Nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của cả hệ thống chính trị

Mỗi kỳ Đại hội Đảng có hai nội dung quan trọng nhất là: Thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (thông qua các văn kiện) và bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Đảng (công tác nhân sự).
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, ngày 13/3/2024.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, ngày 13/3/2024.

Hai nội dung có liên quan chặt chẽ với nhau, đều phải được chuẩn bị tốt, trong đó công tác nhân sự là việc cực kỳ quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của Đại hội và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đại hội.

Trong bài phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở nhiều nội dung để chúng ta nghiên cứu, nhận thức sâu sắc và tổ chức quán triệt, triển khai sao cho xứng tầm.

Trước hết, Tổng Bí thư yêu cầu phải khẳng định và thấm nhuần sâu sắc vị trí, ý nghĩa của công việc cực kỳ quan trọng này không chỉ đơn thuần đối với việc tổ chức một Đại hội Đảng mà đây là công việc có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước. Tổng Bí thư nhấn mạnh: Công tác chuẩn bị nhân sự không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương.

Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng. Từng cơ quan, địa phương, từng cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Ở nhiệm kỳ Đại hội Đảng nào, nhiệm vụ chuẩn bị nhân sự cũng đều được đặc biệt coi trọng. Từ Trung ương tới các cấp ở địa phương, công tác cán bộ luôn được quán triệt và tổ chức thực hiện chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình, quy định và tuân thủ quan điểm chung nhất quán là: Đủ tiêu chuẩn, cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa và phát triển; không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Tổng Bí thư lưu ý: Vì liên quan đến con người, là “công tác con người”, công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn.

Chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, công tác nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ; tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, hiệu quả theo phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.

Tuy nhiên, thực tế từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay cho thấy, công tác cán bộ vẫn còn những hạn chế, bất cập. Đội ngũ cán bộ đông nhưng chưa thật mạnh; tình trạng vừa thừa vừa thiếu cán bộ còn xảy ra ở nhiều nơi. Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực.

Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa toàn diện; không ít cán bộ thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Có những cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Một số lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói không đi đôi với làm, quan liêu, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Gần đây, qua những vụ việc được xử lý nghiêm minh, thấy không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, luật pháp, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật đảng và xử lý theo pháp luật.

Tổng Bí thư khi đánh giá tình hình thực tế cũng đã khẳng định: Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tình hình đội ngũ cán bộ hiện nay, nhất là cán bộ cấp chiến lược, có ảnh hưởng đến việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng.

Xác định nhiệm vụ sắp tới rất nặng nề, Tổng Bí thư chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu. Phải tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ ra những ưu điểm, kết quả cũng như những khuyết điểm, hạn chế của các khóa trước, nhất là của khóa XIII, để có thêm cơ sở đề ra phương hướng, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ của khóa XIV...

Tổng Bí thư lưu ý: Vì liên quan đến con người, là “công tác con người”, công tác nhân sự Đại hội phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự công tâm, thật sự trong sáng, khách quan, đặc biệt phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn; lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình làm thước đo chủ yếu.

Trong quá trình lựa chọn, bố trí, sắp xếp nhân sự cụ thể, cần thống nhất quan điểm là không quá cầu toàn, không quá tuyệt đối hóa. Các cụ ta đã có câu: “Nhân vô thập toàn”, con người ta ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Điều quan trọng là phải biết phân biệt, đánh giá chính xác bản chất, mức độ các điểm mạnh, điểm yếu đó để không chọn nhầm người và phải có cách bố trí, sắp xếp nhân sự sao cho phù hợp…

Những quan điểm chỉ đạo sâu sắc, toàn diện của đồng chí Tổng Bí thư trong bài viết nói trên cần được các tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên thấm nhuần, nâng cao trách nhiệm, tổ chức thực hiện tốt gắn với việc triển khai các quy định của Đảng liên quan công tác cán bộ, nhất là những quy định mới ban hành như: Quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023); Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024); Quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024).