Nhân rộng mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Thời gian qua, phong trào thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại tỉnh Bến Tre đạt được kết quả khả quan với nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người khi thành công sẵn sàng chia sẻ cách làm, giúp đỡ những nông dân khác vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Nông dân tỉnh Bến Tre đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, lợi nhuận.
Nông dân tỉnh Bến Tre đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, lợi nhuận.

Tỉnh Bến Tre là địa phương thuần nông với hơn 70% dân số sinh sống bằng nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp. Gần đây, tỉnh đã ban hành, thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các chính sách an sinh xã hội cho nông dân. Từ đó, nông dân hăng hái tham gia thực hiện phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với nhiều mô hình mới đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, tổng số hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là 335.912 lượt hộ, chiếm tỷ lệ 51,48% so với hộ đăng ký. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng lên, nhiều hộ có vốn sản xuất, kinh doanh hàng tỷ đồng, thu hút hàng chục lao động...

So với giai đoạn 2014-2019, số hộ có mức thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm tăng gấp 5 lần, số hộ có mức thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm tăng 3 lần. Trong đó, xuất hiện nhiều nông dân có sáng kiến, giải pháp khoa học, kỹ thuật được ứng dụng đem lại hiệu quả cao như: Hộ ông Nguyễn Văn Đoàn (ngụ xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú) đạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ 6 (giai đoạn 2018-2019) với giải pháp "Bấm, bẻ càng tôm càng xanh toàn đực"; hộ ông Nguyễn Văn Hòa (xã Tân Phú, huyện Châu Thành) đạt giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bến Tre lần thứ 7 (giai đoạn 2019-2020) với giải pháp "Nâng cao năng suất sầu riêng bằng biện pháp tạo tán hình chóp" và được công nhận Nhà khoa học của nhà nông năm 2021.

Nông dân Nguyễn Văn Đoàn cho biết: "Sau thời gian nghiên cứu, tôi mạnh dạn ứng dụng, nâng cấp mô hình nuôi tôm càng xanh bẻ càng từ 2 lần lên 3 lần/vụ nuôi để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bẻ càng lần đầu khi tôm 3 tháng tuổi, lần hai lúc 5 tháng và lần 3 lúc 7 tháng. Đến tháng thứ 8, thu hoạch tôm càng xanh sẽ có đôi càng nhỏ, đáp ứng nhu cầu thị trường nên bán với giá cao. Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực của tôi kết hợp với trồng dừa hữu cơ cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm".

Từ mô hình thành công của gia đình mình, ông Đoàn đã không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm với các hộ nông dân khác. Đến nay, toàn xã Thới Thạnh có 42 hộ nuôi tôm càng xanh toàn đực với diện tích nuôi hơn 100 ha. Sản phẩm tôm càng xanh của người dân trong xã cung ứng thị trường trong nước và một số thương lái bán sang Campuchia với giá ổn định.

Theo thống kê của Hội Nông dân tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có hơn 10.780 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp Trung ương. Năm 2018, Hội Nông dân tỉnh thành lập "Câu lạc bộ nông dân tỷ phú tỉnh Bến Tre" gồm 20 thành viên.

Qua 5 năm hoạt động, đến nay đã phát triển thêm chín câu lạc bộ ở chín huyện, thành phố với 358 thành viên. Từ đó, các thành viên trong câu lạc bộ có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, liên kết trong tiêu thụ và cùng góp sức hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn. Câu lạc bộ đã hình thành các mô hình tiêu biểu như: Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Đặng Văn Bảy lợi nhuận hơn 40 tỷ đồng/năm, ông Lê Văn Sấm 50 tỷ đồng/năm, ông Nguyễn Minh Nhủ 20 tỷ đồng/năm; mô hình trồng nhãn của anh Nguyễn Văn Thanh lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm; mô hình kiểng treo của bà Nguyễn Thị Nga lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/năm; mô hình trồng mai vàng của anh Nguyễn Văn Tâm lợi nhuận 6 tỷ đồng/năm...

Tại huyện Chợ Lách, thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến, tấm gương cần cù vượt khó, dám nghĩ, dám làm, đột phá trong sản xuất để vươn lên làm giàu, mang lại thu nhập cho gia đình hàng tỷ đồng mỗi năm.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chợ Lách Nguyễn Văn Thế thông tin: Phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể đạt hiệu quả cao. Đến nay, toàn huyện có 14 hợp tác xã nông nghiệp với 1.097 thành viên là hội viên, nông dân; 178 tổ hợp tác với 4.944 thành viên, 279 tổ hội nông dân nghề nghiệp và 5 chi hội nghề nghiệp. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tập thể làm ăn có hiệu quả như: Mô hình tổ hợp tác sầu riêng hữu cơ tại các xã Sơn Định, Vĩnh Bình, Hòa Nghĩa; chi hội mai vàng ở ấp Tân Trung (xã Hưng Khánh Trung B); làng nghề hoa giấy ở xã Phú Sơn; tổ hội nghề nghiệp VietGAP chôm chôm ở xã Phú Phụng; mô hình kiểng bonsai xã Vĩnh Hòa; mô hình nuôi lươn không bùn ở xã Vĩnh Bình,…

Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại tỉnh Bến Tre đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng hàng hóa đa canh và thâm canh, đưa nền sản xuất tỉnh nhà đúng hướng, phát huy thế mạnh từng vùng trong tỉnh. Hội Nông dân tỉnh đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất kém hiệu quả nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi.

Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững cho nông dân hàng năm giảm từ 8-10% hộ hội viên nông dân nghèo. Hiện toàn tỉnh chỉ còn hơn 5.500 hộ hội viên nông dân nghèo chiếm 51% hộ nghèo của cả tỉnh, 4.983 hộ cận nghèo chiếm 47% hộ cận nghèo của tỉnh.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Văn Bàn cho biết: Thời gian tới, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững sẽ tiếp tục được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đẩy mạnh, nâng cao về chất, đa dạng các mô hình sản xuất. Trong 5 năm tới, Bến Tre phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở 50%, cấp huyện, thành phố 27%, cấp tỉnh 20%, cấp Trung ương 3%, với 1 đến 2% số hộ đạt danh hiệu "Nông dân tỷ phú". Trong đó sẽ chuyển nhanh, mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất nhỏ sang sản xuất lớn. Đồng thời, từ kinh tế hộ nhỏ lẻ sang liên kết hợp tác theo chuỗi và từ sản xuất truyền thống kinh nghiệm sang ứng dụng công nghệ; coi trọng năng suất, sản lượng sang chất lượng, giá trị gia tăng… nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao đời sống nông dân.