Những chuyện không có thật lan truyền trên mạng xã hội tuần này

NDO -

Trong tuần qua, nhiều câu chuyện và hình ảnh hoàn toàn bịa đặt, vô căn cứ đã lan truyền trên mạng xã hội, thu hút hàng chục nghìn lượt chia sẻ và tương tác. Dưới đây là một số câu chuyện đã được hãng thông tấn AP kiểm chứng và chứng minh là không có thật.

Một tài khoản Twitter đăng câu chuyện không có thật về một nữ binh sĩ Ukraine phá hủy 52 xe tăng của Nga.
Một tài khoản Twitter đăng câu chuyện không có thật về một nữ binh sĩ Ukraine phá hủy 52 xe tăng của Nga.

Câu chuyện hư cấu về “người đẹp Ukraine” phá hủy 52 xe tăng của Nga

Thông tin lan truyền: Bức ảnh một phụ nữ mặc quân phục có gắn huy chương cho thấy nữ binh sĩ Ukraine đã phá hủy 52 xe tăng của quân đội Nga.

Kiểm chứng: Người phụ nữ trong ảnh là một bác sĩ quân y, không phải là một nữ binh sĩ tham gia chiến đấu - các bản tin và bài đăng trên tài khoản Facebook của người này cho biết.

Theo kiểm chứng của AP, hình ảnh này xuất hiện hồi tháng 3/2021 trong một bài báo được đăng tải bởi Army Inform, một cơ quan thông tin của Bộ Quốc phòng Ukraine. Người phụ nữ trong ảnh là Thiếu tá Victoria Palamarchuk, một bác sĩ phẫu thuật chấn thương phục vụ trong quân đội Ukraine từ năm 2014.

Chia sẻ với AP qua Facebook, bà Tatyana Palamarchuk, mẹ của Victoria Palamarchuk, xác nhận rằng thông tin lan truyền trên mạng về việc con gái bà đã cho nổ 52 xe tăng là sai sự thật. Đồng thời, bà khẳng định Thiếu tá Victoria Palamarchuk là một bác sĩ quân y chuyên về phẫu thuật chấn thương.

Cửa hàng quà tặng tư nhân chứ không phải Nhà Trắng bán những đồng xu vinh danh Tổng thống Ukraine

Thông tin lan truyền: Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden “dành 2 đồng tiền xu kỷ niệm” cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy.

Kiểm chứng: Những đồng xu kỷ niệm này đang được bán tại White House Gift Shop (cửa hàng quà tặng Nhà Trắng) - một công ty tư nhân và không liên quan gì đến chính phủ liên bang. Cửa hàng này gần đây đã bắt đầu bán 2 đồng xu kỷ niệm về Tổng thống Zelenskyy – một đồng xu tôn vinh Tổng thống Ukraine và đồng xu còn lại kỷ niệm phát biểu của ông trước Quốc hội Mỹ.

Những chuyện không có thật lan truyền trên mạng xã hội tuần này -0
 Hình ảnh một trong hai đồng xu kỷ niệm. (Ảnh: White House Gift Shop)

Mặc dù cửa hàng được liên kết với Nhà Trắng khi nó mới được thành lập vào những năm 1940 như một “quỹ tặng hoa” cho gia đình các sĩ quan cảnh sát Nhà Trắng, tuy nhiên điều này không còn đúng ở thời điểm hiện tại.

Chia sẻ với AP, ông Anthony Giannini, Giám đốc điều hành White House Gift Shop, xác nhận: “Cửa hàng đã được tư nhân hóa”, đồng thời cho biết thêm ông đã mua lại cửa hàng vào năm 2012.

Tài khoản Twitter BBC giả mạo bịa đặt phát biểu của Tổng thống Pháp Macron

Thông tin lan truyền: Hãng thông tấn BBC đăng dòng tweet với nội dung: Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này cần chuẩn bị cho việc tiếp nhận 60 triệu người tị nạn từ châu Phi và Trung Đông trong vòng 20 năm tới, bởi các biện pháp trừng phạt Nga sẽ gây sụp đổ kinh tế ở “lục địa đen”.

Kiểm chứng: BBC chưa bao giờ đăng dòng tweet này, và Tổng thống Macron cũng không phát biểu rằng nước Pháp cần chuẩn bị cho việc tiếp nhận 60 triệu người tị nạn.

Xác nhận với AP qua email, Văn phòng báo chí của BBC cho biết dòng tweet trên không được đăng tải bởi bất kỳ tài khoản nào của BBC, đồng thời thông tin trong đó cũng không xuất hiện trong bất kỳ câu chuyện thực tế nào mà đài truyền hình này từng xuất bản.

“Đây không phải là một bài báo của BBC và chúng tôi khuyến khích khán giả truy cập trang web BBC News nếu cảm thấy không chắc chắn một câu chuyện nào đó có thật hay không”, Văn phòng báo chí BBC nhấn mạnh.

Kiểm chứng thông tin