Nhu cầu nhân đạo cấp thiết tại Syria

Người đứng đầu Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) Martin Griffiths (M.Gríp-phít) đã kêu gọi tăng viện trợ cho Syria để bảo đảm nhu cầu nhân đạo và sinh kế của người dân nước này. Trải qua nhiều năm nội chiến, xung đột vẫn tiếp diễn ở một số khu vực, đẩy người dân Syria đối mặt cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Trẻ em sống trong trại tị nạn ở Idlib, Syria. (Ảnh GLOBAL TIMES)
Trẻ em sống trong trại tị nạn ở Idlib, Syria. (Ảnh GLOBAL TIMES)

Một báo cáo do Ủy ban điều tra quốc tế độc lập về Syria của Liên hợp quốc cảnh báo, người dân Syria đang phải đối mặt khó khăn ngày càng tăng do hậu quả của xung đột kéo dài, trong khi tài nguyên ngày càng khan hiếm. Theo đó, ước tính trong giai đoạn từ ngày 1/3/2011 đến 31/3/2021, xung đột tại Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người. Như vậy, trung bình trong 10 năm qua, mỗi ngày tại Syria có hơn 80 người thiệt mạng do xung đột. Từ ngày 1/1 đến 30/6/2022, giao tranh tiếp diễn tại miền bắc Syria.

Theo Liên hợp quốc, cuộc xung đột đang có nguy cơ leo thang sau khi xảy ra các vụ đụng độ tại một số điểm nóng trên cả nước trong những tháng gần đây. Chủ tịch Ủy ban điều tra Syria của Liên hợp quốc Paulo Sérgio Pinheiro (P.X.Pi-nây-rô) cho rằng, nước này không đủ khả năng tài chính để chống chọi nếu xung đột bùng phát rộng hơn, nhưng tình hình đang diễn biến theo chiều hướng này.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ và các nước phương Tây áp đặt đối với Syria gây ảnh hưởng tới đời sống kinh tế ở quốc gia này. Trong cuộc xung đột kéo dài hơn 11 năm, Syria phải hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số quốc gia Arab, trong đó hầu hết biện pháp trừng phạt được áp đặt sau năm 2011. Theo cơ sở dữ liệu theo dõi các biện pháp trừng phạt toàn cầu Castellum, Syria hứng chịu tổng cộng 2.608 lệnh trừng phạt.

Syria đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt và nhấn mạnh rằng quốc gia Trung Ðông xứng đáng nhận được sự ủng hộ của quốc tế trong vấn đề dỡ bỏ trừng phạt. Phát biểu tại một hội nghị của Liên hợp quốc thông qua hình thức họp trực tuyến từ Damascus, Bộ trưởng Ngoại giao Syria Faisal Mekdad (Ph.Méc-đát) nêu rõ, Syria đã chiến đấu chống khủng bố toàn cầu và đã phải trả giá chưa từng thấy từ nguồn nhân lực và nguồn lực kinh tế của nước này.

Ông nhấn mạnh, người dân Syria đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề do những tội ác mà các nhóm khủng bố gây ra, họ xứng đáng nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ các quyền liên quan phát triển bền vững và sớm phục hồi. Theo ông Mekdad, nước này cần sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để chấm dứt những biện pháp trừng phạt và trục xuất các lực lượng nước ngoài bất hợp pháp ở Syria.

Những khó khăn kinh tế do bị ảnh hưởng bởi xung đột kéo dài và các lệnh trừng phạt đẩy nhiều người dân Syria tới bờ vực nạn đói. OCHA cho biết, khoảng 14,6 triệu người tại Syria, trong đó hơn 50% là trẻ em, cần hỗ trợ nhân đạo. Ðây là mức cao nhất kể từ khi khủng hoảng xảy ra ở Syria. Kế hoạch viện trợ nhân đạo của Liên hợp quốc cho Syria cần 4,4 tỷ USD cho năm 2022. Trong khi đó, các kế hoạch hỗ trợ người tị nạn và phục hồi của khu vực bên ngoài Syria cần 6,1 tỷ USD trong năm nay, nâng tổng nhu cầu viện trợ lên 10,5 tỷ USD. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Martin Griffiths nhận định, con số này phản ánh mức độ nghiêm trọng của nhu cầu nhân đạo tại Syria và trong khu vực sau một thập niên khủng hoảng.

Cho đến nay, mới chỉ có 25% kế hoạch hỗ trợ nhân đạo được cấp ngân sách, trong khi kế hoạch viện trợ khu vực chỉ được đáp ứng 20% ngân sách. Theo ông Griffiths, Liên hợp quốc có thể không có đủ 50% ngân sách cần thiết cho kế hoạch nhân đạo đối với Syria trong năm nay và điều này sẽ tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân Syria. Syria đang cần những cam kết viện trợ từ cộng đồng quốc tế để làm dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay.