Nhiều điểm mới trong Điều lệ trường tiểu học

NDO -

Điều lệ trường tiểu học mới có nhiều điểm khác về đổi mới quản trị nhà trường; đổi mới việc dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh; học sinh có thể học vượt lớp, điều chỉnh trong khen thưởng, kỷ luật học sinh…

Học sinh phổ thông (Ảnh: THUỲ LINH)
Học sinh phổ thông (Ảnh: THUỲ LINH)

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT đã tồn tại 10 năm, đến nay có nhiều nội dung không còn phù hợp.

So với Thông tư 41, Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học mới có nhiều điểm khác biệt, trong đó tập trung đổi mới quản trị nhà trường; đổi mới việc dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh; các yêu cầu về hồ sơ sổ sách được giảm tải…

Trường tiểu học phải thực hiện phổ cập giáo dục tại địa bàn

Theo quy định trong Thông tư 28, “Trường tiểu học có trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn; huy động trẻ em đi học đúng độ tuổi, vận động và tạo điều kiện cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đến trường”. Nội dung này so với Thông tư 41 đã bổ sung và nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà trường trong thực hiện giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tại địa bàn. Đây là điều có ý nghĩa xã hội quan trọng, nhất là với đối với các khu vực đông dân cư, giúp tránh tình trạng học sinh không được nhận vào học trường tại địa bàn mình cư trú.

Một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của trường tiểu học là xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường theo các quy định của Bộ GD-ĐT, gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; kế hoạch hoạt động giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cần đạt theo Chương trình GDPT cấp tiểu học. Đơn vị này triển khai thực hiện CT GDPT cấp tiểu học do Bộ GDĐT ban hành; thực hiện lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ GDĐT; triển khai thực hiện sách giáo khoa, nội dung giáo dục của địa phương theo quyết định của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt, trong tổ chức các hoạt động giáo dục tại trường tiểu học, nhà trường có quyền “thực hiện tự chủ chuyên môn”.

Tổ chức hoạt động giáo dục theo phương pháp tiên tiến 

Căn cứ chương trình giáo dục do Bộ trưởng GD-ĐT ban hành và kế hoạch dài hạn của đơn vị do cấp có thẩm quyền phê duyệt, trường tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Kế hoạch này được trường xây dựng hằng năm, song song với việc xây dựng các nội dung giáo dục bổ trợ đáp ứng nhu cầu người học; nội dung giáo dục của địa phương phù hợp với điều kiện của địa phương và của nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

“Áp dụng các phương pháp, hình thức giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu phát triển của địa phương, nhà trường và định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đảm bảo chất lượng, tiến độ kế hoạch giáo dục hàng năm của nhà trường; Xây dựng thời khoá biểu phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh và điều kiện thực tế của địa phương”, Thông tư quy định.

Không được ép học sinh mua tài liệu tham khảo

Theo quy định trong Thông tư 28, trường tiểu học sử dụng sách giáo khoa (SGK) được Bộ trưởng GDĐT phê duyệt và được UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn, sử dụng vào quá trình giảng dạy và học tập trong nhà trường. Các giáo viên, học sinh sử dụng SGK này vào các hoạt động dạy và học nhằm thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh được quy định trong Chương trình GDPT cấp tiểu học. 

Cơ sở giáo dục tiểu học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về SGK sử dụng tại trường để học sinh và gia đình học sinh biết. Thiết bị dạy học sử dụng trong nhà trường thuộc Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu do Bộ GD-ĐT ban hành và các thiết bị dạy học khác theo quy định của Chương trình GDPT. 

“Nhà trường tổ chức lựa chọn, trang bị xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên theo quy định của Bộ GD-ĐT; khuyến khích giáo viên sử dụng xuất bản phẩm tham khảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc học sinh phải mua tài liệu tham khảo”, Khoản 3, Điều 18 trong Thông tư nhấn mạnh.

Theo quy định của Thông tư này, việc quản lý, sử dụng và lựa chọn các xuất bản phẩm tham khảo sử dụng trong nhà trường theo quy định của Bộ GD-ĐT, thuộc trách nhiệm của Hiệu trưởng trường tiểu học. 

Giáo viên được tự chủ chuyên môn

Thực hiện chủ trương tăng cường phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng thành viên, tổ chức và tập thể nhà trường, Thông tư 28 cho phép giáo viên được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục; tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, thầy cô sẽ được tự chủ về nội dung, phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá học sinh; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách. Các hoạt động này cần bảo đảm quy định của chương trình giáo dục, phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện cụ thể của nhà trường.

Trong các nhiệm vụ của mình, người giáo viên được yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và sinh hoạt chuyên môn; sáng tạo, linh hoạt trong việc tự làm đồ dùng dạy học. 

Bên cạnh những quy định về quyền hạn và trách nhiệm của giáo viên, Thông tư 28 cũng quy định cụ thể những hành vi ứng xử giáo viên không được làm. Theo đó, giáo viên và nhân viên trường tiểu học không xuyên tạc nội dung giáo dục, dạy sai nội dung kiến thức; không gian lận trong kiểm tra đánh giá, cố ý đánh giá sai kết quả giáo dục của học sinh. Thầy cô không ép buộc học sinh học thêm vì mục đích vật chất; không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tuỳ tiện cắt xén nội dung giáo dục. Đặc biệt, giáo viên không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể người khác; không hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự.

Học sinh được học vượt lớp

Tương tự, đối với học sinh tiểu học, Thông tư 28 quy định cụ thể quyền và nhiệm vụ của học sinh. Theo đó, các em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân; đ¬ược học ở một trường, lớp thực hiện CT GDPT cấp tiểu học thuận tiện đi lại đối với bản thân trên địa bàn cư trú. Học sinh được chọn trường học hoặc chuyển đến học trường khác ngoài địa bàn cư trú, nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.

“Học sinh được học rút ngắn thời gian thực hiện chương trình, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, học kéo dài thời gian, học lưu ban. Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học”, Thông tư quy định.

Đối với việc khen thưởng và kỷ luật học sinh, Thông tư 28 có nhiều điều chỉnh so với Thông tư 41. Cụ thể, học sinh có thành tích xuất sắc, học sinh tiêu biểu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, có nhiều đóng góp cho tập thể được các bạn trong lớp bình chọn hoặc có thành tích đột xuất khác thì được giáo viên, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng theo các hình thức: tuyên dương trước lớp hoặc trước toàn trường, tặng giấy khen hoặc thư khen.

Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Đặc biệt, “giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh”.