Theo Ths.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), mùa hè là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản nên các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý những triệu chứng sốt khác thường của con mình.
Triệu chứng cổ điển của viêm não Nhật Bản là sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp. Khi trẻ có nhiễm trùng thần kinh trung ương sẽ mệt mỏi, không chơi như bình thường và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Theo bác sĩ Hải, một trong những nhóm nguyên nhân hay gặp của viêm não và viêm màng não là nhiễm trùng, có thể gây viêm màng não do virus trong đó có virus viêm não Nhật Bản để lại di chứng rất nặng. Viêm màng não do vi khuẩn có nhiều vi khuẩn như khuẩn phế cầu, cũng gây ra những nguy kịch cho sức khỏe, tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh viêm não Nhật Bản (chủ yếu viêm trong nhu mô não) thường gia tăng vào mùa hè, nhất là khi thời tiết thuận lợi cho loại muỗi lây truyền viêm não Nhật Bản phát triển hơn. Hiện nay, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho 4-5 bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản.
BS Hải cho biết, viêm não Nhật Bản là nhóm bệnh nặng trong các bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương. Tỷ lệ tử vong cao do viêm não Nhật Bản khoảng 7-8%. Bệnh này sẽ gây biến chứng nặng nề, đặc biệt cho các trẻ lớn.
Triệu chứng ban đầu của viêm não Nhật Bản rất mờ, giống những viêm nhiễm khác, khó phát hiện. Nhưng đến ngày thứ 2, 3 của biểu hiện sốt, triệu chứng rõ dần. Tuy nhiên, có nhiều gia đình thấy con cái mình nôn nhiều thì dùng thuốc chống nôn, sẽ làm mờ đi triệu chứng của viêm não Nhật Bản, làm bác sĩ khó chẩn đoán. Vì thế, các bậc phụ huynh nếu thấy con sốt cao không hạ được nhiệt độ phải nhập viện theo dõi để có cách xử trí kịp thời nếu con bị viêm não.
Để phòng tránh các bệnh viêm màng não như phòng nhiễm trùng nói chung, các bậc phụ huynh nên tiêm vắc xin đầy đủ cho trẻ như vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu, vắc xin phòng viêm màng não do phế cầu, viêm màng não Nhật Bản...
Bác sĩ Hải khẳng định thêm, viêm não Nhật Bản hay sốt xuất huyết có trung gian truyền bệnh là muỗi. Cách phòng chống các loại bệnh có véc tơ truyền bệnh là phải cắt véc tơ truyền bệnh bằng dọn dẹp môi trường sống chung quanh sạch sẽ, không có ổ nước, không có vật chứa nước lâu ngày.
Trước thông tin về việc bốn cháu bé tại Cao Bằng, trong đó có ba bé tử vong nghi do ngộ độc vải, bác sĩ Hải chia sẻ ý kiến rằng không có sự liên quan nào giữa việc ăn vải với viêm não Nhật Bản.
“Viêm não Nhật Bản do muỗi lây truyền, không phải do ăn vải. Nếu những bệnh nhi đó thật sự ăn vải mà sau thời gian ngắn từ 1, 2 tiếng hoặc vài ngày có thể gây ra viêm não, thì chắc chắn không phải là viêm não Nhật Bản. Có thể, khi người ta dùng thuốc phun vào quả vải, khi trẻ bóc vỏ bị dính hóa chất vào tay thì hóa chất đó hoàn toàn có thể gây viêm não chứ không phải ăn quả vải gây viêm não Nhật Bản”.
Theo đó, viêm não Nhật Bản được khẳng định do muỗi lây truyền. Khi muỗi đốt, thời gian ủ bệnh để virus phát triển thường từ 3 đến 7 ngày mới gây ra viêm não.
Bác sĩ Hải cũng cho rằng, khi ăn vải nhiều quá lúc đói, có thể gây ra tác dụng phụ hạ đường huyết, nhưng đây là triệu chứng xử lý khá đơn giản, không ảnh hưởng tới tính mạng của các em.
Sáng nay, 15-6, trao đổi với phóng viên Nhân Dân điện tử, ông Lục Văn Đại, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng cho biết, cơ quan chuyên môn bước đầu xác định nguyên nhân khiến ba trẻ em ở huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng nhập viện và tử vong trong thời gian vừa qua là do bị viêm não, viêm màng não, không phải do ngộ độc vì ăn quả vải. Ông Đại cũng cho biết, mẫu bệnh phẩm của hai bệnh nhi tử vong sau thời gian nhập viện vài ngày đã được gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Tổ chức điều tra giám sát tại cộng đồng để kiểm tra. Hiện nay, kết quả xét nghiệm chưa có. |