"Những chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam"

NDO -

NDĐT - Ngày 7-6, Triển lãm "Những chiến sĩ vì hòa bình" được khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp ở Paris kỷ niệm 103 Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2014. Nhân dịp này diễn ra cuộc gặp gỡ bà Raymonde Dien và bà Madeleine Riffaud, những người Pháp đã hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam.

Bà Madeleine Riffaud (trái) và Raymonde Dien kể về những kỷ niệm sâu sắc trong những lần được gặp Bác Hồ.
Bà Madeleine Riffaud (trái) và Raymonde Dien kể về những kỷ niệm sâu sắc trong những lần được gặp Bác Hồ.

Cuộc triển lãm giới thiệu về thời gian sống và hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp. Người đã nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn của những bạn Pháp như Marcel Cachin, Henri Barbusse, Paul Vaillant Couturier, rồi đến Raymond Aubrac, Raymonde Dien, Madeleine Riffaud, Henri Martin và nhiều người khác yêu mến và ủng hộ Việt Nam. Tại đây, mọi người cũng được biết rõ hơn về những người Pháp tiêu biểu cho tinh thần quốc tế hướng về Việt Nam trong đó có bà Raymonê Dien và Madeleine Riffaud.

Phát biểu tại triển lãm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng bày tỏ lòng biết ơn chân thành của nhân dân Việt Nam tới những người bạn Pháp đã dành tình yêu và sự giúp đỡ hết lòng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Việt Nam.

"Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn, luôn khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Khát vọng này là biểu tượng, là mục tiêu của cuộc đấu tranh lâu dài và gian khó của nhân dân Việt Nam để đi đến thắng lợi. Chính vào những thời khắc khó khăn nhất, nhân dân Việt Nam không đơn độc vì có những người bạn Pháp luôn sát cánh, hết lòng ủng hộ", Đại sứ Dương Chí Dũng nói.

Từ những ngày đầu của Cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo đã luôn quan tâm tới việc xây đắp tinh thần đoàn kết quốc tế để tạo nên sức mạnh tổng hợp của nhân dân yêu chuộng hòa bình và các lực lượng tiến bộ trên thế giới giúp nhân dân Việt Nam. Chính nhờ có sự đoàn kết và giúp đỡ của nhân dân thế giới, trong đó có những người bạn Pháp, đã góp phần quan trọng tạo nên chiến thắng vĩ đại của Cách mạng Việt Nam.

Việt Nam có truyền thống đạo lý tốt đẹp, đó là "uống nước nhớ nguồn". Vì vậy, Đại sứ Dương Chí Dũng khẳng định: "Các thế hệ người Việt Nam đã và sẽ mãi mãi khắc ghi tình cảm và sự hy sinh của các bạn Pháp, những chiến sĩ hết lòng đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam".

Dù tuổi cao sức yếu nhưng cả hai bà Raymonde Dien và Madeleine Riffaud lại như được tiếp thêm sức mạnh khi nhớ lại những năm tháng xưa vô cùng ý nghĩa, đấu tranh ủng hộ Việt Nam.

Nói về hành động quả cảm khi chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Đông Dương ở nhà ga Saint-Pierre-des-Corps ở thành phố Tours ngày 23-2-1950, Bà Raymonde Dien xúc động nói: "Đó là phản xạ tự nhiên, không đắn đo, tôi chỉ biết làm tất cả vì hòa bình cho Việt Nam". Dù bị bắt giam và xử tù vì tội "vi phạm nghiêm trọng an ninh quốc gia", bà vẫn tiếp tục những hoạt động hướng về Việt Nam. Và ngay tại cuộc gặp gỡ này, bà vẫn đau đáu nỗi niềm là không còn khỏe như xưa để có thể trực tiếp giúp người dân Việt Nam bị ảnh hưởng của chất độc da cam.

Trong những năm tháng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam đều biết đến nữ nhà văn, nhà thơ và nhà báo Pháp Madeleine Riffaud - người con gái nuôi yêu quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong vai trò phóng viên thường trú của tờ L'Humanité tại chiến trường Nam Việt Nam, bà đã có nhiều phóng sự và những bài báo về "cuộc chiến tranh nhân dân" của dân tộc Việt Nam.

Những trải nghiệm sống cùng nhân dân Việt Nam dưới làn bom đạn đã giúp mọi người hiểu tại sao và bằng cách nào một cuộc kháng chiến "có thể kéo dài cả nghìn năm nếu cần". Đó chính là tinh thần yêu nước, ý chí quyết đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.

Những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh lại ùa về khi bà Madeleine Riffaud nhớ lại những lần gặp Bác. Cho tới bây giờ bà vẫn nhớ như in câu nói của Bác tại Hội nghị Fontainebleau ở Pháp năm 1946 khi bà đang tập làm báo: “Tốt lắm, con gái của Bác. Sau này khi ra trường con sẽ đến thăm đất nước của Bác”. Với bà, nhân cách lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hết lòng hết sức phụng sự dân tộc, phục vụ nhân dân, tình yêu thương con người, tấm lòng bao dung và tình đoàn kết quốc tế của Bác Hồ là tấm gương sáng để bà suốt đời học hỏi và noi theo.

Vì sức khỏe không tốt nên ông Henri Martin không thể tham dự cuộc gặp gỡ này. Nhắc tới ông, không chỉ người Việt Nam mà ngay cả người Pháp tại có mặt tại đây như ông Patrice Jorland, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt, ông Nguyễn Văn Bổn - nguyên Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, nhà sử học Alain Ruscio và những người khác đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước tinh thần quốc tế của ông cũng như hai bà Madeleine Riffaud và Raymonde Dien.

Những gì diễn ra trong thực tế trong cuộc chiến tại Đông Dương trái hẳn với những điều mà quân đội Pháp thường xuyên tuyên truyền trước đó. Vì vậy, Henri Martin -người lính hải quân, đảng viên cộng sản - đã kêu gọi thủy thủ phản chiến. Tháng 3-1950, Henri Martin bị lực lượng an ninh quân đội Pháp bắt vì tội đã dám chống lại chiến tranh ngay trong quân đội Pháp.

Ra tù, Henri Martin tham gia tích cực các hoạt động của Đảng CS Pháp và trở thành một trong những nhà lãnh đạo nhiệt thành nhất. Trong suốt những năm tháng diễn ra Hội nghị hòa bình Paris, ông và các đảng viên cộng sản Pháp đã tận tình giúp đỡ Phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa cả về vật chất và tinh thần cho tới ngày toàn thắng.

Liên tục phải chống chọi với bệnh tật, Henri Martin vẫn rất quan tâm tới tình hình ở Việt Nam - đất nước mà ông hằng yêu mến. Với ông, Việt Nam là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cao đẹp, biểu trưng cho khát vọng về tự do, độc lập - những giá trị quan trọng của mỗi một dân tộc trên trái đất này.

Nhân dân Việt Nam không bao giờ quên những đóng góp vô cùng có ý nghĩa của những người bạn Pháp yêu chuộng hòa bình trong giai đoạn vô cùng gian khó để giành độc lập, thống nhất đất nước. Vì vậy, ông Lê Hồng Chương - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp - cho rằng cuộc triển lãm do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp Trung tâm tổ chức và cuộc gặp gỡ này là sự tri ân đối với những người bạn Pháp đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam vì hòa bình, hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân hai nước và trên thế giới.

"Những chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam" ảnh 1

Nhiều người tham dự cuộc gặp ca ngợi tinh thần quốc tế dũng cảm của những chiến sĩ vì hòa bình.