Nhiều hoạt động kỷ niệm tại các địa phương, đơn vị

Sáng 5-6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 - 5-6-2021). Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự.

Các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề "Người đi tìm hình của nước" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tham quan trưng bày chuyên đề "Người đi tìm hình của nước" tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Văn Nên nêu rõ, trong cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều cuộc hành trình cả trong và ngoài nước. Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh là nơi ghi dấu ấn vô cùng sâu sắc của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh. Bác đã dừng chân ở Bến Nhà Rồng - Sài Gòn một thời gian vừa đủ để tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị hành trang, củng cố tinh thần cho một chuyến đi vô cùng khó khăn, không kém phần mạo hiểm. Từ miền trung vào Sài Gòn khi đang là một thanh niên trí thức yêu nước luôn bị theo dõi, dò xét của bọn mật thám, chỉ điểm, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Hội Liên Thành, Bác đã có dịp tiếp xúc với nhiều chí sĩ yêu nước, hòa nhập vào đời sống và phong trào yêu nước của nhân dân lao động TP Sài Gòn, tận mắt chứng kiến nỗi khổ nhục của người dân xứ thuộc địa, từ đó đã khẳng định sự chín muồi về nhận thức và hành động để Bác quyết định dứt khoát sự lựa chọn của mình… Từ lúc rời Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước đến khi về với thế giới của người hiền, mong ước cháy bỏng của Bác là được trở lại thăm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền nam. Bác thường nhắc Sài Gòn và Nam Bộ mãi mãi là tình thương yêu trọn vẹn trong trái tim của Bác.
 
 Đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, 45 năm sau ngày được mang tên Bác, TP Hồ Chí Minh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trên con đường xây dựng và phát triển; là nơi khởi nguồn của nhiều phong trào đổi mới, năng động sáng tạo, không ngừng vươn lên về mọi mặt. Với truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình của người dân TP Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố nhất định sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển thành phố giàu đẹp, văn minh để xứng đáng hơn với vinh dự thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
 
 ★ Sáng cùng ngày, các đại biểu đã tham dự triển lãm chuyên đề “Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh: Từ Bến cảng Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử”. Triển lãm do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh; Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 200 hình ảnh, tư liệu về công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam; góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
 
 Triển lãm gồm ba nội dung chính: Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc: Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước (1911 - 1941); Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam (1941 - 1969); Kế thừa và tiếp tục phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh (từ 1969 đến nay).
 
 ★ Trước đó, Đoàn đại biểu Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh do đồng chí Nguyễn Văn Nên làm trưởng đoàn đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
 
 Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP Hồ Chí Minh, đoàn đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Người.
 
 Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh cũng đã đến dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại phòng tưởng niệm Tôn Đức Thắng, số 1, Nguyễn Tất Thành, quận 4.
 
 ★ Ngày 5-6, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn phòng T.Ư Đảng phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khai mạc trưng bày chuyên đề “Người đi tìm hình của nước”. Chuyên đề giới thiệu hơn 300 hiện vật, trong đó có một số tài liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố về con đường cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung chuyên đề gồm tám phần: Nuôi ý chí (1890-1911); Vượt trùng dương tìm đường cứu nước (1911-1920); Tìm ra ánh sáng (1920-1924); Thổi bùng ngọn lửa cách mạng (1924-1930); Bước ngoặt lịch sử (1930-1941); Người về mang đến mùa Xuân (1941-1945); Người là niềm tin tất thắng (1945-1969); Viết tiếp trang sử vàng (1969-nay). Nội dung thông tin trưng bày chuyên đề được đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Văn phòng T.Ư Đảng (http://www.vptw.dcs.vn)và Bảo tàng Hồ Chí Minh (http://www.baotanghochiminh.vn).
 
 ★ Từ ngày 4 đến 17-6, Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo với chủ đề “Hành trình theo chân Bác” thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc trước công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gian trưng bày có khoảng 400 tư liệu sách, báo, chia thành bốn nội dung: Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng; Chủ tịch Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội - Thủ đô Hà Nội với Bác Hồ. Các tác phẩm cũng được trưng bày trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Thư viện Hà Nội, giúp bạn đọc có thể tiếp cận nội dung các cuốn sách dễ dàng trong thời điểm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
 
 ★ Nhà xuất bản Trẻ (NXB) vừa phát hành bản đồ “Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác Hồ” tái hiện quá trình lịch sử tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng của Bác từ ngày 5-6-1911 đến khi Người về nước ngày 28-1-1941. “Tiền thân” của bản đồ là cuốn sách “Hành trình theo chân Bác” của tác giả Trần Đức Tuấn (NXB Trẻ, 2011). Nội dung bản đồ kết hợp sơ đồ 10 chặng đường trong hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (biểu thị về mặt địa lý), trong đó, một đồ thị biểu thị về mặt thời gian (lịch sử). Mỗi chặng được thể hiện một mầu khác nhau, có đánh số các điểm hành trình, giúp người xem dễ tiếp cận thông tin hành trình. Bản đồ như một công trình khoa học được nghiên cứu thực hiện và hoàn thành trong thời gian ba tháng.