Đến nay, hầu hết các mỏ đá trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều phải tạm dừng hoạt động vì không có vật liệu nổ công nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu là do các mỏ đá này đều chưa thực hiện đúng thiết kế, quy trình khai thác nên chưa được cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
Lãnh đạo các mỏ đá trên địa bàn tỉnh trần tình, nhu cầu đá xây dựng phục vụ các công trình, dự án, sản xuất bê tông... trên địa bàn rất lớn, nhưng không có để bán. Sản xuất đá mà không có mìn thì “bó tay”. Hệ lụy không chỉ làm cho doanh nghiệp khai thác đá khó khăn, máy móc thiết bị không được sử dụng, người lao động không có việc làm, công trình, dự án chậm tiến độ mà doanh nghiệp xây dựng cũng đang rất khó khăn.
Công ty Bê-tông Hữu Huệ là doanh nghiệp lớn về xây dựng hạ tầng, sản xuất bê tông trên địa bàn tỉnh, mỗi ngày cần hàng trăm m3 đá để sản xuất, nhưng thời gian vừa qua thiếu đá trầm trọng. Khắc phục vấn đề này, Công ty phải mua đá ở Bắc Kạn, Tuyên Quang chở về với giá 320 nghìn đồng/m3, thời gian tới đang tính đến việc mua đá ở Ninh Bình, Hà Nam vận chuyển bằng đường thủy đến cảng Đa Phúc rồi chở bằng đường bộ về cơ sở sản xuất bê-tông, công trình đang thi công.
Tương tự như vậy, đất san lấp trên địa bàn cũng ngày càng trở nên khan hiếm, đẩy giá tăng cao, lên tới hơn 100 nghìn đồng/m3, gấp hai lần so với bình thường, dẫn đến khai thác đất trái phép diễn ra ở nhiều nơi, làm dư luận bức xúc, nhất là ở thành phố Phổ Yên, nơi đang có nhiều công trình, dự án lớn đang được triển khai.
Mặt khác, việc thông báo giá xây dựng của các cơ quan chức năng không sát với thực tế. Như thông báo giá đất san lấp chỉ bằng 60-70% so với thị trường, nhà thầu xây lắp chở một ô-tô đất chừng 10m3 vào công trình để san lấp là lỗ 500-700 nghìn đồng; giá cát, đá, thép cũng không sát làm cho nhiều doanh nghiệp lao đao.
Công ty cổ phần Xây dựng số II Thái Nguyên trúng thầu xây dựng Trụ sở tiếp công dân tỉnh với giá trị hơn 17 tỷ đồng, thời gian thi công 8 tháng, nhưng cơ quan chức năng yêu cầu hoàn thành trong 6 tháng. Thời điểm đấu thầu, ký hợp đồng, cơ quan chức năng ban hành giá sắt là 16,9 triệu đồng/tấn, nhưng công ty phải mua sắt trên thị trường lên đến 19 triệu đồng/tấn. Đối với công trình này, riêng sắt đã làm công ty lỗ 450 triệu đồng, giá các loại vật liệu khác như cát, nhân công, ca máy cũng thấp hơn từ 10-20% so với thị trường.
Quản lý nhà nước cần phải chặt chẽ, nhưng tình trạng ban hành giá thấp hơn so với thị trường làm cho nhiều doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, nếu không thi công thì công trình chậm tiến độ, không chỉ bị phạt theo hợp đồng, thậm chí không được tham gia đấu thầu công trình, dự án tiếp theo mà thi công thì bị lỗ nên nhiều doanh nghiệp không trụ được, phá sản.
Khắc phục bất cập về giá, Công ty cổ phần Xây dựng số II Thái Nguyên tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng giàn giáo, cốt pha hiện có, chống thất thoát, lãng phí nguyên, vật liệu, nâng cao năng suất lao động để đẩy nhanh tiến độ thi công, bàn giao đúng tiến độ để không phải bố trí nhân lực quản lý, bảo vệ công trình sau khi hoàn thành, quyết toán sớm để được thanh toán đủ vốn, tránh nợ đọng kéo dài.
Để giải quyết tình trạng thiếu vật liệu xây dựng, nhất là đá, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sẽ khẩn trương rà soát các vấn đề về đất đai liên quan đến các mỏ đá để hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện các thủ tục về giao đất, thuê đất, môi trường; tham gia với các Sở Công thương, Xây dựng tháo gỡ khó khăn về khan hiếm đá xây dựng hiện nay.
Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp đang được tỉnh Thái Nguyên tập trung đầu tư nên nhu cầu về vật liệu xây dựng rất lớn. Trong khi đó, Thái Nguyên cũng là tỉnh có tiềm năng lớn về vật liệu xây dựng thông thường, như đất san lấp, đá xây dựng, nhưng các loại vật liệu này đang bị thiếu trầm trọng, giá tăng cao, việc ban hành giá của cơ quan quản lý không sát thị trường tác động tiêu cực đến nhiều mặt, là nghịch lý lớn cần được sớm giải quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.