Nhiều trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản ở Đắk Lắk

NDO - Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong. Di chứng bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em rất nặng nề, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản.
Cán bộ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản.

Sáng 14/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận liên tiếp 2 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản, nâng tổng số bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản từ đầu năm 2023 đến nay lên 7 trường hợp.

Hai bệnh nhân vừa mới phát hiện mới đây, trường hợp thứ nhất là bệnh nhi L.T.T sinh năm 2020, trú tại xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Theo người nhà bệnh nhi, ngày 4/12 ở nhà trẻ xuất hiện triệu chứng sốt, ho, nôn ói khoảng 3 lần mỗi ngày, ở nhà chưa điều trị gì. Đến ngày 6/12, người nhà đưa trẻ đi khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Krông Bông với chẩn đoán theo dõi viêm màng não. Ngày 7/12, trẻ được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chẩn đoán theo dõi viêm não màng não, nhiễm trùng huyết.

Ngày 12/12, trẻ tiếp tục được điều trị với chẩn đoán viêm não Nhật Bản, nhiễm trùng huyết. Kết quả xét nghiệm do Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên kết luận bệnh nhi dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi A.B.M sinh năm 2015, trú tại xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Người nhà bệnh nhi cho biết, tối ngày 16/11 bệnh nhi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho khan, ở nhà chưa điều trị gì.

Ngày 17/11, trẻ nôn ói, sốt cao liên tục, người nhà đưa trẻ đi khám và uống thuốc nhưng không đỡ. Đến tối ngày 18/11, trẻ đi khám và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc. Ngày 19/11, trẻ được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chẩn đoán nhiễm trùng huyết, theo dõi viêm não màng não, theo dõi sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 3.

Ngày 8/12, bệnh nhi được tiếp tục điều trị với chẩn đoán suy hô hấp độ IV, nhiễm trùng huyết, viêm não màng não, phù não, xuất huyết tiêu hóa ổn. Kết quả xét nghiệm do Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên kết luận, bệnh nhi dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản.

Ngay sau khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk phối hợp ngành y tế địa phương tiến hành xử lý môi trường và điều tra véc-tơ truyền bệnh.

Quá trình điều tra véc-tơ truyền bệnh, lực lượng chức năng ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex là véc-tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản B tại cả hai khu vực các bệnh nhân sinh sống. Ngành y tế địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Trước đó, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cũng ghi nhận một bệnh nhân 38 tuổi ở xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Theo người nhà bệnh nhân, ngày 27/10, bệnh nhân có triệu chứng sốt, người mệt, mua thuốc uống nhưng không đỡ. Đến ngày 30/10, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên với chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 16/11, gia đình chuyển bệnh nhân về lại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị.

Theo kết quả điều tra môi trường chung quanh nhà bệnh nhân cho thấy, khu nhà có ao hồ, nước đọng, trong nhà có nuôi bò. Điều tra véc-tơ truyền bệnh, lực lượng chức năng ghi nhận có sự hiện diện của muỗi Culex là véc-tơ truyền bệnh viêm não Nhật Bản B tại cộng đồng.

Theo ngành y tế, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây nên, thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong. Di chứng bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em rất nặng nề, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch từ tháng 5 đến tháng 8. Đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã, sau đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và lây sang cho người qua muỗi đốt.

Để chủ động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản, ngành y tế khuyến cáo người dân định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch nhà vệ sinh và duy trì mặc quần áo dài ống, đi tất cho trẻ em nhằm hạn chế muỗi đốt, nhất là vào giờ cao điểm.

Đối với chuồng trại, chăn nuôi gia súc cần làm cách xa nhà ở càng xa càng tốt, tối thiểu đạt được khoảng cách 50m để chống muỗi và thường xuyên làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi…

Đối với những vật chứa nước phế thải nhỏ quanh khu dân cư, nhà ở, cần được thu gom, lật úp, tiêu hủy. Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại khu dân cư, tiến hành khi có dịch hoặc đe dọa có dịch bệnh viêm não Nhật Bản.

Thực hiện tiêm vaccine phòng viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Với vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cần thực hiện bảo đảm 3 liều cơ bản: mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Ngoài ra, cần cho trẻ tiêm nhắc lại 3 năm một lần hoặc sử dụng các loại vaccine dịch vụ khác phòng bệnh viêm não Nhật Bản.

Khi phát hiện các dấu hiện nghi mắc bệnh viêm não Nhật Bản như: sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu, buồn nôn và nôn; trẻ mất ngủ quấy khóc, vật vã mê sảng hoặc ly bì, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật như da lúc đỏ lúc xám, vã mồ hôi, mạch nhanh… nên đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.