"Nhớ thương và tự hào, để thêm yêu mảnh đất Vĩnh Linh ngày nay"

"Nhớ thương và tự hào, để thêm yêu mảnh đất Vĩnh Linh ngày nay"

NDO - “Khi những giai điệu đầu tiên của 'Quốc ca' vang lên, tôi cảm thấy rưng rưng. Từng là du kích bám trụ tại Gio Linh, tham gia nhiều trận phá tan hàng rào điện tử, tôi lại càng biết ơn hoà bình, con cháu chúng ta cũng sẽ biết ơn hòa bình”, ông Hoàng Ngọc Dũng (80 tuổi, thị trấn Cửa Tùng) xúc động chia sẻ sau chương trình nghệ thuật chính luận "Vĩ tuyến 17 - Khát vọng Hòa bình".

Chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 – Khát vọng Hòa bình” do Báo Nhân Dân, tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức đã khép lại sau hơn 2 giờ đồng hồ đầy cảm xúc. Hàng nghìn bà con Quảng Trị đã được thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm nghệ thuật chính luận với nhiều tiết mục đặc sắc được đồng diễn ở sân khấu chính và các sân khấu chung quanh dòng Bến Hải, cầu Hiền Lương.

TỰ HÀO VỀ Ý CHÍ CỦA NGƯỜI DÂN QUẢNG TRỊ

Là Đội trưởng thôn Cát Sơn, xã Trung Giang, ông Hoàng Ngọc Dũng đi từ Cửa Tùng đến sân khấu tại cầu Hiền Lương từ sớm. Trong những ngày tháng chìm trong “túi bom” của kẻ thù, ông Dũng quyết bám trụ quê hương, tham gia vào đội quân du kích bám trụ địa bàn Gio Linh, tham gia nhiều trận phá tan hàng rào điện tử.

Trong ngày hòa bình hôm nay, xem những hoạt cảnh tái hiện lại cuộc chiến đấu gian khổ, ác liệt và mất mát khi xưa, ông Dũng rưng rưng nhớ về đồng đội của mình đã hy sinh. “Buồn vì thương nhớ đồng đội, nhưng tôi cũng vô cùng tự hào. Chương trình vô cùng xúc động. Đâu đó, tôi nhìn thấy bóng dáng đồng đội của mình, thấy được những ngày tháng gian khổ nhưng hào hùng để giữ được tấc đất quê hương”, ông Dũng xúc động nói.

"Nhớ thương và tự hào, để thêm yêu mảnh đất Vĩnh Linh ngày nay" ảnh 1

Ông Hoàng Ngọc Dũng xúc động trong lúc làm lễ chào cờ.

Gần 1 năm theo dòng người Vĩnh Linh ra Tân Kỳ, anh Nguyễn Hữu Tâm (thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) không thể quên cảm xúc trong ngày được trở về Vĩnh Linh năm 1973. Vừa bước chân qua Quảng Bình, tới đầu mảnh đất Quảng Trị, mọi người đã nhao nhao hỏi “thấy cột cờ Hiền Lương chưa?”. Với những người con Vĩnh Linh, lá cờ Hiền Lương luôn in đậm, khắc khoải trong tâm trí người dân Hiền Lương.

Bởi vậy, ngay từ khi bắt đầu chương trình nghệ thuật chính luận “Vĩ tuyến 17 – Khát vọng Hòa bình”, khi hát quốc ca, nhìn lá cờ bay phấp phới trên sân khấu chính, anh Tâm xúc động khôn nguôi. “Chương trình rất ý nghĩa, ghi nhận sự hy sinh của các thế hệ giữ lại nền độc lập. Những người còn sống trong hòa bình hôm nay luôn luôn khắc ghi sự hy sinh của nhiều cha, ông và nhắc nhở nhau sống sao cho xứng đáng với hòa bình hôm nay”, anh Tâm chia sẻ.

"Nhớ thương và tự hào, để thêm yêu mảnh đất Vĩnh Linh ngày nay" ảnh 2

Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Quảng Trị vừa xem, vừa quay lại các tiết mục nghệ thuật.

Suốt chương trình, ông Nguyễn Đức Thành vừa xem, vừa quay lại các tiết mục nghệ thuật. Là Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Quảng Trị, ông Thành xúc động nói: “Tôi hy vọng những đồng bào, đồng chí, chiến sĩ đã hy sinh sẽ được ấm lòng khi thấy thế hệ trẻ ngày nay vẫn luôn khắc ghi về những ngày tháng hào hùng, về chính sự hy sinh xương máu của họ đã mang lại cho đất nước hòa bình thống nhất như ngày hôm nay. Chúng ta mất bao nhiêu xương máu để ngồi trên mảnh đất Vĩ tuyến 17 bình yên hôm nay. Giờ nước non Việt Nam liền một dải, chúng ta hiểu cái giá của hòa bình và phải giữ gìn nó”, ông Thành chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Trí, đã có hơn 9 năm bảo vệ Cồn Cỏ nghẹn ngào thương nhớ đồng đội khi xem chương trình. Hơn 9 năm chiến đấu ở Cồn Cỏ với nhiệm vụ là pháo binh, ông và đồng đội quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo ở vị trí tiền tiêu Tổ quốc. Có những đồng đội của ông không thể trở về nữa. Bởi vậy, trong một phần của chương trình tái hiện về hành trình bà con Vĩnh Linh tiếp lương thực thực phẩm cho đảo Cồn Cỏ, càng khiến ông nhớ hơn về những ngày tháng gian khó.

"Nhớ thương và tự hào, để thêm yêu mảnh đất Vĩnh Linh ngày nay" ảnh 3

Ông Nguyễn Hữu Trí tràn đầy xúc động xem chương trình.

Hôm nay, ông cùng các cựu chiến binh, cùng lên sân khấu, hòa lời ca, cảm xúc với ca sĩ Tùng Dương trong ca khúc "Bài ca không quên". Xuống sân khấu rồi, ông vẫn rưng rưng nghẹn ngào.

“Trong giờ phút này, tôi tràn đầy xúc động. Chương trình mang lại cho tôi nhiều cảm xúc và có ý nghĩa sâu sắc. Nội dung chương trình được chắt lọc, được tái hiện chân thực đã nói lên được lòng dũng cảm, ý chí kiên cường của mảnh đất này và những con người nơi đây vẫn đang từng ngày góp phần làm quê hương đổi mới, mang đầy màu xanh”, ông Trí chia sẻ.

Bà Ngô Thị Loan đi quãng đường 14 km từ thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh về cầu Hiền Lương để xem chương trình. “Tôi chưa bao giờ thấy chương trình có quy mô hoành tráng như thế này. Chương trình gợi nhắc những ký ức một thời cha anh đã anh dũng chiến đấu để có được hòa bình hôm qua. Vì thế, tôi vô cùng tự hào về ý chí của nhân dân Quảng Trị”.

"Nhớ thương và tự hào, để thêm yêu mảnh đất Vĩnh Linh ngày nay" ảnh 4

Ông Nguyễn Hữu Trí cùng đồng đội hòa lời ca trong bài hát "Bài ca không quên"

BIẾT ƠN HÒA BÌNH

Đến xem chương trình tối 16/8 có rất nhiều người trẻ, nhiều bà mẹ dẫn theo con nhỏ, nhiều gia đình 3 thế hệ cùng có mặt tại sân khấu chính ở Kỳ đài bắc Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, huyện Vĩnh Linh để thưởng thức đêm nhạc.

Chị Phan Thị Giang (thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh) dắt theo con gái Nguyễn Thị Thuỷ Tiên, 8 tuổi đến xem chương trình. Sợ chen đông, chị cho con đến từ sớm. Chị chia sẻ, những chương trình như thế này giúp con hiểu hơn về những ký ức của ông cha thời trước đã hy sinh, để con được biết, hiểu về lịch sử quê hương.

"Nhớ thương và tự hào, để thêm yêu mảnh đất Vĩnh Linh ngày nay" ảnh 5

Khán giả ghi lại khoảnh khắc đẹp của chương trình.

Trần Thị Mỹ Tâm (lớp 12H, THPT Nguyễn Huệ, Vĩnh Linh) bẽn lẽn chia sẻ, em rất vinh dự khi được tham gia một vai diễn nhỏ là vai đưa thư trong vở kịch. Suốt 2 tháng tập luyện cùng các bà con Vĩnh Linh, em bảo mình hạnh phúc khi đóng góp một phần nào cho chương trình của tỉnh nhà. “Những câu chuyện lịch sử của mảnh đất thép Vĩnh Linh được chương trình truyền tải dễ dàng hơn và giúp chúng em hiểu hơn về quê hương anh hùng”, Tâm nói.

Đang học lớp 5 trường Tiểu học Kim Đồng, Vĩnh Linh, em Nguyễn Như Nhật Dương đảm nhiệm vai học sinh học bài trong hoạt cảnh "Cuộc sống dưới lòng đất". Từ đầu tháng 7, em và một số bạn nhỏ cùng trường tham gia tập luyện cùng ê-kíp. Với em, đây cũng là một cách học lịch sử thật thú vị vì được xem, được nghe, được diễn câu chuyện lịch sử quê hương trên sân khấu lớn.

"Nhớ thương và tự hào, để thêm yêu mảnh đất Vĩnh Linh ngày nay" ảnh 6

Nguyễn Như Nhật Dương (bên phải) đảm nhiệm vai đưa thư trong hoạt cảnh "Cuộc sống dưới lòng đất".

Ông Trần Đình Soa (65 tuổi, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Linh) bế cháu nội trên tay thi thoảng ghé tai cháu thì thầm về tiết mục ca nhạc, giải thích cho đứa cháu nhỏ hiểu hơn về những hy sinh, mất mát của nhiều thế hệ đi trước để giữ mảnh đất hòa bình hôm nay.

Ông thích nhất xem tiết mục "Quảng Trị ngày mới” vì ca khúc không chỉ thể hiện khát vọng hòa bình mà còn là khát vọng đổi mới, khát vọng hòa nhập của tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện Vĩnh Linh nói riêng. “Bài ca không quên” cũng là tiết mục ông thích nhất trong chương trình này vì toàn bộ phần dàn dựng, bối cảnh sân khấu rất tỉ mỉ và chân thực giúp truyền tải tốt hơn ý nghĩa bài hát.

Chị Lê Thị Nguyên (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) là giáo viên dạy văn trường cấp 3 Vĩnh Linh luôn mong muốn con được thưởng thức những chương trình nghệ thuật, những hoạt động trải nghiệm thực tế, tìm hiểu về lịch sử.

"Nhớ thương và tự hào, để thêm yêu mảnh đất Vĩnh Linh ngày nay" ảnh 7

Chị Lê Thị Nguyên (Hồ Xá, Vĩnh Linh, Quảng Trị) cùng gia đình đến xem chương trình.

Cùng đưa 2 con đang học cấp 1 đến xem chương trình, chị tâm sự: “Chương trình có 5 chương và chương nào cũng có nội dung ấn tượng trong lòng người xem. Ngoài các tiết mục âm nhạc mà con chị đã được xem nhiều trên truyền hình, hôm nay, con tôi được xem các hoạt cảnh, kịch ngắn, thông qua đó, các cháu hiểu hơn về lịch sử, truyền thống cha ông, về khói lửa chiến tranh mà mảnh đất Vĩnh Linh phải hứng chịu thời gian qua để các cháu rèn luyện thêm về lòng yêu nước”.

Cả dân tộc ta đã chiến đấu, hy sinh để nối liền một khoảng cách chưa đầy 200m đôi bờ Bến Hải hằn sâu vết sẹo của lịch sử. Vĩnh Linh nói riêng và Quảng Trị nói chung cũng đang nỗ lực từng ngày, quyết tâm đổi mới-phát triển, luôn giơ cao ngọn cờ tiên phong xứng danh là Đất thép anh hùng.

"Nhớ thương và tự hào, để thêm yêu mảnh đất Vĩnh Linh ngày nay" ảnh 8
Nhiều gia đình cho con cái đến xem chương trình nghệ thuật để các cháu hiểu hơn về lịch sử quê hương.

Khi được hỏi về lịch sử đau thương, bà con nơi đây ai cũng hồn hậu cười "bây chừ (bây giờ-pv) qua rồi, giờ nhớ ơn cha ông phải xây dựng quê hương cho tốt". Trên vùng đất đang ngày càng đổi mới, những đêm nhạc như "Vĩ tuyến 17 - Khát vọng hòa bình" luôn được bà con mong ngóng, đón nhận. Bởi ở đây, thêm lần nữa, họ được nhắc nhớ về quá khứ hào hùng, về giá trị của hòa bình, được hun đúc thêm tình yêu quê hương, niềm tự hào về mảnh đất anh hùng để mỗi người cùng góp sức nhỏ bé, tiếp tục xây dựng quê hương giàu mạnh.

back to top