Nhiều bất cập trong xử lý đất khai hoang tại thành phố Cẩm Phả

Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Ngô Đức Long và bà Đặng Thị Thuý (trú tại phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả) cho biết: Trước năm 1993, cùng một số hộ dân khác, ông bà đã khai hoang, tôn tạo mặt đầm ven biển có tổng diện tích khoảng 25.000m2 (nay thuộc Tổ 85, Khu 7A, phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả) để làm kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Ngô Đức Long phản ánh sự việc tổ công tác thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) giải phóng mặt bằng khi chưa làm rõ một số kiến nghị.
Ông Ngô Đức Long phản ánh sự việc tổ công tác thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) giải phóng mặt bằng khi chưa làm rõ một số kiến nghị.

Trên đất này, ông bà đã làm nhà cấp 4, đào hai ao nuôi cá, trồng nhiều cây lâu năm và cây ngắn ngày, chăn nuôi một số đàn gia cầm. Năm 2020, chính quyền địa phương mới kiểm tra và lập biên bản yêu cầu ông bà giữ nguyên hiện trạng khu đất. Thời điểm này, ông Long, bà Thuý đã yêu cầu lập vi bằng hiện trạng khu đất cùng toàn bộ tài sản trên đó.

Những căn cứ để chứng minh quá trình sử dụng đất liên tục mà ông Long, bà Thuý cung cấp như vi bằng, hình ảnh, giám định tuổi cây do Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) cung cấp đã chưa được xem xét thấu đáo. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại ban hành Quyết định số 7082/QĐ-XPHC ngày 25/11/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả xử phạt hành chính đối với ông Long về hành vi chiếm đất chưa sử dụng tại đô thị, thời điểm sử dụng đất là năm 2020 và Quyết định số 1115/QĐ-CCXP ngày 10/3/2022 của Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả về việc cưỡng chế thu hồi diện tích 9.800m2 (trong số 25.000m2).

Đáng nói là, UBND thành phố Cẩm Phả đã chỉ đạo UBND phường Cẩm Phú tổ chức phá dỡ không chỉ 9.800m2 như trong quyết định mà còn phá dỡ toàn bộ tài sản, cây cối, hoa màu hiện có trên khu đất này. Ông Ngô Thành Tâm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả vẫn khẳng định ông Long là người vi phạm sử dụng đất, cho nên việc UBND thành phố Cẩm Phả xử phạt hành chính về vi phạm về đất đai đối với ông Long là đúng quy định của pháp luật.

Theo hồ sơ do UBND thành phố Cẩm Phả cung cấp cho thấy, diện tích đất do ông Long, bà Thúy đang sử dụng nằm trong ranh giới khu đất nhà nước giao cho mỏ than Cao Sơn và Xí nghiệp vận tải ô-tô Cẩm Phả từ những năm 1980. Đến năm 1998, UBND tỉnh Quảng Ninh ký quyết định cho Công ty cổ phần than Cao Sơn thuê lại khoảng 50.000m2. Năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thu hồi khu bãi chứa than tại phường Cẩm Phú (20.197m2), khu tập thể cảng (35.668m2) và giao cho UBND thành phố Cẩm Phả quản lý (Quyết định số 158/QĐ-UBND ngày 19/1/2015 và Quyết định số 3081/QĐ-UBND ngày 13/8/2018). Mặc dù vậy, từ nhiều năm trước, khu đất được gọi là bãi chứa than này vẫn do ông Long, bà Thúy quản lý, sử dụng. Và cũng không có văn bản, tài liệu nào xác minh được bãi chứa than (diện tích 20.197m2) nằm ở vị trí nào trong số 25.000m2 mà ông Long, bà Thúy đang sử dụng.

Cũng phải nhận những quyết định hành chính gây ra băn khoăn, trăn trở như ông Long là trường hợp bà Lương Thị Thủy (trú tại thôn 8, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn). Năm 1994, bà Thủy được giao gần 3 ha đất lâm nghiệp tại thôn 1 (xã Hạ Long), trong đó có hơn 24.400m2 bãi triều. Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ninh giao UBND huyện Vân Đồn lập và phê duyệt phương án bồi thường để thu hồi đất. UBND huyện Vân Đồn đã ban hành nhiều quyết định không đúng quy định (đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần tại Bản án số 2/2021/HC-ST ngày 18/5/2021).

Tuy nhiên, trong quá trình bà Thủy đang khởi kiện, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều quyết định thu hồi đất, giao đất… đối với diện tích mà bà Thủy đang quản lý. Hiện có hai dự án bất động sản được UBND tỉnh Quảng Ninh giao đất đã hoàn thành và bán. Trong khi đó, UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn tìm phương án để giải quyết dứt điểm vụ việc do cơ quan chức năng huyện Vân Đồn chưa xác định được ranh giới, diện tích, số lô, thửa, mốc giới… đối với diện tích bãi triều 24.400m2 đã giao cho bà Thủy trước đây. Về việc này, tại Văn bản số 20/TTr-GSKT-XLSTTr ngày 10/1/2022, ông Lê Ngọc Thanh, Phó Chánh thanh tra tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị UBND tỉnh có văn bản yêu cầu UBND huyện Vân Đồn kiểm tra, rà soát lại hồ sơ, tài liệu liên quan diện tích 24.400m2 và đề xuất phương án giải quyết.

Cùng cảnh “khai hoang lập nghiệp” trên đất khó và bị thu hồi đất khi chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật là trường hợp của ông Nguyễn Văn Quynh và bà Lương Thị Liễu (đại diện của doanh nghiệp Thành Tài). Năm 2001, doanh nghiệp Thành Tài được UBND tỉnh Quảng Ninh giao gần 11.000m2 đất ở Ninh Dương (thành phố Móng Cái) để xây dựng nhà máy sản xuất kẹo dừa. Thời điểm đó, khu đất được giao toàn bộ là vùng hoang hóa, đồi núi, giao thông rất khó khăn. Sau rất nhiều công sức, tiền bạc, Nhà máy sản xuất kẹo dừa Thành Tài cũng hoạt động.

Sau gần 10 năm, do điều kiện khách quan, ông Quynh, bà Liễu xin chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng khách sạn và đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận. Tuy nhiên, năm 2012, dự án khách sạn bị UBND tỉnh Quảng Ninh thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 28/1/2013, thu hồi đất của doanh nghiệp tư nhân khách sạn Thành Tài và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Móng Cái quản lý (trong khi diện tích đất trước kia được giao cho doanh nghiệp Thành Tài xây dựng nhà máy sản xuất kẹo dừa). Và trong quyết định nêu trên cũng không có phương án bồi thường, hỗ trợ đối với tài sản trên đất cũng như công sức san lấp, tạo mặt bằng của doanh nghiệp Thành Tài.

Đáng nói hơn, sau hơn 11 năm UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định thu hồi đất, đơn vị được giao đất chưa một lần làm việc lại với đơn vị bị thu hồi đất để thống nhất phương án bàn giao. Doanh nghiệp Thành Tài vẫn cứ sản xuất cầm chừng để trông giữ đất trong khi sản xuất thua lỗ, nhiều khoản đầu tư không thể thu hồi vốn. Và Nhà nước thì thất thu tiền thuê đất cũng như các loại thuế doanh nghiệp của gần 11.000m2 “đất vàng” nơi vùng biên mậu nhộn nhịp vào bậc nhất cả nước này ■