Những bước tiến trên hành trình trung hòa khí thải

Là một trong những quốc gia châu Âu đi đầu trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng và thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp không khí thải, Ðức đang tiến những bước dài trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu trung hòa khí thải muộn nhất vào năm 2045.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà máy điện hạt nhân ở Neckarwestheim, Ðức. (Ảnh REUTERS)
Nhà máy điện hạt nhân ở Neckarwestheim, Ðức. (Ảnh REUTERS)

Với quyết định đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, Ðức vừa chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân kéo dài hơn sáu thập niên qua. Như vậy, từ năm 2003 đến nay, Berlin đã đóng cửa 16 lò phản ứng hạt nhân, theo đó giảm mạnh tỷ trọng năng lượng hạt nhân trong tổng thể các nguồn cung năng lượng.

Năm 2022, năng lượng hạt nhân chỉ chiếm 6% tổng sản lượng toàn quốc, trong khi năng lượng tái tạo chiếm khoảng 44%, tăng gần gấp đôi so với mức cách đó một thập niên. Giới chức Ðức nhấn mạnh, những bước đi quyết liệt nêu trên nhằm tạo tiền đề để nước này đẩy nhanh kế hoạch chuyển sang sản xuất điện tái tạo hoàn toàn vào năm 2035.

Ðóng cửa các nhà máy điện hạt nhân là một phần trong gói giải pháp tổng thể Berlin triển khai trong thời gian qua. Nhiều biện pháp cũng được đưa ra nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Mới đây, Chính phủ Ðức thông qua dự thảo luật loại bỏ dần hệ thống sưởi chạy bằng dầu và khí đốt. Theo đó, liên minh cầm quyền đã nhất trí rằng, kể từ năm 2024, hầu hết hệ thống sưởi ấm lắp đặt mới trên toàn quốc sẽ chạy bằng 65% năng lượng tái tạo.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, hiện hệ thống sưởi ấm của Ðức sử dụng hơn 45% tổng lượng khí đốt tiêu thụ hằng năm. Vì vậy, việc dần thay thế hệ thống sưởi chạy bằng dầu và khí đốt sang năng lượng tái tạo sẽ giúp hạn chế tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, vốn là nguồn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu.

Ngoài ra, Ðức cũng đặc biệt chú trọng phát triển các phương tiện thân thiện với môi trường. Năm 2016, Chính phủ Ðức ban hành chương trình hỗ trợ giá ô-tô điện. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Kinh tế và Kiểm soát xuất khẩu của Ðức, năm 2022, khoảng 3,2 tỷ euro đã được hỗ trợ cho khoảng 640.000 xe điện được bán ra tại Ðức. Con số này vượt mức kỷ lục 3,1 tỷ euro của năm 2021. Bên cạnh đó, Hiệp hội Năng lượng Ðức cho biết, số trạm sạc cho xe điện đã tăng 35% vào năm ngoái, vượt mức tăng cần thiết để bắt kịp tốc độ triển khai xe điện. Những nỗ lực nêu trên đã giúp Ðức trở thành một trong những thị trường xe điện hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Ngoại giao Ðức Annalena Baerbock (A.Ba-ơ-bốc) nhấn mạnh, sự chuyển đổi mạnh mẽ sang nguồn năng lượng tái tạo không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, mà còn mang lại cơ hội kinh tế to lớn cho các doanh nghiệp. Bất chấp những thách thức lớn, Ðức đang không ngừng tiến lên trên con đường đổi mới nguồn cung năng lượng.

Theo Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Ðức, nước này đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Theo đó, chính phủ đã tích cực xây dựng các luật liên quan, đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ nhiều rào cản và đẩy nhanh tốc độ phát triển các dự án năng lượng tái tạo…, với mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên ít nhất 80% tổng lượng năng lượng được sử dụng tại nước này vào năm 2030.

Báo cáo do Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu công bố mới đây đã vạch ra các nhiệm vụ cụ thể để Ðức đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2045. Theo đó, nước này sẽ tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo, tăng năng lực truyền tải và bảo đảm sự ổn định của hệ thống mạng lưới điện, thúc đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng hydro, thúc đẩy nền công nghiệp không khí thải, tăng hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng... Các nhà phân tích kỳ vọng, với việc Chính phủ Ðức đề ra lộ trình cụ thể và quyết liệt triển khai các gói giải pháp như hiện nay, Berlin sẽ sớm về đích trung hòa khí thải.