Hưởng ứng Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” do Tỉnh ủy Kon Tum phát động, sau hai năm, huyện Đắk Hà đã xây dựng được 103 mô hình trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị… dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo nói riêng trên địa bàn huyện.
Sức lan tỏa của cuộc vận động
Để Cuộc vận động thật sự đi vào cuộc sống, Huyện ủy Đắk Hà đã xây dựng kế hoạch, trong đó chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các tổ chức chính trị-xã hội, đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế tại đơn vị, địa phương. Huyện ủy tổ chức hai hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt cho 632 cán bộ, đảng viên tham gia, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, tuyên truyền nội dung Cuộc vận động bằng hình thức phù hợp, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đắk Hà Phạm Thị Thương cho biết: Khi có kế hoạch của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật và chăn nuôi an toàn sinh học cho các hộ gia đình trên địa bàn huyện; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương vận động, hướng dẫn người dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo tích cực chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn với Đề án mỗi xã có ít nhất một sản phẩm đặc trưng, tích cực tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã ở địa phương.
Một số mô hình đem lại hiệu quả, có sức lan tỏa rộng như: Hỗ trợ giống sắn cao sản; nuôi gà đẻ; nuôi cá nước ngọt; mô hình nuôi dê, nuôi heo sọc dưa; mô hình nuôi gà, vịt thả vườn; mô hình kinh tế tập thể; hợp tác xã nông nghiệp xanh; câu lạc bộ thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế... Các mô hình đã thu hút 2.555 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, trong đó có 1.075 hộ nghèo và 712 hộ cận nghèo.
Đến nay, 57% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện thay đổi nếp nghĩ, biết khuyến khích, động viên con cháu trong học tập, đi học chuyên cần, không bỏ học giữa chừng; biết tự quan tâm, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình; bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp (tảo hôn, hôn nhân cận huyết); biết phân biệt đúng-sai, không tin, không nghe, không làm theo lời tuyên truyền, xúi giục, kích động của kẻ xấu, đấu tranh xóa bỏ tà đạo; siêng năng lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Có 62% hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất; cải tạo vườn hộ gia đình, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng; bố trí nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm hợp lý; duy trì các nghề truyền thống, các sản phẩm đặc trưng; biết chi tiêu hợp lý, sử dụng có hiệu quả nguồn hỗ trợ, các nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế. 44% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện (có mô hình sản xuất kinh tế ổn định, nhà ở kiên cố và một số vật dụng thiết yếu như ti-vi, xe gắn máy, xây dựng nhà vệ sinh, có chuồng, trại chăn nuôi gia súc, gia cầm...); biết tìm việc làm ổn định, tham gia các hoạt động và bảo vệ rừng, chăn nuôi dưới tán rừng để tăng thu nhập.
Sự đồng lòng, hưởng ứng từ đồng bào
Xã Ngọk Wang (huyện Đắk Hà) có 1.194 hộ với 5.580 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số là 4.553 người, chiếm tỷ lệ 82%. Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp với cây trồng chính là cao-su và cà-phê. Nhờ Cuộc vận động, hiện nay đồng bào đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc phát triển diện tích cây ăn quả xen canh trong vườn cà-phê, với nhiều loại cây có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng như: Sầu riêng, cam sành, quýt đường, chanh dây...
Bí thư Đảng ủy xã Ngọk Wang A Hờ Khánh cho biết, xã đã thực hiện gắn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với Cuộc vận động, từng bước tác động mạnh mẽ đến nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận người dân đã không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều gia đình đã tự lực vươn lên. Có 274 hộ dân đã rào vườn và trồng rau xanh của gia đình, xây dựng mô hình mỗi hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đều phải chăn nuôi gia súc, gia cầm để cải thiện đời sống; hỗ trợ con dê giống cho bốn hộ nghèo (mỗi hộ một cặp). Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ hai con heo và 10 con giống gia cầm. Mô hình nhặt rác ngày thứ bảy, chủ nhật xanh do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã phát động có 70 thành viên tham gia…
Vui mừng khi được nhận hỗ trợ cặp dê giống, chị Y Bun cho biết: Được cán bộ đến tuyên truyền về Cuộc vận động, chị đã làm theo lời cán bộ bằng cách cải tạo vườn nhà, nuôi thêm gà để cải thiện đời sống. “Sau khi được cán bộ hướng dẫn, mình đã làm theo, trồng rau quanh vườn, nuôi thêm gà cho nên cuộc sống được cải thiện đáng kể. Được Nhà nước hỗ trợ cặp dê, mình sẽ chăm thật tốt để dê sinh sôi, nảy nở. Tự mình sẽ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, chứ không ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước nữa”, chị Y Bun chia sẻ.
Còn theo già làng thôn Kon Năng Treang (xã Đăk Ui, Đắk Hà) A Bók, Cuộc vận động đã làm thay đổi bộ mặt của thôn và nếp nghĩ, cách làm của đồng bào trong thôn. Già A Bók cho biết, từ khi có chủ trương về triển khai thực hiện Cuộc vận động, đến nay trên địa bàn thôn, nhiều hộ dân đã nhận thức được qua nhìn nhận, học hỏi từ thực tế về cách làm từ các mô hình như: Sản xuất lúa nước; tổ tiết kiệm; làm vườn trồng rau; đường làng ngõ xóm sáng-xanh-sạch-đẹp; vườn rào xanh-sạch-đẹp; trồng cây mắc-ca; chăn nuôi có chuồng trại gắn với cải tạo vườn hộ gia đình... Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo hằng năm của thôn.
“Bản thân tôi và các thành viên trong gia đình luôn giữ mối đoàn kết với hàng xóm láng giềng, giúp đỡ, động viên các gia đình khó khăn, vận động người dân tham gia các đợt tập huấn mỗi khi xã tổ chức mở lớp, để mọi người được học hỏi kiến thức, áp dụng đưa khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình ngày càng tiến bộ và xóa đói, giảm nghèo bền vững”, già A Bók cho biết.
Tuy mới được triển khai hơn hai năm nhưng huyện Đắk Hà đã có những cách làm cụ thể, sáng tạo, linh hoạt để Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” đi vào thực tế đời sống. Đến nay có thể khẳng định, Cuộc vận động đã thay đổi căn cơ diện mạo, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.