Người dân khu vực ga Phạm Xá, xã Tuấn Hưng (Kim Thành, Hải Dương) đã quen với những việc làm rất có ý nghĩa của ông Nguyễn Ngọc Tuy, 60 tuổi. Hơn 20 năm qua, dù đêm khuya hay sáng sớm, khi nhận được tin báo có người bị TNGT, ông Tuy lại xách cặp cứu thương có mặt kịp thời tại hiện trường để sơ cứu người bị nạn. Ông kể: "Nhà tôi ở gần ngã ba ga Phạm Xá, cho nên thường xuyên chứng kiến TNGT. Có một thực tế không hay chút nào, khi xảy ra TNGT, nhiều người thường xúm lại, phần vì tò mò, nhưng có người muốn "hôi" của. Tôi thì lại suy nghĩ khác, người ta không may bị nạn, cần được sơ cứu và đưa đi cấp cứu kịp thời. Từ suy nghĩ đó, tôi quyết định mình phải hành động để góp phần nhỏ bé, chia sẻ với người bị TNGT. Từ năm 1989 đến nay, tôi không nhớ nổi mình đã giúp được bao nhiêu người, nhưng mỗi năm giúp được 20-30 người bị TNGT được sơ cứu, cấp cứu kịp thời". Việc làm của ông Tuy cũng như gần 60 tình nguyện viên trên quốc lộ 5 trong những năm qua đã giúp người bị TNGT giảm đến mức thấp nhất mức độ thiệt hại. Họ là những người chạy xe ôm, bán nước ven quốc lộ 5, nhưng đều có chung mục đích giúp người bị nạn được sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Tỉnh Hải Dương có 45 km quốc lộ 5 chạy qua, với lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh. Vì thế, số vụ TNGT trên quốc lộ này ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê của Phòng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hải Dương), từ năm 2007 đến năm 2009, trên địa bàn tỉnh xảy ra 845 vụ TNGT đường bộ, làm chết 664 người, bị thương 675 người; trong đó, trên quốc lộ 5, xảy ra 152 vụ, làm chết 131 người, bị thương 95 người. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương Ðoàn Mạnh Tiến, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có từ 14 nghìn đến 18 nghìn lượt người bị tai nạn thương tích; trong đó, có gần 50% số người bị tai nạn thương tích do TNGT. Mỗi năm có hàng trăm người chết tại các bệnh viện do TNGT. Nguyên nhân do người bị nạn có thương tích quá nặng, không được sơ, cấp cứu kịp thời.
Từ thực trạng trên, từ năm 2006, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai dự án "Nâng cao năng lực hệ thống sơ, cấp cứu TNGT trên quốc lộ 5", tại tỉnh Hải Dương, với sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế quốc tế Hoa Kỳ. Mục tiêu của dự án nhằm thiết lập đội ngũ tình nguyện viên sơ cứu, cấp cứu được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết; các nạn nhân bị TNGT được tiếp cận, hỗ trợ sơ, cấp cứu nhanh nhất, hiệu quả nhất; thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, báo cáo giám sát TNGT; nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sinh sống ven quốc lộ 5 về Luật Giao thông đường bộ và các biện pháp phòng, chống TNGT. Tại các chốt, điểm này đều được trang bị tủ thuốc, các trang, thiết bị y tế tối thiểu phục vụ công việc sơ cứu, cấp cứu người bị TNGT...
Dự án đã giúp tỉnh Hải Dương thành lập bảy chốt, năm điểm sơ cứu, cấp cứu người bị TNGT trên quốc lộ 5, với 58 tình nguyện viên; tập huấn các kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho hơn 200 lượt người. Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Hải Dương Phan Ðình Ðiều, trong số các tình nguyện viện có cả những người làm nghề lái xe ôm, lái xe ta-xi, công nhân trong các doanh nghiệp gần quốc lộ 5. Họ là hạt nhân phổ biến, tuyên truyền kiến thức sơ cứu, cấp cứu, Luật Giao thông đường bộ trên quốc lộ 5. Tại các chốt, điểm sơ cứu, cấp cứu này đều mở sổ theo dõi tên, địa chỉ, tài sản, tình trạng sức khỏe của người bệnh, nguyên nhân gây tai nạn, nơi đưa bệnh nhân đến cấp cứu... Trung bình mỗi tháng, các điểm, chốt đã sơ cứu, cấp cứu 70 đến 80 người bị TNGT; trong đó, có hơn 80% số nạn nhân được sơ cứu, cấp cứu đúng cách. Trong ba năm (2007-2009), các chốt, điểm này đã sơ cứu, cấp cứu được gần 2.000 người bị TNGT.
Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Hải Dương) Hà Tiến Dũng cho rằng: "Hầu hết các vụ TNGT trên quốc lộ 5 đều được nhân dân tiếp cận, biết cách xử lý thương tích ban đầu và nhanh chóng chuyển đến các trung tâm y tế. Lực lượng đáng ghi nhận ở đây là nhân dân sống ven quốc lộ 5, đội ngũ những người làm nghề xe ôm, lái xe ta-xi. Mô hình này rất cần được các ngành, các cấp của tỉnh nhân rộng trên các tuyến đường khác".