Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đã đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh phải nhanh chóng tháo dỡ, thanh lý cầu sắt Long Kiểng (huyện Nhà Bè) do cây cầu này xuống cấp trầm trọng, không bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông và người dân qua lại hằng ngày.
Cây cầu sắt này được xây dựng vào khoảng năm 1975, bắc qua sông Phước Kiểng, nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè); rộng hơn 2 m, dài hơn 100m. Do mặt cầu hẹp cho nên trước đây thường xuyên xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm.
Năm 2015, một chiếc sà-lan đã đâm vào mố trụ cầu khiến gầm, trụ cầu bị hư hỏng nặng, 9 gối cầu bị lệch 25 cm và một bộ giằng cầu bị đứt. Sau đó, vào năm 2018, cây cầu này bị sập khi xe ben chở đá quá tải. Vụ việc khiến cả xe ben và nhiều xe máy bị rớt xuống sông. May mắn, vụ sập cầu này không có thiệt hại về người.
Đến tháng 9/2023, cầu Long Kiểng mới được hoàn thành sau 22 năm do vướng mắc giải phóng mặt bằng, nhưng hiện nay nhiều người dân vẫn giữ thói quen đi qua cầu sắt cũ dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nên hạn chế đi lại vì không còn bảo đảm an toàn.
Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có 223 cây cầu đang được sử dụng; trong đó có nhiều cây cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đã hư hỏng lâu ngày nhưng chưa được sửa chữa, bảo trì; có đến 46 cầu sắt cũ, lâu năm, nhiều cầu được xây dựng hơn trăm năm tuổi, tới thời gian cần duy tu, bảo dưỡng hoặc xây mới, như cầu Tân Thuận 1, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cầu Vàm Sát (cũ)...
Những cây cầu xuống cấp mà Sở Giao thông vận tải đặc biệt lưu ý đều được xây dựng từ trước năm 1975 và đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Cầu Tân Thuận 1 nối Quận 4 và Quận 7 được xây dựng từ năm 1905, sau khi đào Kênh Tẻ; có chiều dài 241m, lòng cầu rộng 8m và có 2 lề dành cho người đi bộ, mỗi lề rộng 1,25m; được sửa chữa lớn lần đầu tiên vào năm 1992.
Những năm sau đó, cây cầu này tiếp tục có dấu hiệu xuống cấp cho nên năm 2005, thành phố đã giao Công ty Freyssinet International et Compagnie (Pháp) tiến hành nâng cấp lần 2.
Tương tự, cầu Bình Triệu 1 được xây dựng trước năm 1975. Năm 2009, khi công nhân đang thi công sửa chữa cầu thì phát hiện gối dầm cầu ở nhịp giữa bị lệch khỏi vị trí và rơi ra. Sự cố sau đó được khắc phục nhưng do tĩnh không thông thuyền thấp cho nên cây cầu này được đề xuất nâng tĩnh không lên 7m với tổng kinh phí 133 tỷ đồng. Hai dự án này đang được Sở Giao thông vận tải triển khai, hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025.
Ngày 9/9/2023, cầu Lò Đường (phường Tân Tạo, quận Bình Tân) bắc qua kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên, bất ngờ sập giữa đêm. Thời điểm này, có 2 người điều khiển xe máy may mắn thoát nạn trong gang tấc. Dù không có thiệt hại về người, nhưng vụ cầu sập này cũng khiến những người thường xuyên di chuyển qua khu vực này bất an.
Cầu dân sinh Lò Đường được xây dựng từ 30 năm trước, có kết cấu bê-tông, lan-can sắt. Hằng ngày, lượng người lưu thông qua cầu rất đông. Nguyên nhân sập cầu Lò Đường là do mưa lớn, nước kênh dâng cao, chảy xiết, một số cây xanh lớn bị gãy đổ trôi theo dòng nước va đập vào cầu.
Tương tự, cầu sắt Rạch Đỉa, Rạch Dơi, Rạch Tôm là ba cây cầu sắt trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) được xây dựng từ trước năm 1975, đang xuống cấp vì gánh hàng nghìn lượt phương tiện qua lại mỗi ngày.
Cầu Rạch Tôm nhỏ hẹp, là nỗi bất an cho người tham gia giao thông với chiều ngang cũng chỉ khoảng 3 m, hằng ngày cầu phải gánh một lượng lớn xe cộ, phương tiện qua lại. Nhiều bộ phận trên cầu đã phải được cố định bằng dây thép, mỗi lần có xe lưu thông, cầu rung lắc mạnh, phát ra tiếng kêu lớn do các tấm sắt va đập nhau; nhiều đoạn sắt trên cầu bị méo lệch, bung ốc.
Người dân sống chung quanh khu vực cầu Rạch Tôm cho biết, mỗi lần đi qua đều thấp thỏm lo cầu sập. Khi nghe tin có dự án xây mới cầu Rạch Tôm, người dân rất phấn khởi, mong tới ngày hoàn thành để đi lại an toàn.
Cách đó 2,5 km là cầu Rạch Dơi, cũng thường xuyên bị quá tải, không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đáng nói, đây là cây cầu kết nối huyện Nhà Bè với huyện Long Hậu (tỉnh Long An). Cầu có kết cấu bằng sắt, chiều ngang khoảng từ 3-3,3 m, lưu thông hai chiều, không có lề bộ hành. Cầu hẹp khiến cho phương tiện qua lại khó khăn. Nhiều đoạn sắt nối bị lệch, bung ốc, gỉ sét nhiều nơi, đã xuống cấp trầm trọng.
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, hiện nay dự án xây mới cầu Rạch Đỉa thay thế cầu cũ đã hoàn thành 10/10 mố trụ, lắp dầm cầu 7/9 nhịp và đang thi công mặt cầu, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
Riêng dự án xây mới cầu Rạch Tôm, có tổng kinh phí khoảng 497 tỷ đồng, dự kiến khởi công đầu năm 2025, hoàn thành năm 2027. Cầu Rạch Dơi đang chờ điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, sau đó đề xuất chủ trương đầu tư, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Sở Giao thông vận tải lưu ý các đơn vị chú ý những cầu giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đã hư hỏng lâu ngày, cần phải sửa chữa, khắc phục ngay các hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn giao thông trong năm 2024. Trường hợp phát hiện công trình có nguy cơ sụp đổ, mất an toàn giao thông gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, các đơn vị cần phải thực hiện tạm dừng ngay việc khai thác công trình, đồng thời có biện pháp ngăn chặn người, phương tiện lưu thông, cảnh báo, rào chắn kịp thời, tổ chức phân luồng giao thông tạm thay thế.
Sở Giao thông vận tải cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cần phải thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các đơn vị đang thực hiện hợp đồng quản lý, bảo trì cầu đường bộ để tăng cường tuần tra, kiểm tra hệ thống cầu, hầm đường bộ, nhất là cầu giao thông nông thôn trên địa bàn, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn khai thác trong mùa mưa bão.