Nhằm hưởng ứng Ngày Nấm toàn cầu (World Asperlosis Day) và hướng tới mục tiêu cập nhật kiến thức về chẩn đoán và điều trị nấm phổi cho đội ngũ y, bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế trên phạm vi cả nước, ngày 1/2, Bệnh viện Phổi Trung ương tổ chức hội thảo khoa học "Những thách thức trong chẩn đoán và điều trị bệnh nấm phổi".
Chiếm tỷ lệ thấp, nhưng nấm phổi gây ra tỷ lệ tử vong cao
Nấm phổi là một bệnh lý nguy hiểm ở đường hô hấp. Bệnh nấm phổi ít gặp nhưng tỷ lệ tử vong cao (khoảng 50-70%) nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nấm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi. Tỷ lệ bệnh nấm phổi chỉ chiếm 0,02% các bệnh phổi, tuy nhiên khi bị nấm phổi không phát hiện điều trị kịp thời, khả năng tử vong rất cao. Nấm phổi ít gặp ở người có sức khoẻ bình thường, sức đề kháng tốt.
Trong các căn nguyên gây nấm phổi, hay gặp nhất là nấm Aspergillus, bệnh do nấm Aspergillus còn gọi là Aspergillosis. Loại nấm này cũng có thể gây bệnh ở những người đã/đang có bệnh tại phổi, chẳng hạn như những bệnh nhân đã từng mắc lao phổi, hen suyễn hay xơ nang phổi... dẫn đến bệnh nấm Aspergillus phổi mạn tính.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, tại Việt Nam, hiện chưa có số liệu cụ thể về bệnh nấm phổi do Aspergillus. Ở Việt Nam do dịch tễ lao cao nên gánh nặng nấm Aspergillus phổi mạn tính lớn.
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học. |
Khoảng 50% bệnh nhân đã từng mắc lao, đến khám lại tại các cơ sở chuyên khoa hô hấp mắc nấm Aspergillus phổi mạn tính. Việt Nam cũng là nước có gánh nặng nấm Aspergillus phổi mạn tính đứng thứ 5 trên thế giới với trên 55.000 ca. Nấm Aspergillus xâm lấn mỗi năm ghi nhận khoảng 23.470 ca, nấm Aspergillus mạn tính khoảng 115 nghìn ca.
Nếu như với bệnh lao, Việt Nam cũng là nước có gánh nặng bệnh tật đứng thứ 11 thế giới, thì với bệnh nấm mạn tính, chúng ta đứng thứ 5 trên thế giới với trên 55.000 ca.
Người mắc nấm phổi nếu không được điều trị, phần phổi bị phá hủy sẽ ngày một lớn, dẫn đến mất chức năng phổi. Lâm sàng biểu hiện là ho ra máu, khó thở và suy mòn…. dần dần người bệnh sẽ tử vong.
Trên thế giới, tỷ lệ sống của bệnh nhân nấm Aspergillus phổi mạn tính sau 1 năm, 5 năm, 10 năm tương ứng là 86%, 62%, 47%. Tỷ lệ mắc nấm Aspergillus phổi mạn tính ở bệnh nhân lao mới 14% và lao đã điều trị 56%.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, nấm phổi là một bệnh lý nhiễm trùng do nấm xâm nhập vào phổi. Nấm có thể tồn tại ở nhiều nơi trong môi trường như: đất, nước, không khí, trên các vật dụng... và có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, thường gặp ở những người có hệ miễn dịch yếu.
Thách thức trong chẩn đoán bệnh nấm Aspergillus
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng cho biết, một vấn đề quan trọng là hiện nay, việc chẩn đoán và điều trị dưới mức với bệnh nấm phổi Aspergillosis xâm lấn và mạn tính. Bệnh nhân phải mất nhiều năm để được chẩn đoán Aspergillosis mạn tính. Do đó, các bác sĩ cần tiếp cận chẩn đoán đúng chuẩn quốc tế để điều trị cho đúng.
Ở giai đoạn đầu, bệnh thường khó phát hiện do không có triệu chứng, biểu hiện các triệu chứng ở giai đoạn muộn. "Thời gian không có triệu chứng có thể kéo dài 2-10 năm. Bệnh nhân có thể có nhiều triệu chứng không đặc trưng", bác sĩ Lượng cho hay.
Có 3 nguyên nhân gây bệnh nấm phổi. Hít phải bào tử nấm là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh nấm phổi. Bào tử nấm có kích thước rất nhỏ, có thể bay lơ lửng trong không khí và dễ dàng được hít vào cơ thể. Đặc biệt là trong một số môi trường tồn tại nhiều nấm như nông trại, nhà máy chế biến thực phẩm hoặc môi trường sống ẩm thấp...
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ về phương pháp phát hiện, điều trị bệnh nấm phổi. |
Hai là, người có hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao mắc bệnh nấm phổi hơn so với người bình thường. Một số yếu tố làm suy yếu hệ miễn dịch như: Mắc bệnh HIV/AIDS, ung thư, bệnh đái tháo đường, người sử dụng thuốc corticosteroid trong thời gian dài, người sau ghép tạng…
Người mắc bệnh về phổi từ trước như lao phổi để lại di chứng hang, giãn phế quản, COPD,… cũng dễ mắc nấm phổi.
"Bệnh nấm là kẻ giết người giấu mặt, nhận diện khó khăn. Hàng năm thế giới có 65 triệu ca nấm phổi xâm lấn, và khoảng 3,5-3,8 triệu tử vong người/năm. Tỷ lệ tử vong do nấm gấp 5 lần tử vong do sốt rét", bác sĩ Lượng cho hay.
Những dấu hiệu cảnh báo có thể mắc nấm phổi bao gồm: Sốt cao kéo dài; ho khan, đôi khi ho ra máu; đau tức ngực; khó thở giống như mắc bệnh hen; sụt cân không rõ nguyên nhân; mệt mỏi…..
Đối tượng có nguy cơ mắc nấm phổi là người có hệ miễn dịch yếu, bị suy giảm miễn dịch; người cao tuổi; người mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch do ung thư, người hay dùng các thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tạng...; người được xác định viêm phổi mà điều trị mãi không khỏi, bác sĩ cần nghĩ tới bệnh nấm phổi.
Điều trị bệnh nấm phổi rất tốn thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Để chữa bệnh nấm phổi, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng nấm. Bệnh nhân nấm phổi phải điều trị hàng tháng trời. Thuốc điều trị nấm phổi có giá rất cao.
Ngoài ra, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân nấm phổi bằng các biện pháp: thở oxy, dinh dưỡng,... Những trường hợp tổn thương phổi có thể phải phẫu thuật, kết hợp dùng thuốc kháng nấm….
Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nấm phổi sẽ gây ra các biến chứng trên bệnh nhân như: suy hô hấp; ho ra máu; xơ phổi; tái phát các đợt nhiễm khuẩn phổi; suy mòn, khó thở thường xuyên; tử vong….
Để phòng ngừa mắc nấm phổi, bác sĩ khuyến cáo mọi người tránh tiếp xúc với môi trường nấm mốc; giữ gìn vệ sinh môi trường sống; tăng cường sức đề kháng; sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ; khám bệnh định kỳ nếu có bệnh lý phổi nền.
Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Văn Lượng đề xuất các bác sĩ hãy lưu ý mọi người cần nghĩ tới Aspergillosis trong các trường hợp: có đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhập viện không đáp ứng với điều trị kháng sinh; bệnh nhân chẩn đoán lao phổi có hang mà không tìm thấy bằng chứng vi khuẩn.
Nếu bệnh nhân điều trị nhiễm khuẩn phổi tái đi tái lại nhiều lần hãy nghĩ tới có thể nhiễm Aspergillosis. Nếu hen bùng phát ở bệnh nhân hen tuân thủ điều trị tốt, sử dụng thuốc đúng kỹ thuật hãy nghĩ đến có thể nhiễm nấm. Aspergillosis có thể gặp ở những trường hợp hen không được kiểm soát.
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã trao đổi, thảo luận về các nội dung như: Gánh nặng bệnh nấm Aspergillosis; Chẩn đoán và điều trị nấm Aspergillosis phổi xâm lấn kịp thời và chính xác; Thách thức trong chẩn đoán bệnh nấm Aspergillosis phổi mạn tính...