Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, GS, TS Lê Quân cho biết, năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội tăng cường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực làm cơ sở tuyển sinh đầu vào. Theo đó, các ngành có sức hút với xã hội sẽ được đẩy mạnh theo hình thức tuyển sinh qua kỳ thi đánh giá năng lực để bảo đảm tiêu chuẩn sàn đầu vào. Trên cơ sở này, các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội có thể bổ sung phương thức tuyển chọn cho phù hợp với năng lực đầu vào của từng ngành nghề.
''Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ dành tối đa chỉ tiêu cho kỳ thi đánh giá năng lực, miễn là các ứng viên đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn tiếp tục phối hợp ngành giáo dục tham gia tuyển sinh kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện. Việc đổi mới chính sách tuyển sinh này để Đại học Quốc gia Hà Nội tiến tới tự chủ cao về tuyển sinh, kiểm soát dần bài toán chuyển đổi về tuyển sinh'', GS, TS Lê Quân nhấn mạnh.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng mong muốn nhận được sự tham gia của các trường trong toàn quốc về kỳ thi Đại học Quốc gia Hà Nội để có tính cộng hưởng xã hội, tuyển sinh được thí sinh phù hợp nhất. Các trường có thể phối hợp sử dụng kết quả của Đại học Quốc gia Hà Nội trong tuyển sinh và có thêm chính sách tuyển sinh riêng phù hợp với trường, tiến tới chủ động, tự chủ về phương thức tuyển sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ xây dựng phần mềm để các trường đại học cùng tham gia vào đánh giá năng lực thí sinh.
Hội nghị nhận được ý kiến chia sẻ của nhiều chuyên gia tuyển sinh, đào tạo, khảo thí về quy mô kỳ thi, tính khách quan, công bằng, giá trị của kết quả bài thi phục vụ tuyển sinh, đại học. Nhiều trường đại học tiếp tục đề nghị tham gia phối hợp sâu với Đại học Quốc gia Hà Nội từ khâu tổ chức thi đến kết thúc các đợt xét tuyển trong năm.
Tin tưởng về kỳ thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, GS, TS Trần Vân Hoa đồng ý tham gia sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội trong năm 2022 và dành chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh này.
Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương, PGS, TS Phạm Thu Hương cho biết, năm 2021, trường đã sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực. Những thí sinh trúng tuyển theo kỳ thi này có chất lượng tốt nên rất tin tưởng, gia tăng sử dụng kết quả này trong thời năm tới. Ngoài ra, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức nhiều lần nên rất thuận lợi cho thí sinh.
Hiện Trường đại học Ngoại thương đã có chủ trương chuyển dịch dần một phần chỉ tiêu của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sang kết quả xét tuyển kỳ thi đánh giá năng lực. Giáo dục phổ thông có nhóm thiên về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, vì vậy mong muốn Đại học Quốc gia Hà Nội cần có nhận diện đối với các nhóm này để tiến tới sử dụng chung tất cả các nhóm một cách toàn diện để lựa chọn xét tuyển vào trường và xét tuyển theo hướng đào tạo của từng ngành.
Bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế để đánh giá 3 nhóm năng lực chính của học sinh tốt nghiệp chương trình trung học phổ thông gồm: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; Năng lực toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, logic, tính toán và xử lý số liệu; Tự khám phá và ứng dụng công nghệ/khoa học (tự nhiên-xã hội). Dữ liệu phân tích kết quả thi năm 2021 cho thấy bài thi đánh giá năng lực là công cụ khảo thí hữu hiệu để đánh giá năng lực học sinh sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông; phục vụ tuyển sinh và dự báo kết quả học tập bậc đại học; tư vấn cho hoạt động dạy và học, bảo đảm chất lượng giáo dục; dự báo chất lượng nhân lực phổ thông; hướng nghiệp cho học sinh...
Năm 2022, kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức theo quy trình chuẩn hóa thi trên máy tính; các đợt thi được thực hiện nhiều đợt từ tháng 2 đến tháng 8 tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước: Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh (tùy theo mức độ kiểm soát dịch bệnh Covid-19). Với xu hướng đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh, các trường đại học bổ sung nguồn tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực để xét vào các ngành đào tạo có mức độ cạnh tranh cao.
Đến thời điểm hiện tại, hơn 30 cơ sở giáo dục đại học đã có văn bản đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tài nguyên, kết quả thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh năm 2022.