Theo ONS, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh ước tính đã tăng 0,9% trong tháng 11/2021 và cao hơn mức trước khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak bày tỏ bất ngờ và vui mừng khi quy mô nền kinh tế phục hồi trở lại các mức trước đại dịch trong tháng 11 năm ngoái.
Tuy nhiên, dù nền kinh tế Anh tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 11/2021 so với mức tăng chỉ 0,2% trong tháng 10 trước đó, nhưng đây là con số ghi nhận trước khi biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hoành hành tại nước này.
Tuần trước, Hiệp hội bán lẻ Anh cảnh báo các hạn chế nhằm ứng phó nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron đã làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế tại nước này vốn nhờ vào việc các cửa hàng kinh doanh được nối lại hoạt động trực tiếp. Dù vậy, các siêu thị tại Anh đã cố gắng tránh khỏi nguy cơ thua lỗ lớn khi dịch bệnh do biến thể Omicron đã thúc đẩy nhu cầu tổ chức các sự kiện tại nhà.
Bất chấp đại dịch và nhiều khó khăn chung của kinh tế thế giới, nền kinh tế Đức đã lấy lại được đà tăng trưởng trong năm thứ 2 của đại dịch, sau khi suy giảm mạnh vào năm 2020. Theo số liệu sơ bộ do Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 14/1, trong năm 2021, GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng 2,7% so với năm trước.
Chủ tịch Destatis Georg Thiel cho biết, dù dịch bệnh vẫn lây lan mạnh, chuỗi cung ứng nguyên liệu và khâu giao hàng bị tắc nghẽn, song nền kinh tế Đức đã phục hồi sau đợt suy thoái mạnh vào năm 2020. Theo Destatis, GDP của Đức trong năm 2020 đã giảm 4,6%. Mặc dù vậy, tăng trưởng GDP vẫn thấp hơn so với kỳ vọng và chưa phục hồi về mức trước khủng hoảng.
Về triển vọng phát triển của nền kinh tế Đức năm 2022, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh đại dịch tiếp tục bùng phát, việc tái áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt và tình trạng tắc nghẽn về giao hàng trên toàn cầu đang là những trở ngại làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế Đức.
Theo những dự báo mới nhất, tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ ở mức 3,5% đến 4% trong năm 2022, thấp hơn so với những dự báo trước đó.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde bày tỏ hy vọng rằng các yếu tố khiến tỷ lệ lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng cao trong những tháng gần đây sẽ giảm bớt trong năm 2022.
Lạm phát tại Eurozone đã lên mức cao kỷ lục vào tháng 12/2021, ở mức 5%, do giá năng lượng tăng cao. Trong dự báo đưa ra vào tháng 12/2021, ECB cho rằng lạm phát sẽ tăng lên mức hơn 3% trong năm 2022, trước khi giảm trở lại dưới mức 2% theo như mục tiêu của ngân hàng này trong năm 2023.