1.Hoàn thành mục tiêu kép: bảo đảm an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên; hoàn thành kế hoạch năm học
Sau các đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh.
Các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ, không bị “đứt gãy”. Các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành giáo dục. Các trường đại học đã tích cực nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch.
2.Tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 phải lùi 1 tháng so với hằng năm. Ngay trước khi kỳ thi diễn ra, Việt Nam tiếp tục đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 thứ hai, dịch lan rộng ở Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận.
Bộ GD-ĐT quyết định vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 nhưng chia thành hai đợt. Chủ trương đúng, cách làm khoa học, cùng sự quyết tâm, nỗ lực cao của toàn ngành GD-ĐT, của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, hai đợt của Kỳ thi Tốt nghiệp THPT 2020 kết thúc và đạt đồng thời hai mục tiêu: Bảo đảm an toàn phòng chống dịch; Bảo đảm Kỳ thi nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế.
Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng đào tạo ngành giáo dục mầm non năm 2020 cũng đạt kết quả tích cực dù đối mặt với những khó khăn đến từ đại dịch Covid-19 và các đợt bão lũ liên tiếp ở miền trung. Nhằm bảo đảm cao nhất quyền lợi cho thí sinh và tạo thuận lợi cho các cơ sở trong xét tuyển đại học, thực hiện tự chủ, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh kế hoạch và chỉ đạo sát sao công tác tuyển sinh. Việc xét tuyển sinh đại học đợt 1 được sử dụng kết quả gộp chung của cả hai đợt thi tốt nghiệp THPT bảo đảm công bằng cho tất cả thí sinh.
Việc tự chủ tuyển sinh cũng được cơ sở giáo dục đẩy mạnh. Các nhà trường đã chủ động xác định chỉ tiêu, đa dạng hoá phương thức tuyển sinh và lựa chọn thời gian tuyển sinh phù hợp với yêu cầu riêng của từng đơn vị. Thí sinh khi có nhiều hơn các lựa chọn phương thức xét tuyển để đăng ký cho phù hợp với điều kiện và nguyện vọng của bản thân.
3. Chuyển biến tích cực trong dạy và học với chương trình giáo dục phổ thông mới
Năm học 2020-2021, giáo dục Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.
Qua một học kỳ triển khai, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bước đầu “thổi làn gió” tích cực vào công tác dạy - học của các nhà trường. Những tiết học của học sinh lớp 1 trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động giáo dục được tổ chức nhằm tạo sự hứng thú học tập cho học sinh. Các em được tự tìm tòi, khám phá và chiếm lĩnh tri thức; từ đó hình thành phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết.
Thời gian đầu triển khai chương trình mới, có một số phản ánh về sách giáo khoa môn Tiếng Việt nặng; một số ngữ liệu chưa phù hợp với học sinh lớp 1. Những vấn đề này đã được Bộ GD-ĐT nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đơn vị xuất bản khắc phục, tiếp thu, điều chỉnh. Những quy định về biên soạn, thẩm định sách giáo khoa cũng được chỉnh sửa để bảo đảm sách giáo khoa các lớp học sau có chất lượng tốt hơn.
4. Giáo dục tiểu học Việt Nam đứng đầu các nước Đông - Nam Á
Trong 6 nước tham gia Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông - Nam Á (SEA PLM) năm 2019, gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipine, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả ba năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học.
5. Học sinh Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên đấu trường Olympic khu vực, quốc tế
Tiếp nối những kết quả đạt được trong các năm trước, năm 2020 học sinh Việt Nam đã đạt nhiều thành tích trên đấu trường trí tuệ thi Olympic khu vực và quốc tế. Các thí sinh Việt Nam tham dự đều đoạt đoạt giải; trong đó có 9 huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc, 5 huy chương Đồng và 2 bằng khen.
Những kết quả trên tiếp tục khẳng định vị thế của học sinh phổ thông Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế. Học sinh Việt Nam không chỉ đạt thành tích cao ở những nội dung lý thuyết mà kết quả phần thi thực hành cũng có nhiều cải thiện đáng kể.
6. Cơ sở giáo dục đại học liên tiếp vào bảng xếp hạng uy tín thế giới
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì số lượng và thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới, Việt Nam lần đầu tiên có bốn cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới, theo xếp hạng 2021 Best Global Universities Rankings của tạp chí US New & Word Report (Mỹ).
Hai Đại học Quốc gia của Việt Nam trong năm 2020 cũng được vào tốp 101-150 trường đại học trẻ tuổi (thành lập dưới 50 năm) có chất lượng giáo dục hàng đầu thế giới, theo xếp hạng của Tổ chức QS.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên và là đại diện duy nhất của Việt Nam xuất hiện trong tốp 200 của bảng xếp hạng các trường đại học trong “độ tuổi vàng” (THE Best ‘Golden Age’ universities). Trong Bảng xếp hạng những đại học có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu - THE Impact Rankings, năm 2020, Việt Nam có thêm Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Tôn Đức Thắng có tên trong bảng xếp hạng.
Nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo của Việt Nam được đứng trong tốp 500 thế giới. Số lượng báo cáo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín tăng đáng kể với 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới. Cũng trong năm 2020, lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới. Đó là tạp chí Vật liệu và linh kiện tiên tiến (JSAMD) của Đại học Quốc gia Hà Nội được xếp vào nhóm những tạp chí khoa học uy tín nhất (nhóm Q1) về lĩnh vực vật liệu composite và vật liệu từ, điện tử, quang.
7. Chuyển đổi số giúp thay đổi diện mạo ngành giáo dục
Ngành giáo dục đã hoàn tất việc số hóa, gắn mã định danh cho hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên. Đồng thời, xây dựng và phát triển kho học liệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) với khoảng 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 200 đầu sách giáo khoa, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm và hơn 7.500 luận án tiến sĩ.
Nhiều chính sách chuyển đổi số đã được ban hành và tác động tích cực tới quá trình chuyển đối số trong giáo dục và đào tạo. Đáng kể nhất là việc chuyển đổi quản lý, tổ chức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, phát triển hệ thống MOOCs ở các trường đại học; triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông, hướng dẫn dạy học trên truyền hình, internet, công nhận kết quả dạy học qua mạng, sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử,...
Bộ GD-ĐT và Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết Chương trình hợp tác triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
8. Toàn ngành hỗ trợ thầy trò miền trung vượt qua bão lũ
Trong hai tháng 10, 11 năm 2020, các tỉnh miền trung đã chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ.
Bên cạnh những hỗ trợ trực tiếp, Bộ GD-ĐT đã tổ chức phát động quyên góp trong toàn ngành và kêu gọi ủng hộ đồng bào các tỉnh miền trung vượt qua khó khăn, bảo đảm học sinh vùng lũ khi đến trường có đủ sách vở, đồ dùng học tập tối thiểu, hoàn thành tốt kế hoạch nhiệm vụ năm học 2020-2021.
Xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái và trách nhiệm xã hội, các đơn vị trực thuộc Bộ; các đại học, trường đại học, cao đẳng; các cơ quan, doanh nghiệp; sở giáo dục và đào tạo các tỉnh, thành phố…đã chủ động, tích cực chung tay hỗ trợ giáo viên, học sinh vùng lũ bằng nhiều phương thức. Các cơ quan, đơn vị và cá nhân quyên góp, ủng hộ bằng tiền, bàn ghế, thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em,... bảo đảm thiết thực, đúng đối tượng để hỗ trợ học sinh bị ảnh hưởng mưa lũ…Những quan tâm, động viên đó đã tiếp thêm sức mạnh cho thầy trò các tỉnh miền trung vượt qua khó khăn..
9. Cải cách mạnh mẽ giúp giảm áp lực cho giáo viên
Bộ GD-ĐT quyết tâm giảm tải cho giáo viên, và năm 2020 đã ghi nhận những cải cách mạnh mẽ trong thực thi quyết tâm này.
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo thực thi nghiêm việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường, gỡ bỏ những quy định về sổ sách không cần thiết, giúp giáo viên tập trung đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ GD-ĐT cắt bỏ nhiều cuộc thi không thiết thực đối với học sinh; thay đổi quy định về hội thi giáo viên dạy giỏi để tạo thành hoạt động sinh hoạt chuyên môn; thay đổi quy định về kiểm tra, đánh giá, nhận xét học sinh theo hướng nhẹ nhàng, linh hoạt…
Trong thời gian sắp tới sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên, trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sẽ không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ thứ 2; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc.