Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/12, giá đậu tương kỳ hạn tháng 1 được giao dịch liên thông với thế giới tại Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã giảm 0,9% xuống mức 1250 cent/giạ (~ 460 USD/tấn).
Giá đậu tương đã giảm 5 tháng liên tiếp
Kể từ cuối quý II năm nay, giá đậu tương mặc dù vẫn ở mức cao so các năm trước nhưng đã bắt đầu bước vào xu hướng giảm. Nếu như nhu cầu nhập khẩu khổng lồ của Trung Quốc là một trong những yếu tố khiến cho giá nông sản tăng phi mã trong nửa đầu năm, thì trong giai đoạn gần đây, tốc độ mua hàng của quốc gia lại chậm hơn so năm ngoái đang tạo sức ép lên giá các mặt hàng này.
Theo số liệu mới nhất từ Hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 8,57 triệu tấn đậu tương trong tháng 11, tăng mạnh 68% so tháng trước. Mặc dù mức nhập khẩu này đã hồi phục đáng kể nhưng vẫn thấp hơn so mức 9,59 triệu tấn trong tháng 11 năm ngoái. Và nếu tính trong cả giai đoạn 11 tháng qua, mức lũy kế mới chỉ đạt 87,65 triệu tấn, thấp hơn 5,5% so cùng kỳ năm ngoái.
Nhập khẩu đậu tương từ Mỹ của Trung Quốc đang suy yếu
Ngành chăn nuôi Trung Quốc đã gánh chịu thua lỗ trong suốt giai đoạn kể từ quý II năm nay do giá lợn lao dốc. Gần đây nhất là vào đầu tháng 9, tỷ suất lợi nhuận ép dầu tiếp tục ở mức âm sau khi chạm mức thấp nhất vào tháng 6. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho nhu cầu nhập khẩu đậu tương của nước này không còn mạnh mẽ như năm ngoái.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu của Mỹ cũng bị gián đoạn bởi cơn bão Ida đổ bộ vào miền nam bang Louisiana vào cuối tháng 9. Các cảng tại vịnh Mexico đã bị tàn phá nặng nề và làm tắc nghẽn con đường xuất khẩu đậu tương chính của Mỹ. Việc khôi phục những thiệt hại từ cơn bão cũng kéo dài trong những tuần sau đó khiến cho hoạt động giao hàng bị chậm lại so dự kiến. Những quốc gia muốn mua hàng trong giai đoạn này đã phải tìm kiếm nguồn cung thay thế từ Nam Mỹ.
Mỹ giảm sút phong độ trước Brazil
Hằng năm, xuất khẩu tại Mỹ và Brazil, 2 quốc gia sản xuất đậu tương lớn nhất thế giới, sẽ thường có tính chu kỳ và đi theo lịch mùa vụ của mỗi nước. Bước vào tháng 9 hằng năm, nông dân Mỹ sẽ bắt đầu giai đoạn thu hoạch mùa vụ đậu tương. Trong 3 tháng sau đó, nguồn cung từ quốc gia này sẽ rất dồi dào giúp lượng bán hàng cũng được thúc đẩy và vượt trội hơn Brazil.
Tuy nhiên, năm nay giá xuất khẩu đậu tương của Brazil đang rẻ hơn và khiến cho Mỹ mất dần vị thế xuất khẩu hàng đầu. Theo Bộ Ngoại thương Brazil (Secex), xuất khẩu đậu tương trong tháng 11 của Brazil đã tăng gần gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Trung Quốc chiếm gần 80% tổng khối lượng xuất khẩu này. Ngay cả trong giai đoạn nguồn cung sẵn có từ Mỹ đang ở mức cao nhất trong năm, tốc độ xuất khẩu của Brazil vẫn đang tăng lên. Chỉ vài tháng nữa, khi mùa thu hoạch cao điểm diễn ra tại Brazil, giá xuất khẩu từ nước này thậm chí sẽ còn cạnh tranh hơn nữa và ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động bán hàng của Mỹ.
Sản lượng đậu tương niên vụ 2021/22 của Brazil dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục và nếu trong 2 tháng tới, Mỹ vẫn không thể lấy lại được phong độ về sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc như mọi năm thì giá đậu tương sẽ khó duy trì ở mức cao như trong năm nay.