Nhân rộng mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”

Hơn 22 năm qua, mô hình tự quản "Đoạn đường ông cháu cùng chăm" tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã phát huy hiệu quả thiết thực và ngày càng nhân rộng.
0:00 / 0:00
0:00
Các cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên và học sinh tham gia tổng vệ sinh, nhặt rác trên đường tàu.
Các cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên và học sinh tham gia tổng vệ sinh, nhặt rác trên đường tàu.

Đường tàu, đường hoa

Đầu giờ chiều, tại khu vực đường sắt gần gác chắn số 9, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, gần 50 cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên, học sinh hồ hởi tham gia cắt cỏ, nhặt rác hưởng ứng phong trào đường tàu đường hoa, không khí náo nhiệt. Cháu Hồ Tuệ Lâm, học sinh trường tiểu học Sông Hiếu bày tỏ dù trời hơi nắng nhưng rất vui, không thấy mệt vì đóng góp làm việc tốt, được mọi người biểu dương, khen ngợi.

Cô giáo Mai Thị Phượng cho biết học sinh nhà trường tham gia mô hình tự quản “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” được trải nghiệm, tham gia hoạt động có ích, là hình thức thiết thực giáo dục giúp các em nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn các công trình trên địa bàn.

Các thầy, cô thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các em học sinh cẩn trọng, đi qua đường tàu phải chú ý quan sát hai bên đường bảo đảm an toàn, không được ném đất đá lên tàu, không chơi đùa trên đường tàu, tích cực tham gia, lan tỏa những hành động đẹp giữ gìn đường tàu xanh, sạch, đẹp. Đoàn viên Nguyễn Thùy Trâm chia sẻ đã tham gia mô hình từ hồi học cấp 2, lần nào tham gia tổng vệ sinh cũng thấy vui vì đóng góp chung tay xây dựng môi trường trong lành, tuyến đường sắt phong quang, sạch sẽ.

Nhân rộng mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” ảnh 1
Các đoàn viên và học sinh chăm sóc đường hoa ven đường tàu

Vừa dọn cỏ xong, dù thấm mệt nhưng ông Trương Khắc Vĩnh, Hội Cựu chiến binh phường 1, thành phố Đông Hà hào hứng, mô hình này thiết thực, kết nối 3 thế hệ, có ý nghĩa giáo dục. Các cựu chiến binh tích cực tuyên truyền luật giao thông, hăng hái tham gia chăm sóc đường tàu, đường hoa. Dọn cỏ đường tàu khó hơn ở nhà vì cỏ mọc trên đá, cây ven đường nhiều gai, dùng dao rựa phát dễ bị hỏng, nên dùng máy cắt cỏ, dùng tay nhổ. Người lớn nhổ cỏ, phát quang, các cháu nhỏ thu gom đánh đống lại để khô đốt hoặc xe rác tới chở. Nhiều hộ dân thấy vậy mang nước ra mời, động viên tinh thần.

Công ty cổ phần đường sắt Bình Trị Thiên được giao quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia với chiều dài 176,7km đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Địa bàn trải dài qua nhiều vùng dân cư, mật độ các đường ngang, đường dân sinh, lối đi tự mở nhiều và nằm song song sát đường quốc lộ luôn là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn chạy tàu.

Trên địa bàn khu phố 3 và khu phố Tây Trì, thuộc phường 1, Thành phố Đông Hà, nơi đoạn đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đi qua, trước những năm 2002 đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng làm nhiều người chết và bị thương, một số hộ dân lấn chiếm hành lang đường sắt, chăn thả gia súc trên đường sắt, nhiều vụ ném đất đá lên tàu và lấy cắp hàng trăm bộ linh kiện đường sắt đe dọa nghiêm trọng an toàn chạy tàu, gây lo lắng cho hành khách.

Trước thực trạng trên, Chi đoàn Thanh niên Đội quản lý đường sắt 3 (thuộc Đoàn Thanh niên Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên), Hội Cựu chiến binh phường 1 và Trường tiểu học Sông Hiếu đã thống nhất quan điểm tuyên truyền bảo vệ an toàn cho đoạn đường sắt ngang qua địa bàn là vấn đề bức xúc cần thực hiện ngay. Cựu chiến binh có bản lĩnh, phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ dạn dày kinh nghiệm, nói đi đôi với làm; lực lượng đoàn viên thanh niên năng nổ, nhiệt huyết, xung kích tình nguyện, các cháu học sinh hăng hái luyện rèn, phấn đấu, ba thế hệ hợp sức, hợp lực bảo vệ đoạn đường sắt chạy qua quê hương thì nhất định thành công.

Nhân rộng mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” ảnh 2
Các cháu học sinh hăng hái tham gia mô hình

Ngày 19/11/2002, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Tỉnh đoàn Quảng Trị, Ban Phong trào Đoàn Thanh niên Đường sắt Việt Nam…, Liên chi đoàn Đội quản lý đường sắt 3, Liên đội trường tiểu học Sông Hiếu, Hội Cựu chiến binh khu phố Tây Trì, Đoàn Thanh niên phường 1 ở thành phố Đông Hà đã tổ chức lễ ký kết giao ước chương trình hành động bảo vệ đường sắt với mô hình tự quản "Đoạn đường ông cháu cùng chăm"...

Anh Phan Chiến, một thành viên tích cực đề xuất ý tưởng và hăng hái tham gia xây dựng mô hình tâm sự về những ngày “vạn sự khởi đầu nan”. Hồi đó, là nhân viên đường sắt, thu nhập không mấy dư dả nhưng bằng tâm huyết và trách nhiệm, anh hăng hái góp sức, nỗ lực liên hệ kết nối để sớm triển khai mô hình. Tình hình chuyển biến khả quan, mô hình lan tỏa ngày càng sâu rộng là nguồn động viên, khích lệ tất cả các thành viên. Anh Chiến cũng tới các trường học nói chuyện, tuyên truyền cho các cháu học sinh. Nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, cô đọng các cháu mới dễ hiểu, dễ thấm, anh bộc bạch.

Các thành viên tích cực quán triệt công tác giáo dục an toàn giao thông nói chung và bảo vệ đoạn đường sắt đảm nhận tự quản nói riêng trong toàn thể cán bộ hội viên, đoàn viên thanh niên, giáo viên, học sinh và xem đây là một hoạt động thi đua của từng khối; triển khai giảng dạy luật giao thông và tổ chức cho học sinh tích cực hưởng ứng phong trào thi tìm hiểu về an toàn giao thông. Cùng với đó, thường xuyên nhắc nhở học sinh, cán bộ hội viên, đoàn viên, người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, người tham gia giao thông về trách nhiệm thực hiện tốt luật giao thông và bảo vệ đường sắt ngang qua địa bàn; động viên và biểu dương những tấm gương điển hình đóng góp tích cực.

Các cựu chiến binh cùng các học sinh khối 4, 5, các đoàn viên thanh niên định kỳ ra quân tổng vệ sinh, nhặt rác trên đường tàu và vận động xóa bỏ những đường mòn dân sinh ngang qua đường sắt. Vào các dịp lễ Tết, các cựu chiến binh còn tổ chức ra quân cảnh giới tại các đường ngang không có người gác và lối đi tự mở, phối hợp điều tiết giao thông tại khu vực gác chắn, tránh ùn tắc giao thông; phối hợp cùng đơn vị đường sắt trên địa bàn tổ chức cứu chữa, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dọn dẹp cây đổ vào đường sắt...

Bước chuyển tích cực

Nhân rộng mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” ảnh 3
Lễ tổng kết 20 năm hoạt động mô hình Đoạn đường ông cháu cùng chăm

Hiệu quả mô hình được đánh giá cao qua 22 năm hoạt động trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân, người tham gia giao thông và các em học sinh về bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, thu hút thêm nhiều tập thể và cá nhân tự nguyện phối hợp tham gia. Bước chuyển tích cực là không còn xảy ra tai nạn giao thông đường sắt do tàu đâm, va người và các hiện tượng ném đất đá lên tàu, lấy cắp vật tư, vật liệu đường sắt, cố tình vứt rác, phóng uế, chăn thả gia súc trên đường sắt. Ý thức tham gia giao thông của học sinh được nâng cao, các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương và người dân đã có trách nhiệm cao hơn trong công tác bảo vệ và bảo đảm an toàn giao thông đường sắt.

Hội Cựu chiến binh, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên thành phố Đông Hà đã nhân rộng mô hình này lên cấp thành phố, với 4/5 phường có hệ thống đường sắt đi qua đảm nhận tự quản hơn 7km đường sắt. Mô hình tự quản “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Hội đồng Đội Trung ương lấy làm mô hình điểm để nhân rộng trên toàn quốc.

Thực tiễn triển khai cho thấy, để duy trì mô hình lâu dài cần chú trọng hiệu quả tuyên truyền, vận động giáo dục, lấy người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, người tham gia giao thông và các em học sinh làm trung tâm; đẩy mạnh nhân rộng mô hình, động viên, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích trong việc thực hiện tuyên truyền, vận động mọi người chấp hành tốt luật giao thông nói chung và bảo vệ an toàn giao thông đường sắt nói riêng…

Nhân rộng mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” ảnh 4
Mô hình Đoạn đường ông cháu cùng chăm ngày càng lan tỏa, thu hút nhiều người dân tham gia

Trong thời gian tới, phát huy các thành tích đã đạt được, các thành viên tham gia mô hình nỗ lực thực hiện tốt mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” trên toàn địa bàn thành phố Đông Hà, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không lấn chiếm hành lang đường sắt, không chăn thả gia súc trên đường sắt, không xả rác và ném đá đất lên các đoàn tàu, bảo vệ tốt vật tư, tài sản của ngành đường sắt; tiếp tục triển khai dạy luật giao thông và an toàn khi tham gia giao thông đường sắt cho học sinh thông qua các buổi học trên lớp, các giờ chào cờ đầu tuần, các hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa; thành lập câu lạc bộ “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” với các địa phương khác để nhân rộng, phát triển và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các quy định về pháp luật an toàn giao thông đường sắt.