Thông tin với phóng viên Báo Nhân Dân về thiệt hại do mưa lũ gây ra trong các ngày qua, đặc biệt từ ngày 6 đến 8/6, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Sơn La đều khẳng định, chưa năm nào mưa đến sớm và bất thường như năm nay. Lượng mưa trung bình lớn, mỗi đợt mưa diễn ra trong thời gian dài gây sạt lở trên hầu hết các tuyến đường.
Thiệt hại nặng về giao thông
Tại tỉnh Lai Châu, từ đầu mưa đến nay đã gây sạt lở gần 500 vị trí trên các tuyến quốc lộ và đường địa phương, gây thiệt hại gần 22 tỷ đồng. Trong đó, các tuyến đường địa phương xảy ra sạt lở đất đá tại hơn 300 vị trí, với khối lượng gần 87 nghìn m3, làm hư hỏng mặt đường, hộ lan-can, rãnh, cống thoát nước; các tuyến quốc lộ như: 4H, 12, 4D, 32, 279 bị sạt lở tại hơn 150 vị trí, với tổng khối lượng đất, đá sạt lở gần 16 nghìn m3.
Ngay trong sáng 8/6, tại Lai Châu tiếp tục ghi nhận sạt lở ta-luy dương tại 2 điểm gồm: Km3+150, đường tỉnh 128, thuộc địa phận bản Chiềng Chăn 4, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ và Km201+800 quốc lộ 4H, thuộc địa phận bản Ma Ú, xã Mù Cả, huyện Mường Tè. Hiện nay, trên tuyến quốc lộ 12 đi huyện Sìn Hồ và từ huyện Mường Tè đi huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đang bị ách tắc cục bộ.
Thiệt hại về giao thông do mưa lũ gây ra tại Điện Biên lên tới gần chục tỷ đồng, nặng nề nhất là các huyện: Nậm Pồ, Mường Ảng, Tủa Chùa và Mường Chà. Nhiều tuyến giao thông liên xã, liên huyện trong các huyện này hoàn toàn tê liệt. Ông Nguyễn Đức Đặng, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho biết: Km436+200 quốc lộ 6, thuộc địa phận bản Phiêng Đất B, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà bị sạt lở, mất gần 20m nền đường, khiến các phương tiện từ xã Nậm Nèn đi thị xã Mường Lay và ngược lại không thể lưu thông.
Tại huyện Tủa Chùa, tuyến giao thông từ trung tâm xã Huổi Só đi thôn Huổi Lóng có ba cung sạt trượt dài gần 1.000m gây hiện tượng lún, đứt gãy đường; các rãnh đứt gãy có chiều sâu độ lún trung bình từ 0,3-0,7m, khiến ô-tô không thể lưu thông, người đi xe máy đi rất khó khăn. Tuyến đường Na Sang-Huổi Mí đoạn qua địa phận huyện Tủa Chùa có sáu điểm sạt lở ta-luy dương gây ách tắc hoàn toàn, tổng khối lượng sạt lở khoảng 2.000m3 đất đá.
Ở xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, tuyến đường liên xã từ Na Khoa đi Na Cô Sa bị sạt lở toàn bộ 50m nền đường, chiều sâu hố sạt hơn 3m khiến hai xã gần như biệt lập với các xã lân cận. Các tuyến quốc lộ 12, quốc lộ 6 qua địa phận tỉnh Điện Biên cũng bị thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Điện Biên Trần Thanh Kiên cho biết: Gần 52 nghìn m3
đất đá sạt lở ta-luy dương, ta-luy âm, gây hư hỏng nghiêm trọng nhiều đoạn đường. Mưa lớn làm trôi, hỏng hoàn toàn 1.359 rọ thép và 34 cầu, cống; đất tắc cống, rãnh dọc lên tới 7.536,97m3. Đặc biệt có một số vị trí thiệt hại khối lượng lớn gây ách tắc giao thông nghiêm trọng như: Km436+250 tuyến quốc lộ 6; Km3+320, Km15+900 tuyến ĐT.144…
Tại tỉnh Sơn La, mưa lũ những ngày qua gây sạt lở ta-luy âm với chiều dài khoảng 270m; hư hỏng chín cầu, cống; sạt lở đất, đá và sa bồi 92.422m3; gây hư hỏng hệ thống rãnh dọc với chiều dài 1.387m. Gây thiệt hại nặng nhất là trận mưa từ đêm 6/6 đến rạng sáng 7/6, làm bồi lấp rãnh dọc, thượng hạ lưu, lòng cống, sụt lở ta-luy âm; giao thông trong thành phố Sơn La và các huyện Mai Sơn, Bắc Yên… gần như tê liệt. Thiệt hại về giao thông tại Sơn La ước khoảng 6,2 tỷ đồng.
Khắc phục bằng "4 tại chỗ"
Dù gặp nhiều khó khăn, song các địa phương đều chủ động trên tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực nhất, nhằm khắc phục ngay thiệt hại về giao thông, bảo đảm giao thông theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy; lực lượng; phương tiện; vật tư và hậu cần). Ngay sau khi xác định thiệt hại tại địa bàn, các địa phương đã khẩn trương huy động nhân lực, máy móc, phương tiện khắc phục ngay hư hỏng về giao thông; đồng thời di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên Trần Thanh Kiên cho biết: Tỉnh chỉ đạo các doanh nghiệp đang tham gia thi công trên địa bàn phải bố trí máy móc, phương tiện sẵn sàng hỗ trợ địa phương khắc phục thiệt hại về giao thông trong thời gian nhanh nhất. Sở cũng đồng thời chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tập trung máy móc, nhân lực, vật tư dự phòng trực 24/24, kịp thời xử lý tình huống, sự cố xảy ra. Tại điểm bị thiệt hại nặng nhất do mất nền đường Km436+200 quốc lộ 6 qua địa phận bản Phiêng Đất B, xã Nậm Nèn (huyện Mường Chà), Sở chỉ đạo ngay trong ngày 7/6 phải khắc phục tạm bằng cách bạt mái ta-luy dương để mở tạm nền đường bảo đảm ô-tô lưu thông được.
Về lâu dài, Sở báo cáo, đề xuất Cục Bảo trì đường bộ cho phương án khắc phục triệt để. Trên tuyến quốc lộ 12 đoạn qua xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà), xảy ra sụt trượt đất đá xuống nền đường tại Km119+942,31-Km119+982,31, Sở đã yêu cầu các nhà thầu đang thi công đường, cầu cạn tại địa bàn phải bố trí máy móc hót toàn bộ đất đá, bảo đảm việc đi lại cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công cho biết: Tỉnh huy động gần 500 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân thành phố Sơn La di dời khỏi vùng lũ và tham gia cứu hộ các phương tiện bị ngập nước. UBND tỉnh cũng đồng thời chỉ đạo điều tiết xả tràn hồ bản Mòng, xã Chiềng Cọ ra suối Nậm La, hạ đập thoát nước Cầu Trắng khu vực thành phố Sơn La và khơi thông các cống, rãnh để thoát nước ngập úng trong đô thị.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, đến thời điểm này, hầu hết điểm sạt lở, thiệt hại về giao thông tại các tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đều cơ bản được khắc phục; không còn xã nào, bản nào phải cô lập do đứt gãy giao thông. Tuy nhiên với dự báo mưa lũ khả năng diễn biến phức tạp, khó lường trong những ngày tới, đòi hỏi ngành giao thông vận tải các tỉnh trong khu vực Tây Bắc bám sát chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND các tỉnh tiếp tục đề cao cảnh giác phòng, chống thiên tai; chủ động phương án chỉ đạo các đơn vị lên phương án cụ thể bảo đảm an toàn cho vật tư, thiết bị, kho tàng nhà xưởng, trụ sở; nhất là bảo đảm an toàn cho cán bộ, công nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; di chuyển kịp thời trang thiết bị, phương tiện, vật tư ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập nước.
Bảo đảm an toàn các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện và liên xã trong địa bàn, ngoài trách nhiệm của ngành giao thông rất cần sự vào cuộc, chủ động của chính quyền các cấp. Trước nhất, cần thiết rà soát các vị trí nguy hiểm, tiềm ẩn mất an toàn giao thông (sạt lở ta-luy âm; sụt trượt ta-luy dương, các vị trí hay xảy ra đất đá trôi, lăn, xói lở nền, mặt đường, cầu, cống, kè); trên cơ sở đó phải bố trí ngay rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm; đồng thời tổ chức sửa chữa, khắc phục và xây dựng kế hoạch bổ sung vật tư, thiết bị dự phòng để chủ động ứng cứu khi có ách tắc; tuyệt đối không để người và phương tiện ở lại các khu vực có nguy cơ mất an toàn cao trong thời gian mưa bão xảy ra.