Nhịp điệu xuân phố núi

NDO - Đà Lạt nắng lạnh. Tết ở phố núi năm nào cũng thế, cái lạnh đặc trưng mùa xuân ở xứ này đủ để người ta gần nhau hơn. Năm nay có điều đặc biệt, hoa mai anh đào bung cánh đúng dịp Tết cổ truyền, Đà Lạt nhuộm sắc hồng và dòng người thung thăng tận hưởng hương vị xuân nồng nàn phố núi.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách với hoa mai anh đào Đà Lạt ngày mùng 5 Tết.
Du khách với hoa mai anh đào Đà Lạt ngày mùng 5 Tết.

Mùa này, tiết trời Đà Lạt mềm mại như lời ru. Phố núi phô diễn trọn vẹn công năng của thành phố nghỉ dưỡng, thành phố tình yêu. Bầu trời trong xanh đến lạ, thung thăng phố núi mới cảm được giọt nắng vân vê trên da cùng những cơn gió se se, đủ để gần nhau, đủ để nồng nàn. Nói là xuân, nhưng thực ra Đà Lạt không rõ bốn mùa trong năm. Đà Lạt làm lữ khách đắm say bởi sự uyển chuyển bốn mùa trong ngày.

Mùng 5 Tết, tôi chọn góc quán quen gần trung tâm thành phố, nhâm nhi tách cà-phê quặn sách bên siêu trà ấp úng sôi để ngắm phố núi vào xuân, thả hồn thênh thênh trong chiều không vướng bận.

Nhịp điệu xuân phố núi ảnh 1

Trên thành phố tình yêu - Đà Lạt.

Lần giở ký ức, cuối thế kỷ 19, người Pháp đã khéo chọn cao nguyên Langbiang, nơi có địa hình và điều kiện khí hậu đặc trưng để kiến tạo đô thị nghỉ dưỡng Đà Lạt. Người Pháp nổi tiếng lãng mạn và họ cần một không gian lãng mạn để xây dựng thành phố kiểu Âu theo xu hướng “hoài hương”. Đô thị đặc biệt này đã trải qua nhiều kỳ quy hoạch bài bản. Mỗi kỳ kiến tạo là một ý tưởng, nhưng đều dựa trên yếu tố cốt lõi là nghệ thuật kiến trúc kết hợp cảnh quan và tài nguyên nhân văn.

Cung đường quanh hồ Xuân Hương, “trái tim” thành phố cao nguyên và những tuyến đường vào trung tâm phố nhộn nhịp dòng xe, dòng người. Trên mặt hồ, những chiếc pedalo mang hình thiên nga tạo thêm sức sống cho thành phố du lịch. Miền đất lạnh “nóng” hơn khi nhiều tuyến đường đông nghẹt người, một số nơi xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ. Đó có lẽ là điều mặc nhiên diễn ra ở xứ ngàn hoa mùa Tết. “Kẹt mà vui”, nhiều người nói vậy, bởi sinh khí du lịch đã hồi sinh sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh.

Nhịp điệu xuân phố núi ảnh 2

Đèo Prenn, cửa ngõ vào trung tâm Đà Lạt dịp Tết Nguyên đán 2023.

Theo thống kê của ngành du lịch Lâm Đồng, từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 2 Tết, lượng khách đến Đà Lạt-Lâm Đồng tham quan, nghỉ dưỡng khoảng 35 nghìn lượt, trong đó khách quốc tế khoảng 10%. Dự báo, dịp Tết Nguyên đán, tổng lượng khách đến du xuân ở miền đất này khoảng 180 nghìn lượt; trong đó, khách quốc tế hơn 10 nghìn lượt, khách qua lưu trú khoảng 120 nghìn lượt, tăng hơn 71% so cùng kỳ năm 2022. Hiện khách sạn, nhà nghỉ tại Đà Lạt có thể đáp ứng từ 50 đến 60 nghìn khách mỗi đêm, chưa tính các homestay.

Nhiều người du xuân Đà Lạt cho rằng, mùa này, thả bước khoan thai giữa phố phường Đà Lạt, cùng với người thân dạo quanh hồ Xuân Hương để tìm “hương mùa xuân”, lạc bước về với những vườn hoa ven đô, đến những thác nước kỳ vĩ Prenn, Datanla; về với buôn làng để được nhóm bếp lửa bên nhà sàn của người Cơ Ho, hay du ngoạn trên tuyến xe lửa cổ, qua những vườn rau, hoa công nghệ cao, những ngôi nhà kiến trúc đặc trưng… trên hành trình đến với phố núi, có lẽ sẽ sảng khoái hơn bao giờ hết.

Nhịp điệu xuân phố núi ảnh 3

Khu du lịch thác Datanla-Đà Lạt ngày mùng 5 Tết.

Đà Lạt có “công năng gốc” ngay khi hình thành là thành phố nghỉ mát. Ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc. Mát lạnh, không khí trong lành và không gian diễm lệ, những thứ ấy là tài nguyên hiếm hoi mà Đà Lạt sở hữu. Chúng tạo nên độ tiện nghi, sự cảm khoái thể xác mà không một hệ thống công nghệ cao nào có thể tạo nên.

Đà Lạt vào xuân, nhịp điệu phố như bản tình ca sơn cước. Những cung đường nhàn du phố núi đã nhường lại cho dòng xe, dòng người. Đà Lạt được nhiều người gọi là thành phố ngàn hoa, thành phố tình yêu và thành phố mùa xuân. Du xuân ở đây là một trải nghiệm khác thường…

Nhịp điệu xuân phố núi ảnh 4

Vườn hoa thành phố Đà Lạt dịp Tết Nguyên đán 2023.

Nhịp điệu xuân phố núi ảnh 5

Dòng xe du xuân phố núi Đà Lạt.

Nhịp điệu xuân phố núi ảnh 6

Cung đường cửa ngõ vào trung tâm Đà Lạt ngày mùng 5 Tết.