Trong chuyến thăm Indonesia, Bộ trưởng H.Koichi đã công bố sáng kiến đầu tư tương lai châu Á, trong đó tập trung bốn lĩnh vực gồm chuỗi cung ứng, kết nối, đổi mới kỹ thuật số và nguồn nhân lực. Theo Bộ trưởng H.Koichi, nâng cao năng lực của ASEAN trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng sức hấp dẫn của khu vực đóng vai trò quan trọng với sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản. Nhằm tăng cường kết nối, Nhật Bản và ASEAN thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do, hiệp định đối tác kinh tế song phương và đa phương, trong đó bảo đảm thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mới có hiệu lực. Về đầu tư đổi mới kỹ thuật số, Nhật Bản sẽ cung cấp thêm khoảng 9 triệu USD nhằm đẩy mạnh hợp tác giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và các nước ASEAN. Trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tạo cơ hội cho 50.000 chuyên gia châu Á có tay nghề cao tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản, cũng như các công ty Nhật Bản ở khu vực.
Hoan nghênh sáng kiến đầu tư của Nhật Bản, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong (G.Y-ông) và Bộ trưởng H.Koichi cũng thảo luận về hợp tác kinh tế kỹ thuật số và phục hồi chuỗi cung ứng giữa hai nước. Hai bên khẳng định cam kết thúc đẩy thương mại tự do, trong đó nhấn mạnh duy trì các tiêu chuẩn cao của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh đó, hai bên cũng nhấn mạnh mục tiêu kết nạp thêm các thành viên đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn này. Singapore đang giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng CPTPP, cơ quan có nhiệm vụ giám sát việc vận hành và thực thi Hiệp định, sau nhiệm kỳ của Nhật Bản năm 2021 vừa qua.
Nhật Bản đã đưa ra Sáng kiến chuyển đổi năng lượng châu Á trong năm 2021 nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực giảm phát thải các-bon, thông qua các dự án năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng... Hợp tác giảm phát thải các-bon cũng là một trong các nội dung chính được thảo luận trong các chuyến thăm vừa qua của Bộ trưởng H.Koichi. Trong chuyến thăm Thái Lan, Bộ trưởng H.Koichi và Phó Thủ tướng Thái Lan Supattanapong Punmeechaow (X.Pun-mê-chao) nhất trí khởi động đối thoại về chính sách năng lượng mới và thực hiện các dự án chung nhằm thúc đẩy giảm phát thải các-bon. Cùng có mục tiêu trung hòa các-bon vào năm 2050, đối thoại giữa hai nước nhằm đề cao tầm quan trọng của việc chuyển đổi năng lượng xanh và bền vững; đồng thời đem lại các cơ hội đầu tư, thương mại trong lĩnh vực năng lượng. Hai nước dự kiến tiến hành các dự án chung về công nghệ xanh và phát triển nguồn nhân lực.
Nhật Bản và Indonesia nhất trí thúc đẩy kế hoạch nhằm giảm phát thải các-bon. Theo đó, Indonesia sẽ cùng Nhật Bản hợp tác xây dựng lộ trình giảm phát thải các-bon, đào tạo nhân lực, phát triển công nghệ... Nhật Bản và Singapore cũng ký bản ghi nhớ về hợp tác giảm phát thải các-bon nhằm khẳng định cam kết ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng phát thải thấp.
Theo Bộ trưởng H.Koichi, sáng kiến về đầu tư và chuyển đổi năng lượng nhằm khẳng định nỗ lực của Nhật Bản với cam kết đầu tư vào tương lai của châu Á. Thông qua các sáng kiến này, Nhật Bản cùng các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy kinh tế khu vực tự do, cởi mở và công bằng hơn; đồng thời hướng đến phát triển xanh và bền vững hơn.