Nhiều điểm mới trong cải tạo chung cư cũ

Mặc dù có nhiều chuyển biến, nhưng tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội vẫn rất chậm trễ. Thành phố đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phân quyền cho các quận, huyện với mong muốn sớm triển khai các dự án theo tiến độ.
0:00 / 0:00
0:00
Chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại.
Chung cư cũ cần cải tạo, xây dựng lại.

Khu tập thể Kim Liên là một trong những khu tập thể kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội và cả nước, xây dựng từ năm 1965-1970 của thế kỷ trước, gồm 44 nhà chung cư cao từ hai đến sáu tầng, được thiết kế đầy đủ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như sân chơi, trường học, trạm y tế... Sau gần 60 năm đưa vào sử dụng, nhiều công trình của khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với tính mạng, tài sản của người dân.

Để tạo sự đồng thuận trong công tác cải tạo, xây dựng lại khu tập thể, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đã tổ chức hội nghị công khai lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Kim Liên. Tại hội nghị, phần lớn người dân đều đồng tình với việc cải tạo, xây dựng lại khu tập thể, nhưng còn băn khoăn về cơ chế, chính sách di dời, bồi thường, tiến độ dự án, nhất là liên quan hệ số bồi thường và việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Văn Hà, một cư dân khu tập thể Kim Liên cho biết, từ nhiều năm trước, Ủy ban nhân dân thành phố đã giao cho các doanh nghiệp lập quy hoạch chi tiết để cải tạo, xây dựng lại khu tập thể, nhưng mới chỉ có nhà B4, B14 được cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng. Người dân rất mong muốn hệ số bồi thường hợp lý, bảo đảm cư dân được tái định cư tại chỗ với điều kiện sống tốt hơn.

Theo đại diện Ủy ban nhân dân quận Đống Đa, trên địa bàn quận có 12 khu tập thể với 507 tòa nhà chung cư cũ, chiếm khoảng 30% số chung cư cũ của thành phố. Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, quận đang tổ chức lập quy hoạch chi tiết, kiểm định chất lượng các khu tập thể. Nhằm bảo đảm tính khả thi của đồ án quy hoạch, quận tiến hành lấy ý kiến công khai của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư và nhà đầu tư.

Tại quận Ba Đình, công tác di dời người dân ra khỏi ba chung cư xuống cấp, nguy hiểm cấp độ D đã hoàn thành. Để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, Ủy ban nhân dân quận đã công khai, minh bạch các nội dung liên quan cải tạo chung cư cũ trên địa bàn để người dân theo dõi, giám sát. Ủy ban nhân dân quận tiếp tục vận động người dân nhận tiền tạm cư và bàn giao căn hộ, di dời ra khỏi chung cư nguy hiểm, nếu các hộ dân vẫn cố tình không di dời, quận sẽ thiết lập hồ sơ để thực hiện các biện pháp xử lý hành chính phù hợp.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, thực hiện cải tạo, xây dựng chung cư cũ, gắn với tái thiết đô thị, thành phố đã ban hành đề án kèm theo các kế hoạch triển khai, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện. Trong đợt đầu tiên, thành phố sẽ triển khai cải tạo, xây dựng lại 10 khu chung cư cũ. Đến nay, Sở Xây dựng đã phê duyệt nhiệm vụ kiểm định cho 1.022 chung cư cũ, trong đó, Sở Xây dựng trực tiếp kiểm định 126 tòa, các quận, huyện đã nộp hồ sơ kiểm định 47 tòa nhà. Thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ công bố kết quả kiểm định 53 chung cư cũ. Sau khi kiểm định và thực hiện quy hoạch sẽ xây dựng hệ số K, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư theo quy định. Đáng chú ý, đến nay, có gần 100 nhà đầu tư quan tâm đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết, trong quá trình thực hiện cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội có nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan công tác quy hoạch, công tác xây dựng hệ số K, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư. Để tháo gỡ vướng mắc này, thời gian tới, Ban Chỉ đạo thành phố sẽ ủy quyền cho các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ triển khai xây dựng hệ số K, xây dựng tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư đối với từng dự án. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo đúng tiến độ.