Thông tin vẫn khó nắm bắt
Từ ngày 21/9, Hà Nội nới lỏng giãn cách, thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo nguyên tắc Chị thị số 15 của Thủ tướng Chỉnh phủ và các biện pháp cao hơn để phù hợp với tình hình thực tế.
Cũng trong sáng 21/9, trao đổi với báo chí, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đã thông tin về quy định giấy tờ đối với các trường hợp ra, vào thành phố Hà Nội.
Đến sáng 23/9, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP Hà Nội một lần nữa thông tin về việc này.
Tuy nhiên, thông tin từ phía PC08 có một số khác biệt so với thông tin trước đó từ Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội.
Cụ thể, với những người muốn ra khỏi TP Hà Nội, theo Đại tá Trần Ngọc Dương, những người này cần có giấy tờ tùy thân, giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 (xét nghiệm nhanh hoặc PCR còn giá trị) và khai báo y tế.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Thanh Niên, PC08 cho biết, những người muốn ra khỏi TP Hà Nội cần phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 (xét nghiệm nhanh hoặc PCR còn giá trị) và đăng ký với nơi tạm trú để cấp giấy đi đường. Nếu chưa có giấy đi đường, các cán bộ làm nhiệm vụ tại chốt sẽ liên hệ với địa phương để có hình thức giám sát, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Với nhóm đối tượng là người ở tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, theo Đại tá Trần Ngọc Dương, cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo mẫu, kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR có giá trị trong vòng 3 ngày; kê khai rõ điểm đến; quét mã QR tại các chốt kiểm dịch tại nơi làm việc, mua bán và những nơi yêu cầu thực hiện mã QR.
Trong khi đó, PC08 lại thông tin người ở tỉnh, thành khác vào TP Hà Nội làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo mẫu.
Những thông tin như trên gây khó hiểu cho người dân, không biết được mình thực sự bắt buộc cần giấy tờ gì nếu thuộc diện đối tượng kể trên.
Người dân vẫn bối rối
Anh Trịnh Văn Minh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhà anh có cháu ở quê ra chơi, do Hà Nội bùng phát dịch Covid-19 và phải áp dụng Chỉ thị 16 nên cháu anh bị kẹt lại Hà Nội. Mấy ngày nay khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, anh muốn đưa cháu về quê để đi học nhưng không biết nên làm thế nào.
“Cháu tôi ở Hà Nội đã vài tháng, trường học ở quê của cháu đã đi học, cháu rất muốn về quê để đi học cùng các bạn. Tôi muốn đưa cháu về quê bằng xe cá nhân rồi tôi quay trở lại Hà Nội luôn mà loay hoay mấy hôm nay nghiên cứu thông tin nhưng chưa biết rõ mình cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Cháu tôi có thể được về quê nhưng liệu tôi đưa cháu về thì tôi có thuộc diện được ra khỏi thành phố rồi quay trở lại luôn không và nếu có thì tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì?”, anh Minh băn khoăn.
Một trường hợp khác, chị Thanh Nga (Mỹ Đình, Hà Nội) muốn đón con từ quê lên nhưng cũng băn khoăn về thủ tục giấy tờ. “Mấy tháng qua tôi cho hai con về quê, nay tôi muốn về quê đón hai cháu trở lại Hà Nội có được không? Nếu được, tôi và hai cháu cần chuẩn bị những giấy tờ gì?”, chị Nga đặt câu hỏi.
Tương tự chị Thanh Nga, chị Nguyễn Thị Bích (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, mấy tháng qua chị ở quê nghỉ sinh con thứ hai theo chế độ. Nay đã đến lúc chị phải đi làm lại, chị muốn quay trở lại Hà Nội cùng hai con để chuẩn bị quay lại làm việc.
Chị Bích cho biết, chị đọc thông tin từ công an thành phố thì thấy trường hợp người dân đi ra khỏi thành phố trước ngày 24/7/2021 (thời điểm ban hành Chỉ thị số 17) muốn quay lại Hà Nội cần chuẩn bị căn cước công dân, kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR (có giá trị trong vòng 3 ngày).
Chị Bích rời Hà Nội trước ngày đó nhưng chị băn khoăn yêu cầu này áp dụng với người có hộ khẩu Hà Nội hay người rời Hà Nội nói chung.
“Tôi chưa làm hộ khẩu Hà Nội, nếu quy định trên chỉ áp dụng với người có hộ khẩu Hà Nội thì tôi không thuộc diện đó nhưng có phải tôi vẫn vào Hà Nội theo diện lao động tỉnh, thành phố khác vào Hà Nội làm việc? Rồi 2 con tôi nữa, các cháu vào Hà Nội theo diện nào? Liệu các cháu có cần xét nghiệm Covid-19 hay không, nhất là với cháu mới sinh, từ lúc sinh ra cháu chỉ ở nhà với mẹ, giờ mà phải đưa cháu đi xét nghiệm lại có nguy cơ tiếp xúc nhiều người. Tôi cũng cần bà ngoại các cháu lên giúp trông các cháu nữa, liệu bà ngoại các cháu có thuộc diện được vào Hà Nội?”, chị Bích không khỏi lo lắng.
Theo Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP Hà Nội, trong mấy ngày gần đây, nhiều trường hợp ra, vào thành phố không đáp ứng đủ yêu cầu theo quy định nên lực lượng kiểm soát buộc phải yêu cầu lái xe quay đầu về nơi xuất phát.
Mặc dù đại diện công an thành phố đã thông tin về các quy định giấy tờ ra, vào thành phố trong thời điểm hiện nay nhưng nhiều người dân vẫn loay hoay tìm hiểu liệu mình có thuộc diện được ra, vào thành phố hay không.
Có lẽ cơ quan chức năng TP Hà Nội nên thông tin thống nhất, hướng dẫn cụ thể về quy định ra, vào thành phố trong thời điểm hiện nay. Đồng thời, nên chăng thành phố bố trí số điện thoại đường dây nóng để giải đáp thắc mắc của người dân, doanh nghiệp muốn tìm hiểu quy định về việc này để tránh trường hợp người dân hiểu lầm, gây lãng phí thời gian và công sức cho cả người dân và lực lượng chức năng cắm chốt.
Từ 11 giờ ngày 22/9 đến 11 giờ ngày 23/9:
22 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra, vào TP Hà Nội đã kiểm soát 20.530 lượt phương tiện (trong đó 41 lượt phương tiện vận tải hành khách) với 27.307 lượt người qua chốt;
2.986 lượt phương tiện được yêu cầu quay đầu, bao gồm: 1.866 lượt không vào thành phố, 1.120 lượt không ra ngoài thành phố.
(Theo Sở Chỉ huy công tác phòng, chống dịch Covid-19 Công an thành phố Hà Nội)
* Người tỉnh, thành phố khác ra, vào Hà Nội cần những giấy tờ gì?