còn làm giáo viên bị thương...", họa sĩ Lương Giang chia sẻ. Tuy vậy, nhờ sự kiên nhẫn và nhẹ nhàng, chu đáo của các thầy cô, nhiều em đã bộc lộ năng khiếu và tình yêu với hội họa.

Chị Trần Thị Mến, mẹ của một học viên đã bày tỏ sự an tâm và niềm hy vọng khi thấy con được vui vẻ hơn và tập trung hơn nhờ học vẽ. Nhiều cha mẹ có con phát hiện bị tự kỷ từ khi rất nhỏ và nỗ lực đồng hành cùng con trên chặng đường vất vả, khó khăn hơn nhiều so với những đứa trẻ bình thường. Họ cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ con thực hành nghệ thuật, tham gia các triển lãm nhằm truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về hội chứng tự kỷ, xóa bỏ những định kiến chưa đúng về người tự kỷ, để mọi người thấu hiểu và yêu thương các em trong quá trình hòa nhập với xã hội.

Trước đó, vào đầu tháng 3, triển lãm "Phố xưa hè cũ" của Trần Nam Long (sinh năm 2005) mở cửa tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) đón rất đông khách tham quan và được đánh giá cao bởi cả giới chuyên môn lẫn công chúng. Mồ côi bố từ sớm, Trần Nam Long mất đi thính lực vĩnh viễn sau một lần ốm nặng lúc sơ sinh. Sau đó vài năm, em được chẩn đoán mắc tự kỷ thể tăng động và liệt cơ bẩm sinh hai chân. Không đầu hàng số phận, Long vẫn chăm chỉ đi học và đến với hội họa.

Thế giới của sắc mầu và cọ vẽ đã bù lại cho những âm thanh cuộc sống mà em không bao giờ được nghe. Các họa sĩ, giáo viên từng hướng dẫn em đều nhận thấy ở Trần Nam Long khả năng ghi nhớ, nắm bắt quy luật xa gần, phối mầu và đặc tả chi tiết. Ðam mê và cố gắng của Nam Long cùng sự động viên, sát cánh của người mẹ - chị Phùng Thị Hiếu, khiến khả năng hội họa của em được phát huy. Vượt mọi khó khăn, mẹ đều đặn đưa em đi học vẽ, thường xuyên đưa em đi ký họa ở mọi ngóc ngách Hà Nội. Ở tuổi 18, Trần Nam Long chọn cho mình con đường họa sĩ chuyên nghiệp để đóng góp cho đời, với nhiều giải thưởng mỹ thuật lớn nhỏ và bộ sưu tập hàng trăm bức tranh.

Chàng trai có hành trình đặc biệt này đã được cộng đồng yêu hội họa biết đến từ lâu với những bức tranh phố cổ Hà Nội đạt hàng triệu lượt yêu thích và chia sẻ trên mạng xã hội. Lần đầu mở triển lãm cá nhân, Trần Nam Long mang đến gần 80 tác phẩm "chân dung" Hà Nội, từ những góc phố lãng mạn mùa thu cho đến những căn biệt thự cổ kính in dấu thời gian.

Qua nét vẽ của Long, những ngôi nhà trên phố Ngô Sĩ Liên, Tô Hiến Thành, xóm Hạ Hồi, cổng Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, phố Hàng Rươi, cầu Long Biên, góc phố Trần Xuân Soạn, Cửa Ðông, cầu Thê Húc... hiện lên sống động, chính xác về bố cục và tỷ lệ kiến trúc, song lại rất có chiều sâu và gợi cảm xúc chứ không chỉ là tả thực.

Ðó là nhờ những chi tiết nhỏ mà họa sĩ để ý và trau chuốt, như vệt nắng xuyên qua kẽ lá, như gánh hàng rong chở đầy hoa, như mảng rêu trầm mặc trên tường nhà... Sau triển lãm, nhiều bức tranh của Long đến với các nhà sưu tập, không chỉ bởi câu chuyện truyền cảm hứng về nghị lực sống mà còn vì chất lượng nghệ thuật được khẳng định. Hội họa đã mở cánh cửa cho mọi người bước vào và nhìn thấy thế giới của Trần Nam Long, và ngược lại cũng đưa em đến với cuộc sống bình thường như bao người.

Những họa sĩ như Trần Nam Long hay các học viên của Megan Art đại diện phần nào cho nhiều trẻ tự kỷ khác - những cá nhân khó hòa nhập xã hội, nhưng nếu được quan tâm, hỗ trợ toàn diện và đúng cách thì theo thời gian vẫn có thể sống, học tập và làm việc phù hợp năng lực bản thân. Với nhận thức về tự kỷ đã và đang được nâng cao ở Việt Nam, các lớp thực hành nghệ thuật, các triển lãm cũng ra đời nhiều hơn và góp phần tích cực trong việc định hướng giáo dục cho nhóm trẻ tự kỷ có năng khiếu, tạo môi trường lành mạnh và bổ ích để các em thêm tự tin cống hiến cho xã hội.