Nhật Bản đặt mục tiêu tự chủ năng lượng

Lần đầu tiên sau hơn 10 năm, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân Nhật Bản ủng hộ việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân đạt ngưỡng đa số. Trong bối cảnh giá điện tăng cao và có nhiều cảnh báo về tình trạng thiếu điện, Chính phủ Nhật Bản đang định hướng lại chiến lược năng lượng quốc gia để ổn định nguồn cung nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với các mục tiêu khí hậu.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dư luận Nhật Bản từng quyết liệt phản đối năng lượng nguyên tử sau trận động đất và sóng thần năm 2011, dẫn đến sự cố rò rỉ của ba lò phản ứng tại cơ sở điện hạt nhân Fukushima, khiến hầu hết các lò phản ứng hạt nhân còn lại của "xứ Mặt trời mọc" đồng loạt bị đình chỉ hoạt động. Song, khi giá năng lượng toàn cầu leo thang, cùng lúc một số nhà máy nhiệt điện và khí đốt phải ngừng hoạt động, Tokyo đã lần đầu tiên bị cảnh báo về khả năng thiếu điện. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch phát triển và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới, nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, đồng thời hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Tại hội nghị tháng 8/2022 của Hội đồng thực hiện Chuyển đổi xanh thuộc Văn phòng Thủ tướng, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng đã chỉ đạo kế hoạch phát triển và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới. Theo tờ Nikkei Asia, chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio đặt mục tiêu bảo đảm nguồn điện năng trong trung và dài hạn, bằng kế hoạch tái khởi động 17 nhà máy điện hạt nhân, bắt đầu từ giữa năm 2023. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng xem xét kéo dài tuổi thọ hoạt động tối đa của các lò phản ứng hạt nhân lên 60 năm, nếu vượt qua các bài kiểm tra an toàn của cơ quan quản lý.

Theo quy định hiện hành tại Nhật Bản, giới hạn thời gian hoạt động cho các lò phản ứng hạt nhân chỉ là 40 năm. Tuy nhiên, chính phủ dự kiến sẽ không tính quãng thời gian các lò phản ứng phải ngừng hoạt động để đánh giá mức độ an toàn sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, đồng thời sẽ nâng cấp để các lò phản ứng đáp ứng những tiêu chuẩn mới về an toàn, để có thể cho phép hoạt động thêm 20 năm nữa.

Theo Thủ tướng Kishida Fumio, Nhật Bản sẽ ưu tiên sử dụng điện hạt nhân nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nước khác. Trên thực tế, sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, Nhật Bản ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Là nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai trên thế giới, Nhật Bản hiện phải nhập khẩu hơn 90% nhiên liệu và đang đối mặt viễn cảnh một mùa đông khắc nghiệt do giá LNG tăng mạnh. Sự hồi sinh các dự án năng lượng nguyên tử sẽ tác động lớn đến thị trường khí đốt toàn cầu.

Theo các chuyên gia Nhật Bản, chỉ cần khởi động lại một lò phản ứng hạt nhân hiện có cũng sẽ tương đương việc cung cấp 1 triệu tấn LNG mới mỗi năm cho thị trường toàn cầu. Các quốc gia như Hàn Quốc hay Bỉ, cũng đang đánh giá lại vai trò của hạt nhân trong tiến trình chuyển đổi khỏi nguồn nhiên liệu hóa thạch truyền thống.

Mới chỉ có 10 lò phản ứng hạt nhân được tái khởi động theo các quy tắc an toàn hậu thảm họa tại Fukushima, nhưng các mục tiêu năng lượng đến năm 2030 của Nhật Bản đòi hỏi gần như tất cả 33 lò phải hoạt động trở lại. Tiến trình khởi động lại các lò phản ứng còn đối mặt nhiều trở ngại, bao gồm sự chấp thuận của chính quyền địa phương và xác nhận an toàn chính thức từ cơ quan quản lý quốc gia. Giới phân tích nhận định, không có con đường suôn sẻ cho kế hoạch xây mới và khởi động lại các lò phản ứng cũ, do chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio cũng vấp phải sự phản đối từ phe đối lập.