Cao tốc bắc – nam phía đông
Sáng 30-9-2020, ba dự án thành phần của đường cao tốc bắc – nam phía đông (đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây), đồng loạt được khởi công. Đây là ba dự án thành phần được Quốc hội chuyển đổi từ hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước.
Trong đó, dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45 đi qua địa phận hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, có chiều dài tuyến khoảng 63,37km. Phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng bốn làn xe hạn chế, bề rộng nền đường (Bnền=17m); vận tốc thiết kế 80km/giờ. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng.
Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô sáu làn xe, bề rộng nền đường (Bnền= 32,25m), vận tốc thiết kế 120km/giờ.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8km. Giai đoạn trước mắt, đầu tư phân kỳ với quy mô bốn làn xe, bề rộng mặt đường Bmặt=16m, bề rộng nền đường Bnền=17m. Vận tốc thiết kế 80km/giờ. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng.
Giai đoạn hoàn chỉnh, đầu tư xây dựng sáu làn xe, bề rộng nền đường Bnền =32,25m, vận tốc thiết kế 120km/giờ.
Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, có chiều dài khoảng 99km (đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km); xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/giờ.
Giai đoạn phân kỳ quy mô bốn làn xe hoàn chỉnh bề rộng nền đường (Bnền=25,0m). Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 12.577,487 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng. Trong giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô sáu làn xe, bề rộng nền đường (Bnền= 32,25m).
Ba dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác (dự kiến cuối năm 2022) cùng với các dự án thành phần khác từng bước hình thành nên tuyến cao tốc trên tuyến bắc-nam phía đông hiện đại, có năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị đặc biệt là ba vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu.
Ba dự án này cũng góp phần từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, kết nối và phát huy hiệu quả các đoạn đường bộ đã và đang đầu tư; tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương có dự án đi qua; phù hợp với định hướng và quy hoạch phát triển giao thông vận tải.
Cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ thuộc dự án WB6
Ngày 19-11-2020, cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ - Dự án WB6, được động thổ.
Các hạng mục chính của cụm công trình gồm: xây dựng kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ với chiều dài khoảng 1km, chiều rộng đáy kênh 90m- 100m; xây dựng âu tàu, kích thước trong buồng âu rộng 17m, dài 179m và cao độ đáy -7,0m; cầu vượt kênh nối Đáy Ninh Cơ tĩnh không 15m, kết cấu bê-tông cốt thép bao gồm 18 nhịp dầm Super-T, chiều dài cầu 777,9m, chiều dài đường dẫn 1.497m.
Các hạng mục phụ trợ gồm: hệ thống phao tiêu báo hiệu, trồng cây, đê hoàn trả, hệ thống thủy lợi, điện và thông tin liên lạc…
Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ có tổng mức đầu tư 107.19 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78.74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28.45 triệu USD. Vị trí xây dựng trên địa phận xã Nghĩa Lạc và Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ là một hợp phần rất quan trọng của Dự án WB6, sau khi hoàn thành cụm công trình này (dự kiến giữa năm 2022) sẽ phát huy được hiệu quả cao nhất của cụm công trình cải tạo luồng qua cửa Lạch Giang (đã hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2016), giúp cho tàu có trọng tải 2000 Tấn đầy tải và 3000 tấn giảm tải có thể đi sâu vào đất liền đến cụm cảng Ninh Bình, Ninh Phúc. Từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường.
Dự án “Phát triển giao thông khu vực đồng bằng Bắc Bộ” - WB6 là dự án lớn nhất từ trước đến nay được đầu tư vào hạ tầng đường thủy nội địa ở khu vực phía bắc, được thực hiện trên phạm vi 14 tỉnh/thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Dự án WB6 là bước đột phá trong cải tạo hệ thống hạ tầng đường thủy nội địa khu vực đồng bằng Bắc Bộ, kết nối vận tải thủy nội địa khu vực với vận tải ven biển phục vụ phát triển kinh tế xã hội, giảm gánh nặng cho đường bộ vốn đang quá tải, ô nhiễm, ùn tắc và nhiều tai nạn.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Sáng 4-1-2021, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được thông tuyến kỹ thuật. Tuyến cao tốc này khởi công tháng 11-2009, sau gần 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10% khối lượng, đến tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án.
Theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, đến thời điểm thông tuyến kỹ thuật, kinh phí thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hơn 14.000 tỷ đồng. Cao tốc có bề rộng mặt đường là 13,75m, gồm hai làn xe, mỗi làn rộng 3,5m và hai làn phụ, mỗi làn rộng 2,75m.
Theo lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương-Mỹ Thuận, sau hơn một năm rưỡi tái khởi động (vào tháng 4-2019), với sự nỗ lực vượt khó của hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công công trình bằng tinh thần “ba xuyên”: “Xuyên đêm”; “xuyên lễ, tết”; “xuyên dịch”. Tập đoàn Đèo Cả đã hoàn thành lời cam kết theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phải thông tuyến dự án trước 31-12-2020.
Đến thời thông tuyến kỹ thuật, dự án đã thi công đạt hơn 75% khối lượng, tuyến chính dài hơn 51km đã được thông, một số đoạn trên tuyến chính đã trải cấp phối đá dăm, thảm bê-tông nhựa mặt đường, các cầu trên tuyến đã hoàn thành bản mặt cầu... Dự án đang tiếp tục thi công các hạng mục còn lại như kết cấu mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, chiếu sáng, hệ thống kiểm soát giao thông thông minh (ITS), trạm thu phí… Dự kiến, dự án sẽ khánh thành toàn tuyến trong năm 2021.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1
Sáng 5-1-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát lệnh khởi công Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.
Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD với mục tiêu xây dựng một cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện Dự án là từ 2020 đến 2025.
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trên địa bàn sáu xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án có diện tích 5.000ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200ha.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ 030 triệu USD, được chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư một đường cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành, Cảng HKQT Long Thành có bốn đường cất hạ cánh, bốn nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và năm triệu tấn hàng hóa/năm.
Sửa chữa mặt cầu Thăng Long
Cầu Thăng Long chính thức được thông xe vào sáng 7-1-2021 sau gần năm tháng sửa chữa.
Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5-1985. Tuy nhiên, sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.
Dự án sửa chữa cầu Thăng Long bắt đầu triển khai từ 16-8-2020, sau gần năm tháng thi công, hàng trăm công nhân, kỹ sư đã hoàn thành một khối lượng công việc không nhỏ như: hàn hơn 1,4 triệu đinh neo; lắp đặt 800 tấn cốt thép; rải 2.000 m3 bê-tông siêu tính năng; quét keo Epoxy dính bám và thảm 27.200m2 bê-tông nhựa Polymer.
Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, dự án sửa chữa cầu Thăng Long là dự án đặc biệt quan trọng chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, góp phần giảm ùn tắc cho tuyến giao thông huyết mạch kết nối Thủ đô Hà Nội với sân bay Nội Bài và các tỉnh phía bắc cũng như toàn tuyến Vành đai 3 của thành phố.
Nâng cấp, sửa chữa sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài
Ngày 10-1-2021 tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức Lễ khánh thành giai đoạn 1 Dự án nâng cấp, cải tạo đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất.
Theo quyết định phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, dự án nâng cấp, cải tạo đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.031,6 tỷ đồng, được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện trong thời gian sáu tháng, tiến hành cải tạo 3.000m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nối, hệ thống thoát nước,… Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại của đường cất hạ cánh 1B và hoàn thiện đường 1A, các đường lăn nối, kết thúc trước dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
Tương tự, dự án nâng cấp, cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư 2.015,3 tỷ đồng, được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện trong thời gian sáu tháng, tiến hành sửa chữa đường băng 25R/07L, dài 3km, rộng gần 46m; bốn đường lăn nối E1, NS1, W4, W6 cùng các công trình phụ trợ,… Giai đoạn 2, hoàn thiện sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại, phấn đấu kết thúc trước 31-12-2021.
Hầm đường bộ Hải Vân 2
Hầm đường bộ Hải Vân 2 được khánh thành ngày 11-1-2021, thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả.
Hạng mục hầm đường bộ Hải Vân thuộc dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả (hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân với tổng chiều dài toàn tuyến là 31,95km). Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) loại hợp đồng BOT với tổng mức đầu tư ban đầu là 26.154 tỷ đồng do Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư.
Hạng mục hầm Hải Vân được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 tiến hành nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 để giải quyết tình trạng xuống cấp cần trùng tu, sửa chữa, đã hoàn thành từ tháng 8-2017. Giai đoạn 2, tổ chức thi công hầm Hải Vân 2 với chiều dài toàn tuyến 12,4km, chiều dài hầm là 6,2km được thiết kế với chiều rộng 9,7m; bao gồm hai làn xe rộng 7m; đường bộ hành và bảo dưỡng rộng 1m; dải an toàn 1,5 m; đường dẫn phía bắc dài khoảng 1,7 km; đường dẫn phía nam dài 4km.
Ngày 4-9-2019, hầm Hải Vân 2 được hợp long tạo tiền đề quan trọng cho việc triển khai các công việc chống thấm, đổ bê-tông vỏ hầm và lắp đặt các trang thiết bị phục vụ kiểm soát an toàn thông minh và hệ thống phòng cháy, cứu nạn cứu hộ trong hầm. Đến tháng 9-2020, hầm Hải Vân 2 đã kết thúc công tác thi công, vượt ba tháng so với tiến độ được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.
Khi đưa vào khai thác, Hải Vân 2 sẽ giải quyết tình trạng quá tải ở hầm Hải Vân 1, đáp ứng nhu cầu di chuyển của phương tiện khi lưu thông một chiều mỗi ống hầm, góp phần bảo đảm an toàn giao thông giữa Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi
Tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được khánh thành ngày 12-1-2021. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.355 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Dự án có tổng chiều dài 51km, được chia làm hai gói thầu thi công xây lắp gồm: CW1 nằm trên địa phận TP Cần Thơ với chiều dài 24,17km, 11km đường gom và 13 cầu và hệ thống thoát nước; CW2 nằm trên địa phận tỉnh Kiên Giang với chiều dài 27km, có 9km đường gom và 14 cầu cùng hệ thống thoát nước.
Dự án được Bộ Giao thông vận tải tổ chức khởi công xây dựng vào ngày 17-1-2016, sau 5 năm triển khai xây dựng, đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, bảo đảm các điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác từ 12-1-2021 và chỉ cho phép các phương tiện cơ giới đường bộ được lưu thông trừ mô-tô, xe gắn máy.
Khi đưa tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi từ TP Cần Thơ xuống Kiên Giang từ 1 giờ 30 phút xuống còn 50 phút, tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác của tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan đến Việt Nam.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sau khi hoàn thành cùng với các dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông (cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống...) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương có dự án đi qua nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung, giúp làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan.
Đồng thời, tiếp tục kết nối với tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An) (là các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư trong tương lai) để tạo thành trục dọc nối từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tạo tiền đề cho việc hình thành tuyến cao tốc phía tây song song với tuyến cao tốc bắc - nam phía đông (đến Cà Mau) và cùng với các tuyến cao tốc trục ngang đã được phê duyệt quy hoạch (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) sẽ hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc hiện đại, đồng bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trong khu vực và của đất nước.