Giá trị giao dịch toàn Sở cũng giảm nhẹ hơn 10% về mức 5.400 tỷ đồng, tuy nhiên, giá trị của nhóm kim loại tăng vượt trên mốc 1.000 tỷ đồng, khi giới đầu tư nội địa cũng tìm kiếm chỗ trú ẩn an toàn từ các mặt hàng kim loại quý.
Dù vậy, diễn biến trái chiều vẫn quay trở lại với thị trường kim loại. Các mặt hàng kim loại quý vẫn duy trì được đà tăng trong bối cảnh dòng tiền rút ra khỏi các thị trường đầu tư rủi ro. Giá bạc tăng 1,1% lên 23,9 USD/ounce, còn giá bạch kim cũng tăng gần 3% lên 1.092,7 USD/ounce.
Các nhà đầu tư hiện rất lo ngại về lạm phát, nên dòng tiền dịch chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn. Trái lại, các tài sản rủi ro như chứng khoán và đồng Bitcoin đều chịu sức ép bán mạnh. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về 1,97% cũng là một yếu tố xác nhận cho sự dịch chuyển này.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, phần lớn các mặt hàng trên Sở LME vẫn cho thấy mức tăng khá khiêm tốn, trong khi đồng và quặng sắt đều không giữ được sắc xanh. Giá đồng trên Sở COMEX giảm 0,3% về 4,52 USD/pound. Những lo ngại về nguồn cung đã được giảm bớt khi tồn kho trên các sở tăng trở lại vào phiên hôm qua, đáng chú ý, mức dự trữ trên Sở Thượng Hải hiện khoảng 77 nghìn tấn, tăng gần 90% so với thứ sáu tuần trước.
Giá quặng sắt lao dốc hơn 6% về 131,6 USD/tấn. Kể từ đầu tuần tới nay, giá quặng sắt đã giảm hơn 11%, bất chấp kỳ vọng tiêu thụ nhiều trong giai đoạn “mùa xây dựng” sắp tới. Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC), cùng với Cơ quan Quản lý thị trường của Trung Quốc, sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề "nhắc nhở và cảnh báo" với các nhà kinh doanh quặng sắt trong và ngoài nước nhằm hạ nhiệt giá.
Đây là động thái phản ánh quan điểm của Bắc Kinh về việc giá đang ở mức cao không bền vững và không đi theo các nguyên tắc cơ bản. Nhiều chuyên gia cho rằng, giá quặng sắt có thể tiếp tục giảm về mức 80 USD/tấn.
Trên thị trường nội địa, giá quặng sắt neo cao cũng khiến các doanh nghiệp nâng giá thép thành phẩm, cụ thể như sau: