Ngay từ những ngày còn nhỏ, cô giáo Sái Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Yên Lâm 1, xã Yên Lâm, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) đã ao ước sau này được đứng trên bục giảng. Sau những năm miệt mài học tập dưới mái trường sư phạm, cô đã thực hiện được ước mơ của mình. 35 năm công tác tại các trường vùng sâu, vùng xa, nhưng cô Hạnh không quên được những ngày đầu xây trường, mở lớp, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng bằng tình thương và trách nhiệm, với lòng say mê yêu nghề, mến trẻ, với những nghị lực và lòng quyết tâm của bản thân và của các thầy giáo, cô giáo trong nhà trường chẳng ngại khó khăn để băng rừng, vượt suối để đem con chữ đến với các em học sinh. Cô giáo Sái Thị Hạnh chia sẻ: Yên Lâm là xã đặc biệt khó khăn, nơi có tới 85% số dân là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhận thức của người dân về việc cho con em đi học để biết chữ và công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế. Thời gian đầu, tưởng chừng sẽ không thể làm nổi trách nhiệm mà Ðảng và Nhà nước giao phó, song với lòng yêu nghề, yêu học sinh, yêu mảnh đất Yên Lâm, cô giáo Hạnh đã vượt lên tất cả những khó khăn vất vả để đạt được những kết quả như ngày hôm nay.
Thấm thoắt, cô giáo Phạm Thị Xuân đã có thâm niên 34 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 25 năm trực tiếp làm công tác giảng dạy học sinh tiểu học tại những địa bàn thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu. Dù ở trường nào cô cũng tạo được sự gắn bó mật thiết với học sinh và nhân dân các dân tộc địa phương.
Năm học 2011-2012, cô Xuân lại được phân công vào công tác tại Trường tiểu học xã Nậm Cần, một xã thuộc địa bàn khó khăn của huyện Tân Uyên. Trường cách xa huyện, đường sá lại hiểm trở, 100% số học sinh là con em các dân tộc thiểu số, tiếp tục là một thử thách, yêu cầu "cô giáo già" phải đầu tư nhiều thời gian để nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em, thường xuyên áp dụng việc đổi mới phương pháp dạy học phù hợp để các em dễ tiếp thu và thích học hơn.
Không giống như cô Phạm Thị Xuân, cô Võ Ðăng Mỹ Hảo, Trường THPT Nguyễn Tất Thành, M’Drắc (Ðác Lắc), sinh ra và lớn lên tại mảnh đất cố đô Huế, khi nhận công tác đến Tây Nguyên, đã xác định tâm thế lên vùng cao, nhưng thật không ngờ nơi mà mình nhận công tác lại quá xa xôi, hẻo lánh, khó khăn đến vậy. Ðiện không có, thông tin thì quá ít, trang thiết bị dạy học thiếu, học sinh thì thiếu hiểu biết về xã hội, ở xa trường, kinh tế gia đình các em vô cùng khó khăn, vài bữa lại lên cơn sốt rét. Ðã có những lúc cô tự hỏi không biết có thể an tâm công tác ở đây không? Thế mà đã hơn 20 năm trôi qua, cô đã, đang và sẽ tiếp tục gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên đầy khó khăn này.
Chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng cô giáo Nguyễn Thanh Thêm vẫn mạnh dạn làm đơn tình nguyện xin lãnh đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Ngọc Hiển về tận cùng Ðất Mũi để mở trường mẫu giáo. Hơn 20 năm gắn bó với mảnh đất tận cùng của Tổ quốc, dù hiện giờ đã làm Hiệu trưởng, nhưng cô không thể quên được những ngày đầu về đây lập nghiệp. Khi đó, lớp học không có phải mượn tạm một phòng của trụ sở ủy ban, cứ vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 là thủy triều dâng nước ngập lớp học đem theo phù sa, rác kín phòng học, phải đợi cho nước rút, quét dọn, lau chùi chờ khô bàn ghế cô trò mới học được. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà cô gặp phải đó lại là nhận thức còn hạn chế của chính quyền cũng như người nơi đây đối với ngành học mầm non. Họ quan niệm đi học mẫu giáo chỉ đến ca hát chứ không được học chữ, hơn nữa các bà mẹ chủ yếu ở nhà làm nội trợ và chăm con nên việc cho trẻ đến trường là không cần thiết. Ðể có học sinh, cô đã phải đi đến từng nhà để tuyên truyền, vận động họ đưa trẻ đến trường. Khó khăn là thế nhưng bản thân cô luôn xác định mình là giáo viên tình nguyện đi vùng sâu để mở lớp học nên dù khó khăn vất vả đến mấy cũng phải quyết tâm vượt qua. Cả cuộc đời dành trọn cho sự nghiệp giáo dục, trong tâm trí của cô Thêm luôn mong muốn được truyền đạt cho học sinh những kiến thức tốt nhất để chuẩn bị cho các em hành trang sự nghiệp sau này.
Những hy sinh thầm lặng của những cô giáo ở những mảnh đất còn nghèo khó, xa xôi của Tổ quốc đã giúp giáo dục và đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có những kết quả đáng ghi nhận. Họ vẫn đang từng ngày, từng giờ cống hiến cho đất nước bằng kiến thức, tình yêu thương và sự đồng cảm, quan tâm chia sẻ tới những học sinh ở vùng sâu, vùng xa.