Trong bối cảnh Nhật Bản nỗ lực tăng nguồn cung dầu khí và xây dựng nền kinh tế xanh, Trung Đông tiếp tục giữ vai trò quan trọng giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới bảo đảm an ninh năng lượng.
Các điểm dừng chân trong chuyến thăm Trung Đông của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản gồm Ai Cập, Palestine, Israel, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Qatar. Trong chuyến công du này, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nhật Bản tái khẳng định cam kết của Tokyo đối với hòa bình và thịnh vượng ở Trung Đông.
Với Iran, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một bộ trưởng Nhật Bản kể từ sau chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe năm 2019. Bộ trưởng Ngoại giao Motegi đã có cuộc gặp tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi nhằm hối thúc những nỗ lực mang tính xây dựng từ Tehran để hồi sinh thỏa thuận hạt nhân giúp duy trì hòa bình ở khu vực.
Với Iraq, đây là chuyến thăm đầu tiên sau 15 năm của một bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản. Trong hội đàm với tổng thống và thủ tướng nước chủ nhà, Bộ trưởng Motegi thông báo ý định của Tokyo cấp thêm khoản vay 32,7 tỷ yên (297 triệu USD) cho dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu Basrah có công suất 210.000 thùng/ngày ở miền nam Iraq.
Kế hoạch này nằm trong chính sách năng lượng sửa đổi của Nhật Bản, theo đó chú trọng xúc tiến ngoại giao với các nước Trung Đông, bảo đảm đáp ứng một nửa nhu cầu năng lượng trong nước vào năm 2030. Chiến lược của Nhật Bản cũng nhằm có nguồn cung từ Trung Đông về amoniac xanh và hydro, các nguồn nhiên liệu đóng vai trò quan trọng giúp Nhật Bản thực hiện chiến lược khử các-bon trong phát triển kinh tế - xã hội vào năm 2050.
Trong các cuộc gặp riêng rẽ với những đồng nghiệp Israel và Palestine, Bộ trưởng Motegi đã kêu gọi hai bên nối lại đối thoại nhằm đạt giải pháp hai nhà nước. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng nhất trí với các nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq về sự cần thiết hợp tác nhằm ngăn chặn Afghanistan trở thành một nhân tố gây bất ổn ở khu vực.
Nhật Bản vốn dựa phần lớn vào nguồn cung dầu thô từ Trung Đông. Bởi thế, sự ổn định của khu vực này đóng vai trò quan trọng đối với Tokyo. Việc tăng cường hợp tác và đầu tư vào Trung Đông không chỉ giúp bảo đảm lợi ích dầu mỏ, mà còn giúp Nhật Bản duy trì ảnh hưởng ở khu vực có vị trí địa - chính trị chiến lược.
BẢO ANH