Nhiều chỉ số kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt kỳ vọng

NDO -

Nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều sức ép giảm đà tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm. Song đến tháng 5, khi tình hình dịch bệnh có xu hướng cải thiện, nhiều chỉ số như xuất nhập khẩu, tài chính, đầu tư nước ngoài... đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, vượt kỳ vọng.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh minh họa)
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Do tác động của đại dịch Covid-19 và nhiều biện pháp hạn chế nghiêm ngặt theo chính sách "Zero Covid linh hoạt", tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc trong tháng 4 đã giảm mạnh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ tăng 0,1% so cùng kỳ năm ngoái. Song đến tháng 5, kim ngạch đã tăng mạnh trở lại, vượt kỳ vọng của thị trường.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 đạt 3.450 tỷ nhân dân tệ, tăng 9,6%; trong đó, xuất khẩu đạt 1.980 tỷ nhân dân tệ, tăng 15,3%; nhập khẩu đạt 1.470 tỷ nhân dân tệ, tăng 2,8%; xuất siêu đạt 502,89 tỷ nhân dân tệ, tăng đến 79,1% so cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (Ngân hàng Trung ương - PBOC), tháng 5, các khoản cho vay bằng nhân dân tệ đạt 1.890 tỷ nhân dân tệ, tăng 392 tỷ nhân dân tệ so cùng kỳ năm ngoái; quy mô huy động vốn ngoài xã hội đạt 2.790 tỷ nhân dân tệ, tăng 839.9 tỷ nhân dân tệ so cùng kỳ năm ngoái.

Về đầu tư nước ngoài sử dụng trên thực tế đạt 564,2 tỷ nhân dân tệ, tương đương 87,77 tỷ USD, tăng 17,3% so cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài lĩnh vực thương mại và đầu tư, kinh tế sản xuất ở Trung Quốc cũng đón nhận tín hiệu khả quan. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành chế tạo tháng 5 tăng tới 49,6%. Ông Triệu Khánh Hà, chuyên gia thống kê cao cấp thuộc Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc cho rằng, nền kinh tế nước này chịu tác động lớn từ dịch bệnh cũng như biến động tình hình thế giới, nhưng nhờ thúc đẩy hiệu quả cả phòng, chống Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội, mức độ khả quan của nền kinh tế đã cải thiện rõ rệt trong tháng 5.

Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các khâu sản xuất và logistics được cải thiện, cộng với lượng lớn đơn hàng dồn lại từ đầu năm, tỷ giá đồng nhân dân tệ được điều chỉnh..., nhất là một loại chính sách kích thích và ổn định ngoại thương mà chính phủ đề ra, đã tạo ra hiệu quả rõ rệt  trong cải thiện các chỉ số về thương mại, đầu tư và tài chính.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều thách thức như xuất khẩu gặp khó khăn do nhu cầu của các nền kinh tế phát triển đang giảm; thị phần bị thu hẹp do sự phục hồi năng lực sản xuất của các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, tăng trưởng kim ngạch phụ thuộc nhiều vào yếu tố giá... 

Do vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách để ổn định nền kinh tế, nhất là xử lý tốt mối quan hệ giữa phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, giảm tác động quá mới của công tác phòng dịch tới kinh tế và đời sống người dân, mới có thể nhanh chóng khôi phục niềm tin thị trường và giải quyết bài toán nhu cầu tín dụng thấp.