Đây là sự kiện tham vấn rộng rãi nhất về các quy định nhằm bảo đảm và thúc đẩy bình đẳng giới trong sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, với khoảng 200 đại biểu đến từ ban soạn thảo, những nhà hoạch định chính sách, những người hoạt động thực tiễn, gồm: Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức quốc tế…
Việc sửa đổi Bộ luật Lao động được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do với Liên hiệp châu Âu (EVFTA), giúp mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường EU và các nước CPTPP thông qua việc cắt giảm 99% thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm.
Sửa đổi Bộ luật Lao động là công việc cụ thể để Việt Nam thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới tại nơi làm việc, giúp Việt Nam có tiềm năng trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực trong việc tôn trọng các quyền cơ bản trong lao động, làm nền tảng cho thúc đẩy tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
* Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10-1930 - 20-10-2018) và 8 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam. Ngày 19-10, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Long An tổ chức về nguồn, trao quà tặng phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh tật, trẻ em nghèo xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Nhân dịp này, Hội đã vận động các tập thể, cá nhân hảo tâm tặng quà gia đình chính sách, học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi và một căn nhà tình thương; đồng thời triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ yếu thế” nhằm động viên, chia sẻ với những hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh kém may mắn, bị bệnh tật,…
* Chiều 19-10, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Phụ nữ trong nền kinh tế: hướng tới tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong ASEAN”, nhằm tạo cơ hội để các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan trao đổi về các biện pháp giúp giải quyết nhu cầu việc làm của phụ nữ trong lực lượng lao động nói chung và trong nền kinh tế số nói riêng. Đây là một trong các hoạt động bên lề của Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN (AMMW) lần thứ ba tại Việt Nam.
Các đại biểu tập trung thảo luận về các cơ hội và thách thức đối với phụ nữ khi tham gia vào nền kinh tế số; các rào cản luật pháp và các quy định về việc làm cho phụ nữ trong ASEAN; thảo luận về các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo trên toàn cầu cùng với khung hỗ trợ khu vực, nhất là Chương trình hành động về lồng ghép tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong ASEAN… Với các vấn đề được đưa ra và qua thảo luận, hội thảo đã xác định được các vấn đề chính sách mà khu vực ASEAN cần phải giải quyết nhằm tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ.