Nhật Bản ghi nhận mức phát thải thấp kỷ lục

NDO -

Theo số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 10/12, trong năm tài chính 2020 (kết thúc vào tháng 3/2021), lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại đất nước “Mặt trời mọc” đã giảm hơn 5% so năm trước đó, xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm tài chính 1990.

Khí thải thoát ra từ các nhà máy gần thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)
Khí thải thoát ra từ các nhà máy gần thủ đô Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Reuters)

Lượng khí phát thải tại Nhật Bản trong năm tài chính 2020 đã giảm còn 1.149 tỷ tấn CO2, thấp hơn đáng kể so mức 1.211 tỷ tấn của năm trước đó. Đây cũng là mức phát thải thấp nhất được ghi nhận kể từ khi Bộ Môi trường Nhật Bản bắt đầu tổng hợp dữ liệu về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 1990.

Tính cả năm tài chính 2020, lượng phát thải của Nhật Bản đã giảm 7 năm liên tiếp, trong khi báo cáo của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho thấy mức CO2 trong khí quyển đã tăng trong năm 2020, nhanh hơn tốc độ tăng trung bình trong thập niên vừa qua.

Là quốc gia phát thải nhiều thứ 5 thế giới, hồi tháng 4/2021, Nhật Bản mới nâng cam kết về khí hậu, đến năm 2030 cắt giảm 46% mức phát thải của năm 2013 từ mức 26% theo mục tiêu trước đó. Thống kê mới nhất của năm 2020 ghi nhận giảm 18,4 % so mức phát thải của năm 2013.

Trong năm tài chính 2020, ngành sản xuất công nghiệp ở Nhật Bản đã giảm 8,3% lượng phát thải so năm 2019, trong khi lĩnh vực giao thông và ngành dịch vụ giảm lần lượt 10,2% và 4,1%. Tuy nhiên, khu vực hộ gia đình ghi nhận mức tăng 4,9%.

Lượng khí thải của Nhật Bản từng tăng mạnh sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, dẫn đến việc đóng cửa nhiều nhà máy điện nguyên tử và làm tăng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, khiến lượng phát thải đạt mức đỉnh 1.408 tỷ tấn CO2 vào năm 2013.

Hiện Nhật Bản chỉ còn 8 lò phản ứng đang hoạt động, trong khi nhiều cơ sở hạt nhân khác đang chờ cấp phép lại, theo các tiêu chuẩn an toàn khắt khe hơn được áp đặt từ năm 2011.

Năm 2020, năng lượng tái tạo chiếm 19,8% tổng sản lượng điện của Nhật Bản, năng lượng hạt nhân chiếm 3,9%, trong khi nhiệt điện từ dầu, than đá và khí đốt chiếm 76,3%.

Theo mục tiêu tái cơ cấu nguồn năng lượng của Chính phủ Nhật Bản, đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ đóng góp từ 36% đến 38%, năng lượng hạt nhân từ 20% đến 22% và nhiên liệu hóa thạch sẽ giảm xuống mức 41% tổng sản lượng điện năng.