Nhiều thay đổi từ mô hình Trường học hạnh phúc

Những gương mặt rạng ngời, những nụ cười tươi vui, cùng những đôi chân rảo bước trên con đường ngoằn ngoèo dốc núi đưa học sinh vùng cao Yên Bái tới trường đón năm học mới 2023-2024. Ðây là năm học thứ tư, tỉnh Yên Bái triển khai mô hình Trường học hạnh phúc. Chất lượng giáo dục được nâng lên; môi trường giáo dục an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Giao lưu giữa học sinh một số trường tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.
Giao lưu giữa học sinh một số trường tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

Sau ba năm thực hiện Nghị quyết đại hội Ðảng bộ tỉnh về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, năm học 2022-2023, Yên Bái có 296 trường học đạt tiêu chí Trường học hạnh phúc.

Niềm vui đến trường

Trước ngày khai giảng, Trường mầm non Hoa Lan, thị xã Nghĩa Lộ nhộn nhịp học sinh mầm non, tiểu học, THCS đến tham gia sinh hoạt, giao lưu các câu lạc bộ bảo tồn giá trị văn hóa địa phương. Em Hoàng Thị Uyên Nhi, lớp 7A, Trường THCS Lý Tự Trọng (thị xã Nghĩa Lộ), súng sính trong bộ trang phục dân tộc Thái múa, hát, vui chơi cùng các bạn.

Nhi cho biết, khi tham gia câu lạc bộ, em mới mặc quần áo truyền thống của dân tộc mình. "Hôm nay, 6 giờ sáng, cháu bắt đầu từ nhà ở bản Tân, phường Phú Chạn đến trường. Ði sinh hoạt câu lạc bộ, cháu được cùng các bạn học đan lát, thêu, múa xòe cổ, chơi bắt gà, bắt vịt, ném còn; hướng dẫn các bé mầm non múa, hát. Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, cháu cùng các bạn trong câu lạc bộ đã bốn lần được tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ ở các trường của thị xã nên vui lắm"- Nhi tâm sự.

Tham gia buổi sinh hoạt, giao lưu, còn có những em nhỏ bốn, năm tuổi ríu rít quanh cô giáo, ngọng nghịu cùng các anh chị lớp lớn hát, múa, chơi các trò chơi dân gian. Cô giáo Hoàng Thị Thúy Hạnh, người dân tộc Tày, giáo viên Trường mầm non Hoa Lan bắt đầu dạy trẻ từ năm 2006.

Những năm trước đây, cô Hạnh cắm bản, dạy học ở khu lẻ nên điều kiện dạy học khó khăn; các hoạt động giáo dục hạn chế. Sau khi dồn dịch, sáp nhập điểm trường theo chủ trương của tỉnh, cô Hạnh về dạy học ở điểm trường chính nên việc tổ chức các hoạt động giáo dục thuận lợi và hiệu quả hơn rất nhiều. Ðặc biệt từ khi xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc, nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc giúp các con mầm non tự tin rất nhiều, mạnh dạn giao tiếp, trao đổi với cô giáo. Nhiều hoạt động chuyên môn của trường cũng được các phụ huynh hỗ trợ, đồng hành để giờ học sinh động hơn. Khi các cô giáo tổ chức dạy học chuyên đề, đại diện phụ huynh được mời dự giờ để hiểu được con, em mình được học tập, nuôi dưỡng ra sao. "Trước đây, cô bảo trẻ làm gì thì trẻ làm vậy nhưng giờ đây các con đến trường được hoạt động theo sở thích, khả năng của mình với sự hỗ trợ, hướng dẫn của cô giáo nên rất gần gũi, thân thiện hơn, yêu cô hơn, dám nói ra những gì suy nghĩ của mình"- cô Hạnh cho biết.

Huyện miền núi Văn Chấn, mặc dù có nhiều xã vùng cao đặc biệt khó khăn, nhiều dân tộc thiểu số sinh sống nhưng phong trào đổi mới giáo dục, xây dựng Trường học hạnh phúc cũng được triển khai mạnh mẽ. Em Sùng Thị Trang, người dân tộc H’Mông, bản Ðồng Hẻo, học lớp 7, Trường THCS Cát Thịnh (huyện Văn Chấn) cho biết rất thích được đến trường học tập và vui chơi cùng các bạn. Ở nhà, em cũng biết hát, múa truyền thống của người H’Mông nhưng không thuộc bài nào hoàn chỉnh. Khi đến lớp được cô giáo dạy múa, hát nhiều bài truyền thống, được chơi các trò chơi cùng các bạn nên rất thích đến trường, hằng ngày tự đạp xe đi học dù nhà ở khá xa. "Thi thoảng không làm được bài, cô mới nhắc nhở thôi chứ các cô giáo con hiền lắm, hay hỏi han về bố mẹ, gia đình nên con thích được đến trường với cô. Con thích nhất khi được học môn Giáo dục công dân", Sùng Thị Trang bộc bạch.

Thầy giáo Trịnh Tuấn Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Thịnh cho biết, học sinh của trường đến từ 13 thôn, bản trong xã. Thôn xa nhất cách hơn 20 km. Cái khó nhất trong làm giáo dục ở đây là vận động học sinh chuyên cần, để các em đến trường cần sự đồng bộ từ cơ sở vật chất đến tâm huyết của các thầy, cô giáo. Ngoài dạy học, Trường THCS Cát Thịnh còn tổ chức các hoạt động gắn trải nghiệm với học tập, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; hoạt động văn nghệ, thể thao; chương trình kỹ năng sống phòng chống mưa lũ… cho nên học sinh yêu thích đến trường. Môi trường giáo dục của trường luôn mở để mọi người được yêu thương, tôn trọng, thấu hiểu. "Khi hiểu được các em học sinh và các em tin yêu các thầy, cô giáo sẽ đi học chuyên cần. Năm học 2022-2023, trường được Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Yên Bái công nhận là Trường học hạnh phúc", thầy Dũng cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, Lò Thị Thúy Nga cho biết, Trường học hạnh phúc nhận được sự đồng thuận rất lớn của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, những năm qua, tỉnh cũng thực hiện đề án sắp xếp lại mạng lưới trường lớp; trong đó, huyện Văn Chấn đã giảm được 11 trường với hàng chục điểm lẻ, đưa các cháu về trung tâm để có điều kiện chăm sóc, dạy học tốt hơn. Theo các tiêu chí đánh giá, huyện Văn Chấn đã có 53/65 trường được công nhận là Trường học hạnh phúc.

Từ nghị quyết đến hành động

Là một xu thế được ghi nhận tại nhiều nước trên thế giới, nhưng Trường học hạnh phúc ở nước ta chưa rõ nét. Yên Bái là địa phương đi đầu xây dựng mô hình này một cách thực chất, bài bản, có hệ thống. Tại Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020-2025, một chủ trương mang tính sáng tạo, đột phá được đưa ra và nhận được sự đồng lòng, thống nhất là đưa chỉ số "hạnh phúc" vào Nghị quyết Ðại hội. Trong đó, để đo lường chỉ số hạnh phúc trong trường học, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành bộ 20 tiêu chí tạm thời về "Trường học hạnh phúc" gồm ba nhóm tiêu chí: Môi trường nhà trường; tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch thực hiện hằng năm; phát động phong trào thi đua trong toàn ngành; hướng dẫn khảo sát, đánh giá kết quả xây dựng Trường học hạnh phúc. Nội dung xây dựng Trường học hạnh phúc được biên soạn trong tài liệu giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông 2018; phong trào "Thầy cô thay đổi-Trường học hạnh phúc" được đẩy mạnh…

Theo Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Yên Bái, khi triển khai xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc, các đơn vị đã gắn với việc thực hiện các chương trình, phong trào, nhiệm vụ khác của ngành như: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018; thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy học; thi đua dạy tốt, học tốt; trường học du lịch, trường học đa văn hóa, trường học nông trại… Qua ba năm thực hiện, việc xây dựng Trường học hạnh phúc của Yên Bái đã đạt được kết quả tích cực. Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 165 trường học hạnh phúc; năm học 2022-2023, phong trào được triển khai, nhân rộng với 296 trường đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc", đạt tỷ lệ 66,9% tổng số trường của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Yên Bái Ðào Anh Tuấn cho biết, xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc đã trở thành một phong trào lớn, thường xuyên, có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần làm thay đổi diện mạo giáo dục Yên Bái cả về chất lượng và các hoạt động xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện. Các phong trào thi đua đổi mới, sáng tạo trong dạy học được triển khai đồng bộ, rõ nét hơn; cách ứng xử của thầy, cô giáo, của học sinh có nhiều thay đổi tích cực; khoảng cách giữa cán bộ quản lý với giáo viên, giữa thầy, cô giáo với học sinh, giữa gia đình với nhà trường… ngày càng được rút ngắn lại, gần gũi hơn, thân thiện hơn. Chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục trẻ mầm non có những thay đổi tích cực; giáo dục phổ thông được duy trì và nâng cao. Ðáng chú ý, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được Yên Bái thực hiện linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả. Yên Bái đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hằng năm trung bình đạt hơn 95%.