Sáng 3-3 vừa qua, phòng công tác xã hội Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp hội cựu học sinh PTTH Hà Nội tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện. Chương trình thu nhận gần 500 đơn vị máu, là món quà vô giá dành tặng các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo. Trước đó mấy tuần, một chương trình văn nghệ và ảo thuật đặc sắc mang tên “Xuân yêu thương” đã diễn ra tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương (Hà Nội). Nỗi buồn, nỗi đau đớn của bệnh tật dường như tan biến trên những gương mặt thơ ngây đang háo hức dõi theo từng tiết mục. Kết thúc chương trình, ban tổ chức đã tiếp nhận tài trợ bằng tiền và hiện vật trị giá hơn 5,1 tỷ đồng từ các cá nhân, đơn vị, nhà hảo tâm, bao gồm tiền hỗ trợ cho 2.134 bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các suất quà, suất cháo và các trang thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị tại BV. Đây là năm thứ tám chương trình “Xuân yêu thương” được phòng công tác xã hội (CTXH) BV Nhi Trung ương phối hợp với các đơn vị từ thiện tổ chức.
Là đơn vị đầu tiên thành lập phòng CTXH, đến nay BV Nhi Trung ương đã trải qua 10 năm hoạt động CTXH trong BV, trở thành mô hình điểm để nhân rộng trong cả nước. Mười năm qua, phòng CTXH BV Nhi Trung ương đã kêu gọi và nhận tài trợ được hơn 100 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm giúp đỡ các gia đình bệnh nhi khó khăn. Công việc hằng ngày của các nhân viên CTXH là đến từng phòng bệnh thăm hỏi, động viên và tìm hiểu về những bệnh nhi mới nhập viện, bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; phát phiếu cơm, cháo miễn phí; hướng dẫn người nhà bệnh nhi làm thủ tục; trợ giúp các y, bác sĩ trong quá trình khám và điều trị; vận động các nhà hảo tâm chia sẻ, giúp đỡ bệnh nhi mắc bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn... Hằng tháng, những khoản hỗ trợ đóng góp bằng tiền mặt, bằng suất cơm, cháo đều được phòng CTXH cập nhật trên trang thông tin của BV. Trưởng phòng CTXH BV Nhi Trung ương, Ths Dương Thị Minh Thu cho biết: “Mục tiêu cao nhất mà chúng tôi hướng tới là bảo đảm các bệnh nhi khó khăn đang điều trị tại BV được chăm lo về tinh thần và đủ kinh phí điều trị.”
Mặc dù mới thành lập chưa đầy ba năm, nhưng phòng CTXH BV Bạch Mai đã có nhiều hoạt động CTXH tích cực và hiệu quả. Một trong những hoạt động hiệu quả đó là kết nối với các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn. Trên trang thông tin điện tử của BV tại địa chỉ bachmai.gov.vn thường xuyên cập nhật những thông tin về mọi hoạt động của BV và những hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ, giúp đỡ từ cộng đồng. Khi có nguồn tài trợ, các nhà hảo tâm và nhân viên CTXH trực tiếp đến tận giường bệnh để trao tặng. Bằng sự kết nối này, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ với tổng số tiền và hiện vật, đến nay đã lên tới gần 15 tỷ đồng. BV cũng hỗ trợ người bệnh miễn giảm một phần viện phí được trích từ nguồn quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của BV. Các nhân viên CTXH của BV còn hỗ trợ tìm về với gia đình cho những bệnh nhân không có người nhà chăm sóc. Từ cuối năm 2017, phòng CTXH lắp đặt năm thùng thu gom, quản lý và trả lại những đồ dùng, vật dụng thất lạc cho khách và người bệnh. Nhiều người bệnh mừng rơi nước mắt khi được báo tin đến nhận lại nhiều giấy tờ quý giá mà nếu phải làm lại sẽ tốn kém nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Anh Trần Văn Hải, ở thôn Cống Đặng, xã Hồng Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) từng tốt nghiệp loại giỏi Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên ngành cơ khí, đoạt giải nhất tư vấn viên giỏi toàn quốc, Trưởng phòng kỹ thuật của một hãng xe lớn tại Việt Nam khi mới 27 tuổi. Một tai nạn bất ngờ cách đây mười năm khiến anh rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”. Gần hai năm, anh nằm bất động trên giường bệnh, ăn uống hoàn toàn qua ống thông, phải chuyển qua nhiều BV. Sau 10 năm kiên trì, bền bỉ chữa bệnh, từ chỗ nằm liệt giường, anh Hải đã dần ngồi dựa được vào xe lăn. Cũng trong 10 năm ấy, cha mẹ anh gom góp từng đồng để dành chữa trị cho con. Căn nhà nhỏ cũ kỹ không có đồ đạc gì cũng được cầm cố để vay ngân hàng. Đến nay chi phí đã hết hơn hai tỷ đồng mà liệu trình điều trị cho anh Hải vẫn còn dài. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh Hải, phòng CTXH BV Bạch Mai đã hỗ trợ suất ăn hằng ngày cho bệnh nhân, kêu gọi các đơn vị tài trợ, nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ anh Hải và gia đình vượt qua khó khăn. Anh Hải đã được một số đơn vị, cá nhân giúp đỡ số tiền hơn 100 triệu đồng. Số tiền đó không chỉ để thanh toán hỗ trợ chi phí điều trị mà còn giúp cho gia đình anh có tiền thuê nhà, ăn ở, sinh hoạt trong thời gian anh tiếp tục tập luyện, phục hồi chức năng sau những cuộc phẫu thuật. Em Phạm Thu Thủy, sinh năm 2003, từng là học sinh giỏi của Trường THCS Hồng Quang (Thanh Miện, Hải Dương), nhưng từ tháng 9-2015, Thủy đã phải dừng việc học vì căn bệnh ung thư hạch. Em phải trải qua nhiều đợt truyền hóa chất, sức đề kháng suy giảm. Kết thúc liệu trình hóa trị, Thủy và gia đình đang hy vọng em có thể tiếp tục trở lại trường học. Nhưng vi-rút thủy đậu, rồi bội nhiễm đã khiến em phải nhập viện cấp cứu tại khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai trong tình trạng: nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi nặng, suy đa tạng, ung thư hạch đã điều trị hóa chất. Để có tiền chữa trị cho con, bố Thủy dù bị dị tật ở bàn tay vẫn phải làm công việc phụ hồ, mẹ Thủy thu mua ve chai, góp nhặt từng đồng. Tài sản lớn nhất của gia đình là hai con bò cũng đã phải bán đi để chữa bệnh cho Thủy. Kinh tế gia đình rơi vào khánh kiệt.Trước hoàn cảnh nghiệt ngã của em, Phòng CTXH BV Bạch Mai đã tích cực kêu gọi các tấm lòng nhân ái cùng chung tay giúp đỡ gia đình em. Số tiền hỗ trợ hơn 30 triệu đồng từ các nhà hảo tâm đã đem lại cho em cơ hội vượt qua cơn nguy kịch. Hiện nay, em đang tiếp tục điều trị hỗ trợ tại khoa Y học cổ truyền của BV Bạch Mai.
Thời gian qua, hoạt động CTXH của một số BV đã tiếp thêm động lực cho nhiều người bệnh nghèo, giúp họ yên tâm điều trị bệnh. Những cán bộ, nhân viên làm CTXH không chỉ là nhịp cầu trao đi và nhận lại những tình cảm sẻ chia của cộng đồng dành cho bệnh nhân nghèo, mà với công việc tiếp đón, hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh từ khâu làm thủ tục khám, chữa bệnh, giúp người bệnh nặng đi lại, vệ sinh cá nhân, lắng nghe tâm tư của người bệnh cũng khiến người bệnh tăng thêm sự hài lòng. “Giúp người bệnh, cũng chính là giúp mình” - nhân viên y tế sẽ có thêm thời gian để tập trung vào các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu để nâng cao tay nghề, chăm sóc và điều trị hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, hiện nay vẫn còn nhiều BV, nhất là các BV tuyến tỉnh, huyện chưa quan tâm hoạt động này. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, nhiều BV chỉ mới thành lập được phòng CTXH, gồm 3 đến 4 người, lại làm việc kiêm nhiệm, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên ngành CTXH. Không chỉ thiếu nguồn nhân lực “có nghề” CTXH ở các BV mà ngay chính sách đối với người hoạt động CTXH trong ngành y tế cũng chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, ngành y tế vẫn chưa xây dựng chức danh chuyên môn về CTXH trong cơ cấu nhân sự y tế. Đây là những rào cản cần được khắc phục để phát triển nghề CTXH trong các BV, góp phần tăng cường chất lượng, hiệu quả trong việc nâng cao sức khỏe cho người dân.
Hiện nay, với tình trạng quá tải ở một số BV, áp lực công việc nặng nề đối với người thầy thuốc, ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh, nếu có sự tham gia của các nhân viên CTXH hoặc cán bộ y tế được trang bị tốt kỹ năng CTXH sẽ làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh hơn.
“Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2020 có 90% cơ sở y tế trong cả nước triển khai hoạt động CTXH trong BV. Đây cũng chính là một trong những tiêu chí đánh giá đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên ngành y tế”.
TS NGUYỄN HỒNG SƠN Phó Vụ trưởng Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế
“Là BV đa khoa tuyến cuối, BV Bạch Mai thường xuyên có nhiều bệnh nhân nặng, hoàn cảnh rất khó khăn, dù còn cơ hội cứu chữa nhưng vì không có tiền nên một mực xin ra viện, mặc cho thầy thuốc, nhân viên CTXH giải thích, vận động. Khi đó, nếu được các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm đứng ra bảo lãnh và hỗ trợ viện phí thì bệnh nhân sẽ thêm quyết tâm điều trị, không để mất đi cơ hội sống quý giá”.
Bác sĩ CKII PHẠM THỊ BÍCH MẬN Trưởng phòng CTXH BV Bạch Mai