Có thể thấy, tại hầu hết các quốc gia vẫn còn tồn tại nhiều bất cập và lỗ hổng trong việc thu thập số liệu và ghi chép thông tin chính xác. Phó Giám đốc Chương trình Bảo vệ trẻ em của UNICEF Cornelius Williams cho biết: “Khi được chăm sóc tập trung, như trong các trung tâm tập trung hay làng trẻ mồ côi, trẻ em vốn đã yếu thế do bị tách khỏi gia đình lại càng có nhiều nguy cơ bị bạo lực, xâm hại và tổn thương lâu dài đến sự phát triển nhận thức, xã hội và tình cảm của các em. Vì vậy, cần ưu tiên để trẻ em không phải chăm sóc tập trung mà được chăm sóc trong gia đình, đặc biệt là trong những năm đầu đời”.
Ước tính mới đây của UNICEF được dựa trên số liệu từ 140 quốc gia. Khu vực Trung và Đông Âu có tỷ lệ cao nhất trên thế giới, 666 /100.000 trẻ em được chăm sóc tập trung, cao hơn gấp năm lần tỷ lệ trung bình của thế giới là 120/100.000 trẻ em. Các quốc gia công nghiệp hóa, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có tỷ lệ cao thứ hai và thứ ba với tỷ lệ lần lượt là 192 và 153 trên 100.000 trẻ em được chăm sóc tập trung.
Tại Việt Nam cũng còn bất cập về số liệu liên quan đến trẻ em được chăm sóc tập trung. Theo con số chưa chính thức công bố của chính phủ dao dộng lớn từ khoảng 11.365 đến 22.000 trẻ em trong các cơ sở chăm sóc tập trung. Bất cập này cũng đã được nhấn mạnh trong báo cáo Kết luận của Ủy ban Quyền Trẻ em năm 2012.
Nghiên cứu của UNICEF nhấn mạnh rằng, nhiều quốc gia vẫn còn thiếu một hệ thống đưa ra số liệu chính xác về số trẻ em được chăm sóc thay thế. Ở nhiều quốc gia, những ghi chép chính thống mới chỉ phản ánh được một phần nhỏ trong số lượng thực tế trẻ em được chăm sóc tập trung; trẻ em trong các trung tâm do tư nhân quản lý, sở hữu thường chưa được tính đến.
Nghiên cứu cho thấy một số yếu tố nguy cơ chính khiến cho trẻ em phải đưa vào chăm sóc tập trung bao gồm gia đình tan vỡ, vấn đề sức khỏe, cung cấp các dịch vụ xã hội còn kém hoặc không đồng đều, khuyết tật và nghèo.
Theo UNICEF, các chính phủ cần phải nhanh chóng giảm số trẻ em sống trong các trung tâm chăm sóc tập trung bằng cách tránh việc tách trẻ em ra khỏi gia đình nếu có thể, và tìm kiếm những gia đình cho trẻ em cần được chăm sóc thay thế, thí dụ như những gia đình nhận nuôi trẻ. UNICEF cũng khuyến nghị cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào các chương trình hỗ trợ gia đình tại cộng đồng.