Nhiệm kỳ nhiều thách thức đối với Séc ở cương vị Chủ tịch Hội đồng EU

Cộng hòa Séc vừa chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) trong nửa cuối năm 2022. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine, bài toán an ninh năng lượng, làn sóng người tị nạn... là những vấn đề cam go mà tân Chủ tịch Hội đồng EU phải giải quyết trong nhiệm kỳ này.

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Séc Petr Fiala muốn giới thiệu đất nước của mình rõ ràng thuộc về Tây Âu. (Nguồn: DW/TTXVN)
Thủ tướng Séc Petr Fiala muốn giới thiệu đất nước của mình rõ ràng thuộc về Tây Âu. (Nguồn: DW/TTXVN)

Cuộc họp giữa đại diện Chính phủ Séc và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen diễn ra vào ngày đầu tiên của tháng 7/2022 đã chính thức mở màn cho hàng loạt sự kiện trong khuôn khổ nhiệm kỳ của Séc.

Thông báo sau cuộc họp, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala (P.Phi-a-la) nhấn mạnh, Chính phủ của ông đã thảo luận với EC về các vấn đề mà EU và người dân Séc hiện đang quan tâm. Theo ông Fiala, một trong những nhiệm vụ trước mắt của Séc là tăng cường khả năng tự cung cấp năng lượng của EU.

Những ưu tiên chính trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU đã được Séc công bố vài tuần trước khi chính thức tiếp quản vị trí từ Pháp. Theo đó, có năm ưu tiên được đề ra, gồm đối phó cuộc khủng hoảng người tị nạn và tái thiết Ukraine, an ninh năng lượng, tăng cường năng lực quốc phòng và an ninh trên không gian mạng của châu Âu, khả năng phục hồi chiến lược của nền kinh tế châu Âu, khả năng phục hồi của các thể chế dân chủ.

Cộng hòa Séc đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng EU giữa lúc “lục địa già” đứng trước bộn bề thách thức lớn trong lịch sử, trong đó phải kể đến tình hình căng thẳng chưa có hồi kết ở Ukraine. Đây là lần thứ hai Cộng hòa Séc tiếp quản “ghế nóng”. Tuy đã thể hiện sự chủ động và chuẩn bị kỹ lưỡng song những diễn biến địa chính trị phức tạp hiện nay ở châu Âu, cùng khó khăn về kinh tế của Séc đang tạo ra nhiều áp lực cho nước này khi đảm đương trọng trách. Séc là một trong số các quốc gia EU chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của lạm phát.

Theo Văn phòng Thống kê Séc, lạm phát trong quý đầu tiên của năm 2022 đạt 11,2% so với cùng kỳ năm trước. So với quý IV/2021, giá tiêu dùng tăng 6,3%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1993. Đây chính là một khó khăn trên hành trình đảm nhận cương vị Chủ tịch Hội đồng EU của Séc.

Đại dịch Covid-19 cùng tình hình ở Ukraine đã làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, tình hình địa chính trị phức tạp khiến EU phải điều chỉnh một loạt chính sách, từ chính sách năng lượng đến chính sách đối ngoại. Bởi vậy, trong nhiệm kỳ này, Séc ưu tiên thúc đẩy chuyển đổi xanh để đạt được một chính sách năng lượng an toàn và độc lập hơn cho EU, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng sẽ tăng cao khi mùa đông tới. Theo đó, Séc đẩy nhanh thực hiện chương trình REPowerEU với trọng tâm đa dạng hóa nguồn cung, tiết kiệm năng lượng, nhanh chóng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo...

Bài toán di cư lâu nay vẫn là vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ EU, nhất là khi dòng người di cư đổ về châu Âu ngày càng tăng do xung đột và dịch bệnh. Trong năm tháng đầu năm 2022, số người nhập cư trái phép vào EU qua tuyến đường Tây Balkan đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng mất cân bằng trong chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn giữa các quốc gia thành viên EU là nguyên nhân gây nên bất đồng, căng thẳng trong nội bộ khối.

Mới đây, Pháp đã đề xuất một kế hoạch tái định cư người xin tị nạn nhằm san sẻ bớt áp lực cho một số nước. Đề xuất này được “đất nước hình lục lăng” đưa ra trong những tuần cuối cùng Paris nắm giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng EU và đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia. Tiếp tục thúc đẩy giải quyết bài toán phân bổ người tị nạn và quan trọng hơn cả là gìn giữ sự đoàn kết, thống nhất của khối là nhiệm vụ khó khăn mà Cộng hòa Séc phải đảm đương.

Cộng hòa Séc bắt đầu nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU với hàng loạt “hồ sơ nóng” cần phải giải quyết. Mặc dù thách thức bộn bề song đây cũng chính là cơ hội quan trọng để quốc gia châu Âu khẳng định vị thế và tiếng nói của mình tại EU.