Nhiều vấn đề quan trọng được thảo luận, thông qua tại các Hội nghị của ASEAN tại Lào

NDO -

NDĐT - Ngày 3-8, tại thủ đô Viêng Chăn (Lào), trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 48 (AEM 48), đã diễn ra Hội nghị Hội đồng khu vực Mậu dịch tự do ASEAN lần thứ 30 (AFTA 30) và Hội nghị Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN lần thứ 19 (AIA 19). Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng, Thứ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN, Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh và các quan chức cấp cao ASEAN.

Toàn cảnh Hội nghị AFTA 30.
Toàn cảnh Hội nghị AFTA 30.

Chiều 3-8, Hội nghị Hội đồng khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) lần thứ 30 nhóm họp, đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh dẫn đầu tham dự hội nghị.

Đến nay đã có tới 99,2% các dòng thuế nhập khẩu trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) của các nước ASEAN 6 gồm Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái-lan đã được xóa bỏ, trong khi thuế nhập khẩu đối với 90,9% các dòng thuế của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) cũng đã được xóa bỏ. Tổng cộng, 96,01% tất cả các dòng thuế tại ASEAN đã được xóa bỏ. Tới năm 2018, tỉ lệ thuế được xóa bỏ đối với ASEAN – 6 sẽ là 99,20%, CLMV sẽ là 97,81% và ASEAN sẽ là 98,67%.

Tại hội nghị, các bên nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy sự thuận lợi trong thương mại thông qua việc thực thi nhiều hoạt động khác nhau bao gồm tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá và hoàn thành hệ thống vào năm 2018; mẫu khai điện tử D (e-form D); hệ thống thông tin thương mại ASEAN (ATR); các giải pháp của ASEAN đối với đầu tư, dịch vụ và thương mại (ASSIST); Cơ chế một cửa ASEAN (ASW).

Các bộ trưởng bày tỏ sự hài lòng về việc tất cả các nước thành viên ASEAN đã thông quan Thủ tục chứng nhận hoạt động của ATIGA (OCP) nhằm cho phép chấp nhận mẫu tờ khai điện tử D trong khuôn khổ Cơ chế một cửa ASEAN. Hội nghị cũng đánh giá công tác của các nước thành viên ASEAN trong việc chuẩn bị cho việc tự do hóa cơ chế tham vấn thông qua việc thiết lập các Giải pháp của ASEAN cho đầu tư, dịch vụ và thương mại (ASSIST).

Hiện nay giữa Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái-lan và Việt Nam đã thử nghiệm thành công việc trao đổi điện tử Tờ khai điện tử theo mẫu D thông qua Cơ sở hạ tầng Cơ chế một cửa ASEAN. Các đại biểu cũng đề xuất các nước còn lại trong ASEAN cần tiến hành ngay việc thử nghiệm nhằm hoàn thiện toàn bộ hệ thống. Các Bộ trưởng cũng hối thúc các nước thành viên ASEAN sử dụng mọi nỗ lực trong việc xúc tiến phê chuẩn Nghị định thư về Khung khổ Luật pháp nhằm thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, qua đó có thể triển khai Cơ chế một cửa vào năm 2016.

Về Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS), các bên cho rằng đây là một sáng kiến rất quan trọng nhằm thúc đẩy vận chuyển hàng hoá một cách thông suốt tại khu vực. Hiện đã có ba nước là Malaysia, Singapore và Thái-lan thực hiện Dự án thử nghiệm, các nước khác vẫn đang tiếp tục nghiên cứu xem xét.

Các Bộ trưởng kêu gọi các nước thành viên ASEAN tăng cường các nỗ lực cần thiết nhằm sớm kết luận về Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRAs) về máy móc tự động, thực phẩm đã qua chế biến và các loại vật liệu xây dựng; xem xét nhằm hướng tới việc hoàn tất Hiệp định ASEAN về Y dược Cổ truyền và Hiệp định ASEAN về Thực phẩm chức năng trong thời gian sớm nhất; Ghi nhận tầm quan trọng của việc hoàn tất việc đưa Hiệp định về quy chế quản lý hài hoà các thiết bị điện và điện tử của ASEAN (AHEEERR) theo quy định hoặc luật pháp của các quốc gia thành viên trong 2016 để triển khai Hiệp định này.

Về hệ thống truy xuất dữ liệu mức thuế (Tariff Finder) sẽ được khai trương nhân dịp này, các Bộ trưởng cho rằng đây là công cụ mới rất hữu hiệu hỗ trợ cho hoạt động thương mại, đặc biệt là việc cập nhật mức thuế của các nước trong khuôn khổ Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).

Cũng trong chiều qua, Hội nghị Hội đồng Khu vực đầu tư ASEAN lần thứ 19 (AIA19) đã khai mạc, đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú dẫn đầu tham dự hội nghị.ư

Nhiều vấn đề quan trọng được thảo luận, thông qua tại các Hội nghị của ASEAN tại Lào ảnh 1

Tại đây, đại biểu các nước ASEAN đã đánh giá lại các vấn đề quan trọng trong tổ chức thực hiện Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA) thời gian qua để chuẩn bị cho việc tổ chức thực hiện giai đoạn tiếp theo; cho rằng ACIA là công cụ quan trọng đối với việc thúc đẩy kinh tế ASEAN, hiện thực hóa việc dịch chuyển đầu tư tự do. Đến nay, các nước ASEAN đã đạt được nhiều tiến bộ trong củng cố, minh bạch môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư và nâng cao hiệu quả tự do thương mại khu vực.Hội nghị cũng đánh giá cao những tiến triển liên quan đến Nghị định thư thứ hai về sửa đổi ACIA và đề nghị các nước ASEAN hoàn thành phần việc của mình nhằm chuẩn bị ký Nghị định thư này tại Hội nghị cấp cao lần thứ 28 tại Viêng Chăn trong tháng 9-2016.