Nhật Bản: Mưa to khiến ít nhất 3 người mất tích, hàng nghìn người sơ tán

Ngày 4/8, ít nhất 3 người mất tích và hàng nghìn người ở miền bắc Nhật Bản được lệnh đi sơ tán do mưa to trút xuống khu vực này, gây ngập lụt đường sá, làm nước các con sông ở một số khu vực dâng cao tràn bờ.
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Niigata sau khi hứng chịu mưa lớn. (Ảnh: Kyodo)
Tỉnh Niigata sau khi hứng chịu mưa lớn. (Ảnh: Kyodo)

Theo Đài truyền hình NHK của Nhật Bản, trong vòng 24 giờ tính tới 13 giờ (giờ Nhật Bản), tức 11 giờ (giờ Việt Nam), tổng lượng mưa ghi nhận được tại một vùng của tỉnh Niigata là hơn 500mm, buộc giới chức địa phương ban bố cảnh báo thảm họa có thể ở cấp cao nhất tại một số khu vực. Đường sá và cầu ngập trong nước gây gián đoạn giao thông, một tuyến tàu cao tốc phải ngừng hoạt động.

Cơ quan Quản lý hỏa hoạn và thiên tai Nhật Bản cho biết gần 500.000 người ở các tỉnh Niigata, Ishikawa và Yamagata đã được yêu cầu đi sơ tán. Hiện chưa có báo cáo thương vong.

Trước đó, tối 3/8, giới chức tỉnh Yamagata đã ban bố cảnh báo mưa lớn, khiến hãng sản xuất chip Renesas Electronics Corp phải tạm ngừng hoạt động một nhà máy tại tỉnh này. Đến nay, hoạt động của nhà máy hầu như đã trở lại bình thường.

Trong khi đó, hãng Technoflex Corporation cũng thông báo đã ngừng sản xuất tại một nhà máy ở thành phố Murakami, tỉnh Niigata do mất điện và ngập lụt.

Cùng ngày, 2 trận động đất liên tiếp xảy ra tại Nhật Bản với độ lớn lần lượt là 5,6 và 5,7.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, trận động đất độ lớn 5,7 xảy ra quần đảo Izu của Nhật Bản vào lúc 3 giờ 39 phút (giờ GMT), tức 10 giờ 39 phút ngày 4/8 (giờ Việt Nam).

Tâm chấn nằm ở độ sâu 10km, vị trí 32,6434 độ vĩ bắc và 142,4746 độ kinh đông. Trước đó, một trận động đất độ lớn 5,6 đã xảy ra tại khu vực bờ biển của tỉnh Fukushima. Tâm chấn nằm ở 37,6 độ vĩ bắc và 141,7 độ kinh đông, sâu 60km. Cả 2 trận động đất đều không gây cảnh báo sóng thần.

Cơ quan giám sát hạt nhân của Nhật Bản không có báo cáo bất kỳ bất thường nào tại Nhà máy điện hạt nhân số 1 vốn ngừng hoạt động sau thảm họa động đất sóng thần năm 2011.