Nhiều cách làm linh hoạt trong công tác giảm nghèo

Với 7/10 huyện, thị xã, thành phố nằm trong danh sách các huyện nghèo, có xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, đây là một trong những áp lực không nhỏ trên hành trình phát triển của Điện Biên. Song bằng nhiều cách làm linh hoạt, phù hợp địa bàn, đến nay tỉnh đã đạt nhiều kết quả giảm nghèo tích cực, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo đều giảm 5%…
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng thu hái chè.
Nông dân xã Xuân Lao, huyện Mường Ảng thu hái chè.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết, 7 huyện thuộc nhóm huyện nghèo gồm: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ. Đây đều là các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số; hạ tầng giao thông bị chia cắt, kém phát triển; đời sống nhân dân còn khó khăn, tồn tại nhiều hủ tục; tội phạm ma túy… Nhận thức rõ điều này, thời gian qua cấp ủy, chính quyền vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Tại huyện Tủa Chùa, Ủy ban nhân dân huyện đã yêu cầu các xã chủ động rà soát nguyên nhân nghèo tại từng địa bàn, để từ đó đưa ra giải pháp cụ thể, phù hợp từng địa bàn tránh tình trạng chung giải pháp, chung chính sách nhưng không phát huy hiệu quả. Căn cứ kết quả rà soát, nhận diện nguyên nhân nghèo của từng xã, huyện Tủa Chùa đã thống nhất ưu tiên nguồn lực thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp để tận dụng tối đa lợi thế đất, đất rừng và nguồn lao động tại địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tủa Chùa, Lường Tuấn Anh cho biết: Sau hơn hai năm triển khai, Tủa Chùa đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân, như: Liên kết phát triển chè tại Sính Phình, Tả Phình, Sín Chải; nuôi vịt bầu tại Mường Đun; trồng ngô ở Tủa Thàng... Với nguồn thu trung bình 50 triệu đồng/mô hình/ha, đến nay các mô hình đều được nhân rộng hiệu quả. Kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các xã: Trung Thu, Tả Phình, Sín Chải, Tủa Thàng nói riêng và toàn huyện Tủa Chùa nói chung; từ đó tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Tủa Chùa đã giảm rất nhiều, hiện chỉ còn 40,72%.

Cũng là huyện nằm trong nhóm các huyện nghèo với nhiều khó khăn, Mường Ảng đã chọn giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bằng việc ưu tiên nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Ảng, Tô Trọng Thiện cho biết: Từ năm 2022 đến nay, Mường Ảng đã huy động hơn 178 tỷ đồng triển khai 35 mô hình hỗ trợ sản xuất cộng đồng về trồng trọt, chăn nuôi gắn với quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp từng địa bàn, với gần 1.000 người tham gia. Cùng với đó, Mường Ảng triển khai thực hiện gần 20 công trình, dự án dân sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển. Các vấn đề y tế, giáo dục, lao động, việc làm... được quan tâm thực hiện có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo của Mường Ảng giảm còn 38,06%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đến nay 100% huyện nghèo của tỉnh đều được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh. Từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn chương trình, Điện Biên đã phân bổ thực hiện 119 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông. Riêng thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, từ năm 2022 đến nay các huyện nghèo được phân bổ hơn 119 tỷ đồng để thực hiện; hơn 47 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất… Trong công tác hỗ trợ lao động, tỉnh đã đào tạo nghề cho hơn 9.000 lao động và giải quyết việc làm cho gần 11.000 lao động.

Hiệu quả từ các chương trình, chính sách, dự án đặc thù đã tạo động lực cần thiết để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Do vậy, đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Điện Biên giảm còn 30,35%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo của 7 huyện nghèo giảm còn 44,41% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022-2025 (giảm 6,24% so với năm 2021). Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh như: Mường Ảng còn 38,06%; Tủa Chùa còn 40,72%; Mường Nhé còn 54,77%...

Để chương trình giảm nghèo đạt hiệu quả, thời gian tới tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền nội dung, cách làm, khơi dậy ý chí thoát nghèo trong mỗi người dân. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Lê Thành Đô nhấn mạnh: Tuyên truyền luôn phải được đặt lên hàng đầu, bởi qua tuyên truyền mới làm chuyển biến nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo, ý thức được trách nhiệm của bản thân, gia đình từ đó tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.

Đồng thời, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhằm góp phần thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc giảm nghèo; đặc biệt là giải phóng tư tưởng để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Có như thế các chương trình hỗ trợ giảm nghèo mới thật sự hiệu quả và bền vững.