Nhiệm vụ khó khăn của chính phủ mới tại Iraq

Quốc hội Iraq đã phê chuẩn quyết định thành lập chính phủ mới, qua đó chấm dứt một năm bế tắc về chính trị tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, chính quyền Baghdad vẫn sẽ đối mặt không ít thách thức bởi mâu thuẫn phe phái kéo theo các nguy cơ bạo lực và khó khăn kinh tế kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghị sĩ Quốc hội Iraq phê chuẩn chính phủ mới. (Ảnh GETTY)
Các nghị sĩ Quốc hội Iraq phê chuẩn chính phủ mới. (Ảnh GETTY)

Iraq rơi vào khủng hoảng chính trị trong gần một năm qua do tình trạng chia rẽ sâu sắc trên chính trường cản trở quá trình thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử tháng 10/2021. Trong cuộc bầu cử này, Giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada Al-Sadr (M.An Xa) là người giành chiến thắng lớn nhất nhưng không vận động được đủ sự ủng hộ để thành lập chính phủ mới. Hồi tháng 8/2022, Giáo sĩ Al-Sadr rút 73 nghị sĩ thuộc đảng của ông ra khỏi Quốc hội Iraq và tuyên bố sẽ từ bỏ chính trị, dẫn đến tình trạng bạo lực tồi tệ nhất tại thủ đô Baghdad trong nhiều năm qua, khi những người ủng hộ Giáo sĩ Al-Sadr xông vào tòa nhà chính phủ và đụng độ với các nhóm Shiite đối thủ. Ngày 13/10 vừa qua, Quốc hội Iraq bầu ông Abdul Latif Rashid (A.Ra-sít), chính trị gia người Kurd, làm tổng thống, mở đường cho việc thành lập chính phủ mới. Ngay sau đó, tân Tổng thống Rashid chỉ định ông Al-Sudani (An Xu-đa-ni) đứng ra thành lập chính phủ mới. Việc ông Al-Sudani được chỉ định làm thủ tướng đem đến hy vọng có thể chấm dứt bế tắc chính trị tại quốc gia Trung Đông này.

Thủ tướng Al-Sudani (52 tuổi), từng đảm nhiệm các chức vụ Bộ trưởng Nhân quyền cũng như Bộ trưởng Lao động và Xã hội. Danh sách 21 bộ trưởng do ông Al-Sudani lựa chọn đã được thông qua trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Iraq về nội các mới. Ông Al-Sudani bổ nhiệm người đứng đầu công ty khí đốt nhà nước South Gas Co. (SGC) Hayan Abdul Ghani (H.A.Ga-ni) làm Bộ trưởng Dầu mỏ và mới đây thông báo cách chức một số quan chức cấp cao từng được người tiền nhiệm bổ nhiệm. Quyết định này là một phần trong nỗ lực cơ cấu lại nhằm nâng cao hiệu quả của bộ máy chính quyền mới. Thủ tướng Al-Sudani cũng bác bỏ việc tổ chức bầu cử sớm trong vòng một năm tới, đồng thời cam kết chính phủ mới sẽ giải quyết nạn tham nhũng và coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất.

Việc ông Al-Sudani thành lập chính phủ mới được đánh giá là bước đi đột phá nhằm ổn định tình hình chính trường tại Iraq. Tuy nhiên, chính phủ mới ở Iraq sẽ phải đối mặt hàng loạt thách thức khi trong nội bộ vẫn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, nền kinh tế khó khăn, an ninh bất ổn, nạn tham nhũng hoành hành. Bộ Tài chính Iraq vừa phát hiện khoản tiền 2,5 tỷ USD bị rút khỏi tài khoản của cơ quan này tại một ngân hàng nhà nước. Hiện Bộ Tài chính đã yêu cầu Cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ Iraq phối hợp điều tra. Theo truyền thông địa phương, khoản tiền này bị rút trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến tháng 8 năm nay, sau đó được chuyển tới tài khoản của 5 công ty khác nhau thông qua 247 tờ séc và ngay lập tức được rút khỏi các tài khoản đó.

Một trong những ưu tiên quan trọng của Thủ tướng Al-Sudani là phải lên kế hoạch hàn gắn dân tộc. Ba năm qua, nhất là từ tháng 10/2021, Iraq chứng kiến ​​sự chia rẽ sâu sắc giữa các phe phái và nhiệm vụ quan trọng của chính phủ mới là thúc đẩy hòa hợp dân tộc. Chính sách đối ngoại của Iraq cũng là một lĩnh vực cần được chính phủ mới quan tâm đặc biệt. Các chính phủ gần đây của Iraq đạt được những tiến bộ trong việc đưa nước này trở lại vị trí quan trọng ở khu vực trong hai thập niên qua. Một chính sách đối ngoại trung lập, tránh sự can thiệp của bên ngoài, với sự tham gia mang tính xây dựng trong khu vực, đã mang lại cho Iraq một số lợi ích quan trọng về chính trị, kinh tế và an ninh. Nhiều chính sách tương tự sẽ đưa Iraq tiến xa hơn trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế. Với ưu tiên cấp bách là kinh tế, Chính phủ Iraq phải làm việc với Hội đồng Đại diện để thực hiện những cải cách cần thiết nhằm khuyến khích đầu tư và kích hoạt nhiều lĩnh vực kinh tế bị tê liệt, trong khi giá dầu vẫn ở mức cao. Iraq cũng cần điều chỉnh lại các chính sách giáo dục ở tất cả các cấp và chuẩn bị một lực lượng lao động sẵn sàng cho việc tái thiết và phục hồi đất nước sau nhiều năm bị chiến tranh và xung đột tàn phá.