Tham dự cuộc họp có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, Nguyễn Thị Thanh; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Văn phòng Quốc hội…
Tại cuộc họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã trình bày Báo cáo Kết quả công tác năm 2024, một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Vì sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước
Theo báo cáo, năm 2024 là năm quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Tình hình quốc tế, khu vực biến động nhanh, phức tạp, trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là hậu quả nặng nề của cơn bão số 3; sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; bộ máy nhà nước có sự thay đổi lớn về nhân sự, kể cả ở các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Dưới sự lãnh đạo sát sao, đúng đắn của Đảng, sự quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực khắc phục khó khăn của cả hệ thống chính trị và nhân dân, kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực và toàn diện, dự kiến đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu năm 2024, tăng trưởng GDP đạt mục tiêu đề ra 7%. Quốc phòng-an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm, uy tín, vị thế của nước ta không ngừng được cải thiện trên trường quốc tế…
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng báo cáo tại cuộc họp. (Ảnh: Duy Linh) |
Những thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của Quốc hội, được Đảng, cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Trước yêu cầu đòi hỏi cấp bách phát sinh, khối lượng công việc ngày càng tăng, yêu cầu cao cả về chất lượng và tiến độ, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nỗ lực, chủ động đổi mới, cải tiến cách làm việc, quán triệt và thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và chống lãng phí; tham mưu, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhiều quyết sách để kịp thời tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội, giải quyết các “điểm nghẽn” của thể chế, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, chuẩn bị cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Về công tác tham mưu, phục vụ các hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, năm 2024, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu ban hành 48 văn bản phân công triển khai thực hiện kết luận của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Đến nay, các cơ quan đã hoàn thành 93/109 nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và 73/103 nhiệm vụ triển khai chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định, thông báo, hướng dẫn của Đảng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu ý kiến tại cuộc họp. (Ảnh: Duy Linh) |
Đồng chí Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đã có nhiều công thư để quán triệt và yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, chống lãng phí và đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy.
Các cơ quan đã hoàn thành 442/539 nhiệm vụ được giao tại các chương trình, kế hoạch của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đang triển khai 97 nhiệm vụ và cơ bản sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Theo đánh giá, chương trình kỳ họp được xây dựng khoa học, hợp lý, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời, phù hợp tình hình thực tế. Công tác gửi tài liệu kỳ họp được cải tiến liên tục để gửi sớm đến đại biểu Quốc hội nghiên cứu.
Thời gian trình bày các tờ trình, báo cáo được rút ngắn để dành thời gian cho thảo luận, các cơ quan phát biểu, giải trình; giảm thời gian thảo luận tại hội trường, tăng thời gian thảo luận tại tổ để có nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu ý kiến.
Các điều kiện bảo đảm cho kỳ họp, công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an ninh, an toàn được rà soát kỹ lưỡng, thực hiện chu đáo, chuyên nghiệp, phù hợp với yêu cầu, tính chất của mỗi kỳ họp.
Các cơ quan đã tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 33 phiên họp để xem xét, cho ý kiến về các nội dung trình Quốc hội; đồng thời, xem xét các nội dung thuộc thẩm quyền; ban hành 16 nghị quyết quy phạm pháp luật, 363 nghị quyết về giám sát và các vấn đề quan trọng, 137 thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hoàn thành 26 nhiệm vụ lập pháp
Các cơ quan chủ trì, phối hợp với cơ quan hữu quan tổ chức nhiều hội thảo, cuộc làm việc để phục vụ công tác thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội thông qua. Trong đó, đã phục vụ Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng của nhiệm kỳ; trình Quốc hội kịp thời bổ sung vào Chương trình và xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng tại Kỳ họp thứ 7, cho phép điều chỉnh sớm hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật giúp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, phát huy giá trị nguồn lực đất đai, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, tạo động lực phát triển đất nước…
Về công tác lập pháp, các cơ quan đã hoàn thành 26 nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81 và Kế hoạch số 734 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng tổng số nhiệm vụ hoàn thành lên 140/156 nhiệm vụ, đạt 89,7%.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 8, các cơ quan đã quán triệt tinh thần chỉ đạo đổi mới tư duy xây dựng pháp luật của Tổng Bí thư Tô Lâm, từ đó đã có đổi mới trong công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan đã rà soát, thống nhất cao về việc lược bỏ những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và cơ quan khác; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định; đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì luật chỉ quy định khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu dự cuộc họp. (Ảnh Duy Linh) |
Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định: Năm 2024, các cơ quan đã đoàn kết, đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, đã tham mưu, phục vụ tổ chức thành công 6 kỳ họp, 33 phiên họp - là số lượng kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiều nhất trong một năm kể từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8 đều có số nhiệm vụ lập pháp rất lớn.
Bên cạnh các kết quả tích cực, theo báo cáo tổng kết, trong công tác năm 2024 vẫn còn một số hạn chế như: sự phối hợp giữa các cơ quan trong Quốc hội với nhau và với các cơ quan khác có thời điểm còn chưa chặt chẽ; vẫn còn một số dự án, tờ trình được gửi tài liệu chậm, có trường hợp sát ngày họp thẩm tra, họp Quốc hội mới có hồ sơ, gây khó khăn cho công tác thẩm tra của Ủy ban và việc xem xét, cho ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Việc đề nghị điều chỉnh chương trình phiên họp còn diễn ra thường xuyên; còn một số nội dung không chuẩn bị kịp tài liệu, nên phải xin lùi thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các phần mềm theo dõi công việc đã được xây dựng, đưa vào thử nghiệm nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện để phù hợp, thuận tiện hơn cho việc sử dụng…
Về tổ chức, phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp, hội nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2024, các cơ quan đã tham mưu, phục vụ tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ, 4 kỳ họp bất thường, phục vụ Quốc hội ban hành 31 luật và 64 nghị quyết với tỉ lệ tán thành cao; cho ý kiến về 21 dự án luật khác.