Nhịp cầu nối liền thời gian

Tuổi trẻ thành phố Đà Nẵng vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình thanh niên "Số hóa địa chỉ đỏ" với sự chung tay thực hiện của các chi đoàn cơ sở trực thuộc toàn thành phố. Hoạt động mang ý nghĩa thiết thực góp phần tuyên truyền, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Gắn mã QR địa chỉ đỏ tại trường học.
Gắn mã QR địa chỉ đỏ tại trường học.

"Tay ngang" làm clip

Ngay khi công trình được phát động vào tháng 3, các chi đoàn trực thuộc có địa chỉ đỏ trên địa bàn đã nhanh chóng tìm hiểu kỹ về công trình và lên kế hoạch thực hiện dù đều là những người không chuyên trong việc thực hiện lên kịch bản, xây dựng một video dài.

Đoàn Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà) chọn thực hiện video giới thiệu Nhà thờ Tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu. Sau khi tìm hiểu kỹ về lịch sử, đặc điểm kiến trúc, giá trị văn hóa của địa chỉ đỏ, thầy và trò đã cùng lên ý tưởng để thực hiện video.

Tự các bạn đã xây dựng kịch bản, quay, dựng, làm hậu kỳ cùng dàn diễn viên không chuyên, một học sinh dẫn chương trình, đưa người xem đến với lịch sử thành lập đền thờ, cho đến quá trình hình thành làng xã An Hải ngày xưa, lịch sử sinh ra Nguyễn Văn Thoại và câu chuyện của ông, những lần tu sửa và công tác bảo tồn đền.

Clip dài hơn 13 phút đồng thời lồng ghép các hoạt động của Đoàn trường trong việc bảo tồn và nâng cao giá trị văn hóa lịch sử các khu di tích của địa phương như: Phần việc thanh niên, tình nguyện dọn vệ sinh, ủng hộ trùng tu, đến thăm các địa chỉ đỏ…

Anh Lê Mạnh Tấn, Bí thư Đoàn trường THPT Hoàng Hoa Thám chia sẻ: "Nhiều cảnh phải quay đi quay lại rất nhiều lần, có khi đến lúc dựng mới thấy không phù hợp nên phải làm lại. Nhưng đây cũng là cơ hội để thầy trò học hỏi, có thêm kỹ năng và kinh nghiệm ở một lĩnh vực mới mẻ. Đáng khen ngợi là các em còn trẻ cho nên việc học cũng rất nhanh".

Cũng tương tự như vậy, Đoàn xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) triển khai thực hiện video với 2 địa chỉ đỏ trên địa bàn là Đình làng Túy Loan (thôn Túy Loan Tây) và Đình làng Bồ Bản.

Sau khi tập hợp các tư liệu, tìm hiểu thông tin từ những người cao tuổi trong thôn và từ đảng ủy xã, các bạn đã chọn lọc và "mày mò" làm kịch bản. Để phong phú hơn, không chỉ có hình ảnh và tư liệu quay về đình làng, video cũng lồng ghép các hoạt động quét dọn, chăm sóc và tham quan đình làng từ chính các đoàn viên, thanh niên xã.

Sau gần 1 tháng triển khai cùng với sự tham gia của 30 đoàn viên xã, 2 video clip về địa chỉ đỏ đã được hoàn thành và đăng lên trang YouTube của công trình. Bí thư Đoàn xã Hòa Phong Nguyễn Văn Sỹ tâm sự: Trong quá trình làm, khó khăn là điều kiện kinh phí của đoàn xã ít cho nên phần lớn do mọi người chủ động tự thực hiện nội dung. Tuy nhiên, đây cũng là trải nghiệm mới, gắn kết các đoàn viên với nhau hơn, nhất là sau khi sản phẩm được hoàn thiện.

"Món quà" của tuổi trẻ gửi thành phố

Công trình Số hóa địa chỉ đỏ của tuổi trẻ thành phố được thực hiện tại các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt và cấp thành phố nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về điểm đến cho du khách và nhân dân địa phương. Việc số hóa các địa chỉ đỏ có nhiều thuận lợi khi chương trình được đoàn thanh niên các cấp hưởng ứng nhiệt tình cũng như sự hỗ trợ tư liệu tích cực từ Bảo tàng Đà Nẵng, các cơ quan báo chí, truyền thông.

Quy trình thực hiện của các đơn vị cũng được "chuẩn hóa" với các công đoạn mang tính đồng bộ như: Xây dựng tuyến bài thuyết minh giới thiệu các điểm di tích; thu âm file nội dung thuyết minh; rồi chuyển thành dữ liệu số và tích hợp trong mã QR bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Người dân và du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể dễ dàng tìm hiểu, cập nhật được những thông tin về điểm di tích. Ưu điểm chính của việc cấp mã QR tại các điểm di tích trên địa bàn thành phố là khả năng linh hoạt, tiện dụng, phù hợp với xu thế thời đại.

Song song với đó, việc triển khai Công trình Số hóa các địa chỉ đỏ không chỉ tiết kiệm kinh phí trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch mà còn thể hiện tính tiên phong, đổi mới, sáng tạo của tuổi trẻ trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy du lịch thông minh.

Đến tháng 8/2023, Đà Nẵng đã hoàn thành số hóa 74 trong 86 địa chỉ đỏ với hơn 100 clip do các đoàn viên, thanh niên và thiếu nhi thực hiện. Bên cạnh những địa chỉ đỏ, các mã QR cũng được gắn tại các trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học để người xem tiện truy cập.

Trên cơ sở các công trình của các đơn vị trực thuộc, Thành đoàn đã xây dựng "Bản đồ địa chỉ đỏ thành phố Đà Nẵng". Với hình thức trực tuyến, bản đồ này giúp các bạn trẻ dễ dàng tìm hiểu vị trí địa lý và thông tin về các địa chỉ đỏ gắn liền với truyền thống cách mạng của quê hương. Thông qua bản đồ địa chỉ đỏ, du khách có thể xem được hình ảnh trực quan, đa chiều toàn thể tại các điểm di tích.

Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: "Số hóa các địa chỉ đỏ được coi là bước đột phá của công tác bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống. Đây là sự nỗ lực, cố gắng thể hiện tính tiên phong, sáng tạo, vượt mọi trở ngại của tuổi trẻ Đà Nẵng để hoàn thành tốt công trình thanh niên - là món quà của tuổi trẻ thành phố gửi đến mọi người dân và du khách".