Từ hình ảnh, dữ liệu lưu giữ của camera giúp cơ quan chức năng nhận định, đánh giá đúng về đối tượng phạm tội, qua đó tiến hành các biện pháp xác minh, điều tra; phục vụ tốt công tác truy xét, truy bắt đối tượng; xử lý chính xác các vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự. Nhất là các vụ việc về giết người, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng; tai nạn giao thông; mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Thanh Hóa, đến nay, toàn tỉnh có 332 mô hình "Camera với an ninh, trật tự" với tổng số hơn 14 nghìn mắt camera được lắp đặt, quản lý tại trụ sở công an các đơn vị và hơn 122 nghìn mắt camera tại các hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục được huy động khi có yêu cầu trích xuất.
Việc theo dõi, khai thác hình ảnh qua hệ thống màn hình hiển thị tại cơ quan, đơn vị giúp lực lượng công an phát hiện nhanh chóng, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; từ đó triển khai lực lượng, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra. Hiệu quả mô hình thể hiện cụ thể, rõ rệt ở sự chuyển biến tích cực về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên toàn tỉnh.
Cụ thể, theo số liệu thống kê năm 2021, toàn tỉnh xảy ra gần 1.500 vụ vi phạm pháp luật; năm 2022 xảy ra hơn 1.400 vụ, 6 tháng năm 2023 xảy ra 613 vụ. Như vậy có thể thấy, các vụ việc liên quan an ninh, trật tự, các vụ phạm pháp hình sự giảm dần qua các năm. Mô hình này không chỉ góp phần quan trọng phòng ngừa tội phạm, mà còn giúp cơ quan công an phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
Trong ba năm, từ 2021 đến nay, lực lượng công an các cấp tỉnh Thanh Hóa tiến hành hơn 12.300 lượt trích xuất hình ảnh, dữ liệu phục vụ công tác điều tra, khám phá các vụ án và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Ðã xác minh, làm rõ hơn 2.100 vụ việc liên quan an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; góp phần tỷ lệ điều tra khám phá án đạt trên 78,8%; án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,4% và án giết người đạt 100%.
Thông qua mô hình "Camera với an ninh, trật tự", ý thức của nhân dân được nâng cao rõ rệt, giúp củng cố mối quan hệ giữa người dân với cấp ủy, chính quyền; tích cực tham gia đóng góp, huy động nguồn lực xã hội hóa của tập thể cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn và con em quê hương thành đạt có điều kiện ủng hộ địa phương trong xây dựng mô hình "Camera với an ninh, trật tự"; gắn với xây dựng nông thôn mới.
Qua thống kê, đánh giá, tình hình trật tự xã hội, nhất là tại các địa điểm công cộng được lắp đặt hệ thống camera có nhiều chuyển biến tích cực, một số loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật được kiềm chế, giảm đáng kể so với những năm trước đây, như: Cướp, cướp giật tài sản; gây rối công cộng; gây thương tích; trộm cắp tài sản trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, chợ, khu vực công cộng; lấn chiếm hành lang giao thông làm nơi bán hàng; thanh, thiếu niên lạng lách, vượt ẩu trên các tuyến đường trọng điểm.
Hệ thống camera còn có tác dụng cảnh báo, phòng ngừa làm đối tượng bị tác động tâm lý, không dám manh động, từ bỏ ý định thực hiện hành vi phạm tội góp phần làm giảm các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự và xây dựng môi trường sống văn minh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân.
Trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, hệ thống camera phục vụ hiệu quả công tác xử lý vi phạm, tai nạn giao thông, giải quyết ùn tắc, phòng chống đua xe trái phép, tụ tập đông người gây mất trật tự công cộng, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý về hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện, quản lý đô thị, môi trường, quản lý các dịch vụ ăn uống, vận chuyển hành khách.
Tại hội nghị sơ kết công tác xây dựng, nhân rộng mô hình "Camera với an ninh, trật tự" trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Công an đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức phát động người dân tích cực tham gia mô hình "Camera với an ninh, trật tự" và các mô hình, phong trào bảo đảm an ninh trật tự khác ở cơ sở. Các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, đổi mới tư duy, vận dụng những cách làm linh hoạt, sáng tạo để triển khai và nhân rộng những mô hình hiệu quả về bảo đảm an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới.