Những cú nhảy cùng màu sắc

Nhìn Đặng Thanh Hiển trong trang phục cầu thủ bóng rổ hay chứng kiến những cú nhảy ném bóng của anh trong mầu áo câu lạc bộ Jokers, thật khó hình dung đó cũng là tác giả của những bức tranh tường về huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant.
0:00 / 0:00
0:00
Nhóm của Đặng Thanh Hiển thực hiện vẽ trên mặt sân tại ký túc xá Trường đại học Giao thông vận tải.
Nhóm của Đặng Thanh Hiển thực hiện vẽ trên mặt sân tại ký túc xá Trường đại học Giao thông vận tải.

Với đam mê bóng rổ và có chút năng khiếu hội họa từ nhỏ, Hiển là một trong những tác giả khá thành công khi đưa thể thao vào những bức vẽ của mình. Ngoài việc sáng tác tranh, anh cũng đang thực hiện các dự án mang tính cộng đồng, góp phần lan tỏa tình yêu thể thao đến học sinh, sinh viên.

Gặp chàng thanh niên sinh năm 1996 ở ngoài đời, nghe anh say sưa kể về công việc cũng như niềm đam mê và các dự định của mình, tôi không khỏi liên tưởng tới Inoue Takehiko, một tác giả người Nhật Bản cũng vì yêu bóng rổ mà sáng tác bộ truyện tranh về bóng rổ nổi tiếng Slam Dunk, nằm trong tốp 10 bộ manga bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 120 triệu bản bán ra.

Đã hơn 9 giờ sáng chủ nhật, nhưng các dãy nhà cao tầng ở khu ký túc xá Trường đại học Giao thông vận tải, đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) vẫn vắng lặng và yên ắng. Ở phần sân bên cạnh, một bức vẽ lớn đang được hình thành với những gam mầu xanh da trời nhìn mát mắt.

Nhóm thực hiện bức vẽ nhanh chóng bắt tay vào việc vệ sinh mặt sân, chuẩn bị dụng cụ vẽ, rồi pha sơn. Ai cũng đều rất trẻ... Lớn tuổi nhất là Đặng Thanh Hiển, ở giữa thế hệ 9X. Hiển chính là người sáng tác các bức vẽ về thể thao được thực hiện trên tường, trên sân bê-tông và chịu trách nhiệm chính cho dự án đang triển khai ở sân chơi ký túc xá của Trường đại học Giao thông vận tải.

Tưởng như các bước rất đơn giản khi chỉ cần đổ sơn vào từng mảng mầu khác nhau rồi trát phẳng bề mặt, nhưng thực tế không như vậy. Hiển cho biết, những bức vẽ có diện tích nhỏ hay vẽ trong nhà thi công sẽ rất nhanh, rất thuận lợi nhưng với những bức vẽ có diện tích lớn như sân bóng rổ ngoài trời, sân 5x5 với diện tích 420m2 hay sân 3x3 có diện tích 210m2, anh phải quan tâm đến nhiều yếu tố như hình phát dựng lên trên máy, làm sao đưa được thiết kế trên máy ra ngoài sân thật chính xác.

Anh phải chọn thời điểm thi công phù hợp thời tiết, cụ thể là trời khô ráo, nắng đẹp. Đây có lẽ là vấn đề lớn nhất khi thực hiện những bức vẽ ngoài trời bởi trời nắng đẹp thì không sao và sẽ giúp lớp sơn khô nhanh hơn nhưng gặp hôm trời nồm ẩm, họ chẳng có lựa chọn nào khác là chờ đợi. Chẳng đâu xa, tổng thời gian nhóm của Hiển thi công ở sân chơi The New Quarter, đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình (Hà Nội) chỉ mất hơn một tháng nhưng thời gian đợi chờ thời tiết mất tới ba tháng.

Với đam mê bóng rổ và có chút năng khiếu hội họa từ nhỏ, Hiển là một trong những tác giả khá thành công khi đưa thể thao vào những bức vẽ của mình. Ngoài việc sáng tác tranh, anh cũng đang thực hiện các dự án mang tính cộng đồng, góp phần lan tỏa tình yêu thể thao đến học sinh, sinh viên.

Dĩ nhiên, một bức vẽ, một thiết kế đẹp, gây ấn tượng vẫn phải phụ thuộc vào ý tưởng của người họa sĩ, dựa trên chủ đề, gợi ý của nhà đầu tư. Chẳng hạn như trong cuộc thi thiết kế sân bóng rổ The New Quarter đầu năm 2022, Hiển tuy không đoạt giải đặc biệt nhưng ý tưởng về chủ đề Việt Nam, về cộng đồng của anh rất thú vị, khi anh lấy hình ảnh ruộng bậc thang là nội dung chủ đạo của bức vẽ. Bên cạnh đó, động lực cho anh là sự chú ý và quan tâm của TNEX.

Theo ông David Jimenez Maireles, Phó Tổng Giám đốc TNEX, khi quyết định tài trợ vào thể thao mà cụ thể là cải tạo sân bóng rổ và sân bóng chuyền, sau khi đến thăm Trường đại học Giao thông vận tải, họ muốn làm một điều gì đó thật khác biệt với mong muốn góp phần tạo thêm hứng thú với môn thể thao cho sinh viên cũng như giúp được tập luyện với cơ sở vật chất tốt hơn. Một lý do khiến họ muốn thi công bên sân bóng rổ là vì trong tháng 3 này, dự kiến TNEX sẽ tổ chức Giải bóng rổ và bóng chuyền TNEX Cup 2023, với sự tham gia của sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải và năm trường đại học khác tại Hà Nội, và nhà đầu tư muốn giải diễn ra trên mặt sân mới với mầu sắc rực rỡ.

Bộ phận thiết kế của TNEX sau đấy đã nghiên cứu những sân bóng rổ đẹp trên thế giới và rất ngạc nhiên khi biết trong số đó có một sân bóng ngay tại Hà Nội - “The New Quarter”. Họ đã đến tận nơi và thật sự ấn tượng với chất lượng cũng như thiết kế của nơi này. Biết Hiển là người chịu trách nhiệm cho thiết kế ở The New Quarter nên đã liên hệ và bày tỏ mong muốn làm một thứ tương tự tại sân thể thao của Trường đại học Giao thông vận tải.

Thực ra, chủ đề mà nhóm của Hiển đang thực hiện ở ký túc xá Trường đại học Giao thông vận tải là về dải thiên hà, vũ trụ, với tông mầu xanh là chủ đạo. Đây là ý tưởng xuyên suốt của TNEX và theo ông Maireles, họ hy vọng lần hợp tác đầu tiên này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác về sau giữa hai bên.

Với Hiển, những tác phẩm tại The New Quarter và ký túc xá Trường đại học Giao thông vận tải là một bước ngoặt nữa trong việc kết hợp nghệ thuật và thể thao mà anh đang theo đuổi trong gần 10 năm qua. Kinh nghiệm của từng đó năm thực tế là nhiều với một chàng trai mới 27 tuổi bởi Hiển đã lăn lộn kiếm sống từ sớm. Không phải vì gia đình anh khó khăn mà vì anh muốn kiếm tiền bằng khả năng của mình.

Vì thế, dù thi đỗ Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Trường đại học Kiến trúc và Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, hay gia đình đã hướng anh theo học ngành thú y, song anh vẫn quyết định không theo học ở một trong những ngôi trường này. Thay vào đó, Hiển đi theo tiếng gọi của sự đam mê trong mình. Anh đã đi làm ở quán cafe, mở một cửa hàng vẽ giày nghệ thuật, vẽ tranh tường thuê, vẽ tranh để bán và giờ là thực hiện những dự án lớn như thiết kế, vẽ sân thể thao.

May mắn cho Hiển là gia đình luôn ủng hộ các quyết định của anh và trong cuộc trò chuyện giữa hai chúng tôi, chàng trai sinh năm 1996 tiết lộ thêm, bố mẹ không can thiệp vào cuộc sống riêng tư của anh nhưng khuyên anh không được làm điều gì trái với lương tâm và pháp luật. Vậy là Hiển đi làm ở một quán cafe trước khi anh có bức vẽ tranh tường đầu tiên tại đây từ gợi ý của người chủ quán. Sau đó, anh mở một cửa hàng vẽ giày bóng rổ có thể nói là gần như đầu tiên ở Hà Nội với tên gọi Kickz Barber, một sự kết hợp đầu tiên giữa niềm đam mê bóng rổ với năng khiếu hội họa của bản thân.

Và chính sự kết hợp giữa bóng rổ và nghệ thuật đã khiến tôi chú ý đến Hiển nhiều hơn. Như anh tâm sự, vì đam mê cả thể thao và hội họa nên anh luôn có ý tưởng muốn kết hợp hai niềm đam mê này lại. Chính vì thế khi ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant mà anh rất hâm mộ qua đời vì tai nạn, anh nảy ra ý tưởng sẽ vẽ 24 bức tranh về Bryant theo số áo 24 của cầu thủ này để bày tỏ tình cảm của mình cũng như những người đam mê môn thể thao bóng rổ.

Với những đam mê lớn về thể thao và hội họa, dù vẽ trên tường, trên sân hay trên vải canvas, cứ cầm cọ trên tay, với Hiển mọi thứ chung quanh dường như tan biến hết, chỉ còn lại bản thân và những cảm xúc mà anh muốn đặt vào trong tác phẩm của mình.

Từ bức vẽ Bryant đầu tiên ở trên tường tại phố Yên Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng bóng rổ, cộng đồng mạng trước khi bị các bức graffiti chèn lên, đến nay Hiển đã đi được 1/4 chặng đường với hai bức vẽ khác tại Thủ đô, hai bức vẽ ở Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế, và hai bức vẽ ở Nghệ An.

Hiện nay Hiển quyết định sẽ dành thời gian nhiều hơn cho việc thực hiện những công trình mang tính cộng đồng và có ý nghĩa nhân văn như tại The New Quarter và ký túc xá Trường đại học Giao thông vận tải. Tuy nhiên, như anh tâm sự, anh đang ấp ủ mong muốn sẽ thiết kế một sân bóng rổ hay sân thể thao nói chung hoàn toàn theo ý tưởng của bản thân.

Với những đam mê lớn về thể thao và hội họa, dù vẽ trên tường, trên sân hay trên vải canvas, cứ cầm cọ trên tay, với Hiển mọi thứ chung quanh dường như tan biến hết, chỉ còn lại bản thân và những cảm xúc mà anh muốn đặt vào trong tác phẩm của mình. Và hy vọng biết đâu, anh cũng có thể sáng tác một bộ truyện tranh về bóng rổ như Slam Dunk mà các bạn trẻ yêu thích và tìm đọc sau này.