“Thành phố Hồ Chí Minh quê ta
Thiên anh hùng ca ngàn năm chói sáng lưu danh đến muôn đời...”
Lời trong bài hát "Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh" của nhạc sĩ Xuân Hồng như đúc kết được những thành tích rực rỡ của đồng bào và chiến sĩ Sài Gòn - Chợ Lớn khi xưa cho đến ngày nay đã trở thành "Thiên anh hùng ca" rạng ngời. Kể từ ngày 23-9-1945 - ngày mà bà con Sài Gòn - Chợ Lớn nhất tề đứng dậy chống lại giặc Pháp xâm lược cho đến ngày 30-4-1975, sau chiến thắng giặc Mỹ, đã có nhiều bài hát của chính những người con ở đây, kịp thời động viên cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân. Nếu như nhạc sĩ Minh Trị có bài "Tiếng hát thành phố Hồ Chí Minh" với nhịp hành khúc, nói lên truyền thống đấu tranh kiên cường của bà con Sài Gòn từ mùa thu năm ấy; thì nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (tức Huỳnh Minh Siêng) rất sôi nổi đầy khí phách trong bài "Tiến về Sài Gòn" bằng thể hai đoạn AB, với tiết tấu khỏe và đậm đà âm hưởng dân ca vùng này.
Trước những thủ đoạn chia rẽ, đàn áp, khủng bố của địch, đồng bào, đồng chí Sài Gòn trong đó có cả học sinh, sinh viên, luôn thể hiện tinh thần đoàn kết đấu tranh, ý chí bất khuất kiên cường. Họ liên tục hát “Dậy mà đi” (của Nguyễn Xuân Tân), họ rầm rập “Xuống đường” (của Trần Nhật Nam), rồi họ đã Tự nguyện (của Trương Quốc Khánh) tham gia Hát cho đồng bào tôi nghe (của Tôn Thất Lập) trong khí thế mới.
Trong biết bao nhiêu gương sáng chống giặc ngoại xâm giữa thành phố, người thợ điện yêu nước Nguyễn Văn Trỗi nổi lên như một tấm gương trung dũng tuyệt vời. Nhiều bài hát ca ngợi anh của các nhạc sĩ trong cả nước đã ra đời như: Người thợ trẻ miền nam anh hùng (của Trương Quang Lục), Nguyễn Văn Trỗi anh còn sống mãi (của Nguyễn Ðức Toàn)... Ðặc biệt bài hát Lời anh vọng mãi ngàn năm (của Vũ Thanh) đã được rất nhiều người ưa thích:
“Sáng mãi tên anh người con của đất nước
Sông núi reo ca người anh hùng thành đồng bất khuất
Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Trỗi. Người công nhân thành phố Sài Gòn
Mà lời anh trước súng giặc thù vẫn cháy lửa chiến đấu”.
Nhiều bài hát ra đời trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1968 đã đọng lại trong tâm khảm người nghe. Sài Gòn lại hiện lên gương mặt mới đầy hào hùng như trong bài Sài Gòn quật khởi (của Hồ Bắc):
“Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn
Khi con chim én báo mùa xuân về, tin vui chiến thắng bay từ quê nhà
Sài Gòn ơi ta đang bước trên đường chiến thắng”.
Cũng thời gian này còn có “Dáng đứng Việt Nam” (của Nguyễn Chí Vũ và Lê Anh Xuân), “Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn” (của Phạm Minh Tuấn và Lê Anh Xuân)... Riêng bài “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn” (của Lư Nhất Vũ) đã nói hộ tấm lòng theo cách mạng của các cô gái mà trước đây "chưa từng vác nặng, chưa từng vượt suối qua bưng, chưa từng dãi nắng dầm mưa" thì nay đã trở thành những "chiến sĩ dạn dày" biết đi tải đạn để "góp lửa diệt thù", giải phóng quê hương.
Từ Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn dân mở ra những trang sử mới và hình ảnh của Người đã in đậm trong lòng dân Sài Gòn. Từ cuối năm 1946 đoàn đại biểu quốc hội Sài Gòn - Chợ Lớn đã đề nghị với Quốc hội: "Sài Gòn được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc". Mặc dù hồi ấy, đề nghị này chưa được chính thức công nhận, nhưng trong lòng dân cả nước, tên Bác đã gắn liền với Sài Gòn từ đó. Có lẽ vì thế mà khi Bác qua đời, đã có rất nhiều bài hát nói lên tình cảm này như: “Người sống mãi với Sài Gòn ta đó” (của Trương Quang Lục), “Sài Gòn ơi, Bác vẫy chào ta” (của Cửu Long), “Sài Gòn trong trái tim của Bác” (của Phan Thanh Nam)... Có một bài hát mà đến nay vẫn rất quen thuộc, đó là bài “Tiếng hát thành phố mang tên Người” (nhạc của Cao Việt Bách, lời của Cao Việt Bách và Ðăng Trung). Bài hát thể hiện rõ nét tình cảm kính yêu của nhân dân Sài Gòn với Chủ tịch Hồ Chí Minh:
”Từ thành phố này Người đã ra đi. Bao năm ước mong đón Bác trở về
Trong chiến dịch này, Bác đã cùng về với những đoàn quân
Bác đã đến từng nhà, thăm các cụ già
Cầm tay chúng con, Bác bắt nhịp bài ca "kết đoàn".
Ngoài những tác phẩm trên đây, nhiều bài hát dành cho thiếu nhi nói về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ghi được dấu ấn trong nhiều thế hệ. Như : “Lê Văn Tám” (của Phong Nhã), “Màu xanh ánh đuốc” (của Hoàng Vân), “Nắng sớm mai trên thành phố” (của Lưu Hữu Phước), “Con tàu kế hoạch nhỏ” (của Phan Huỳnh Ðiểu), “Thành phố của chúng em” (của Xuân Hồng). Riêng bài “Là măng non thành phố Hồ Chí Minh” (của Xuân Giao) được thiếu nhi thành phố hát vang trong các ngày lễ lớn và trong những lần hội diễn.
Cùng với “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, “Thành phố mười mùa hoa”, “Nắng Sài Gòn”, “Ðêm Sài Gòn nghe câu vọng cổ”, v.v... hàng loạt bài hát mới của nhiều nhạc sĩ được sáng tác trong những năm cuối của thế kỷ 20 đã chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả và thính giả trong và ngoài nước.
Nhân kỷ niệm lần thứ 30 Ngày giải phóng Sài Gòn (30-4), tôi xin nhắc lại những bài hát mà ít nhiều đã đi vào lòng người bằng tình cảm của một người đã đến với thành phố này nhiều lần. Xin được kết thúc bài viết bằng những câu hát trong bài Hà Nội - Huế - Sài Gòn của nhạc sĩ Hoàng Vân, mà trong những năm chống đế quốc Mỹ, cứu nước, khi được phân công ở lại Hà Nội trực chiến, tôi biên tập một số chương trình ca nhạc của Ðài Tiếng nói Việt Nam thường trích ra để nói lên tình cảm ba miền bắc - trung - nam luôn luôn gắn bó đã cùng nhau và vì nhau:
... Sài Gòn vang lời ca bất khuất, của miền nam đi trước về sau.
... Ðây miền nam thành đồng Tổ quốc, bên Cửu Long rực rỡ tên vàng
Thành phố vinh quang - Hồ Chí Minh!