Nhiều khó khăn trong xây dựng bảo hộ nhãn hiệu nông sản
Trước thực tế đó, ngày 12/8, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) tổ chức hội thảo và kết nối kinh doanh: "Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam”.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nghiệp đã cùng nhau đánh giá thực trạng về vấn đề xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam; nhận định cơ hội và thách thức trong việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế. Đồng thời, các đại biểu cùng nhau chia sẻ về quy trình thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đối với nông sản Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế, những lưu ý trong việc xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu nông sản. Kinh nghiệm về xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp….
Toàn cảnh hội thảo và kết nối kinh doanh: "Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam”. |
Bà Lê Thị Thu, Phó Giám đốc Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định: Việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu của sản phẩm nông nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn. Ở Trung ương, chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Sự phối hợp chưa chặt chẽ và liên tục giữa Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.
Ở địa phương, thiếu khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Việc này dẫn đến lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp thực tiễn và nhu cầu thị trường. Việc bảo hộ sản phẩm không phải là sản phẩm tiêu dùng cuối cùng/giá trị gia tăng thấp. Bên cạnh đó, lựa chọn sai hình thức bảo hộ; quy mô sản xuất nhỏ; tập trung chính vào khâu đăng ký. Sau bảo hộ, sản phẩm gặp khó khăn trong quảng bá và tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn và nâng cao giá trị.
Mặt khác, một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chưa phát huy được vai trò là chủ sở hữu do không có chức năng kinh doanh. Một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể (hợp tác xã) được thành lập khi có sự hỗ trợ từ các dự án và không hoạt động khi kết thúc dự án, hoặc hoạt động rất cầm chừng. Có hợp tác xã đã thành lập từ trước làm chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể nhưng lĩnh vực hoạt động rộng, nhiều ngành nghề. Việc này dẫn đến nguồn lực bị phân tán, kinh nghiệm tham gia quản lý và thương mại còn hạn chế.
Nỗ lực đưa nông sản Việt ra thị trường quốc tế
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng cho rằng: Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nông nghiệp nói chung và nỗ lực đưa nông sản Việt ra thị trường quốc tế nói riêng, nông sản Việt đối diện với rất nhiều thách thức. Việc này không chỉ đến từ khâu chất lượng sản phẩm, từ thị trường, từ sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng mà còn đến từ năng lực tiếp cận thị trường thông qua thương hiệu sản phẩm.
Sản phẩm nông sản đưa được đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế thì sản phẩm đó cần được chứng nhận, xác nhận và xây dựng cơ chế pháp lý theo từng nhóm loại hình sản phẩm. |
Theo ông Toản, khi nói đến thương hiệu sản phẩm nông sản, đây là một phạm trù cần được định nghĩa rõ ràng, tiếp cận từ khía cạnh bảo hộ sở hữu trí tuệ của sản phẩm. Bởi khi sản phẩm nông sản đưa được đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế thì sản phẩm đó cần được chứng nhận, xác nhận và xây dựng cơ chế pháp lý theo từng nhóm loại hình sản phẩm, từng nhóm loại hình đăng ký. Cách tiếp cận phải đúng, phải trúng và với phương thức tổ chức thực hiện hiệu quả.
Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ngày càng được đẩy mạnh với con số đạt gần 50 tỷ USD, việc cần thiết là có các thêm thành tố tham gia cùng người nông dân, cùng doanh nghiệp trong bảo hộ sở hữu trí tuệ của Việt Nam ra trường quốc tế. Để khi bất cứ một tranh chấp quốc tế nào xảy ra, đây sẽ là các thiết chế đại diện cho người nông dân, hợp tác xã. Bên cạnh đó, việc chuyển bị một năng lực pháp lý bài bản nhằm giảm thiểu rủi ro xung đột về mặt thương mại.
“Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam, việc này, không chỉ một mình ngành nông nghiệp có thể làm được mà cần sự vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và chính nhận thức của người nông dân”, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.